Báo Công An Đà Nẵng

Chú trọng bảo tồn vốn văn hóa bản địa khi lập làng tái định cư thủy điện

Thứ sáu, 22/11/2013 12:10

(Cadn.com.vn) - Vừa qua, Phân viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Huế do TS Trần Đình Hằng–Trưởng Phân viện làm Trưởng đoàn đã có chuyến đi khảo sát, điền dã tại các làng tái định cư (TĐC) thủy điện ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Tham gia chuyến đi khảo sát và với tư cách là nhà nghiên cứu miền núi Quảng Nam trong nhiều năm và là thành viên chính thức của đoàn khảo sát, ông Nguyễn Tri Hùng đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi chung quanh vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở các làng TĐC thủy điện hiện nay.

P.V: Thưa ông, qua chuyến đi khảo sát thực tế các làng TĐC thủy điện tại một số huyện miền núi ở Quảng Nam (cụ thể tại H.  Bắc Trà My và Tây Giang), đoàn khảo sát của Phân viện đã thu được kết quả như thế nào so với yêu cầu đặt ra ban đầu?

Ông Nguyễn Tri Hùng: Xin nói ngay mối quan tâm hàng đầu với đoàn đó là vấn đề văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số khi về các làng TĐC thủy điện. Một thực trạng đáng lo ngại không kém gì câu chuyện thiếu đất sản xuất, sinh kế đang bấp bênh, đó là một bộ phận người dân bỏ thôn, làng TĐC ở các thủy điện để “du cư và sẽ du canh” ở rừng, mà rừng ấy là rừng phòng hộ. Họ không còn sự lựa chọn nào khác vì làng cũ đã chìm trong lòng hồ.

Do chủ quan về ý chí trong làm nhà TĐC thủy điện, chúng ta đã đẩy đồng bào vào chỗ đánh mất “nguồn gốc” của mình bởi hai điều căn cốt đó là: Phá vỡ không gian sinh tồn của người dân (không gian này chủ yếu là rừng, là nhà, là các hoạt động xã hội của người dân). Điều thứ hai đó là phá vỡ đời sống gia đình của người dân. Gia đình truyền thống của đồng bào không giống như những gì chúng ta thấy, ta biết mà nếp văn hóa này đi vào căn cốt trong đời sống gia đình với mỗi  tộc người, ví dụ như chỗ đặt bếp trong nhà, nơi “nghĩa địa” an nghỉ của người đã khuất, nơi ngủ của các thành viên trong gia đình, hướng nhà... thậm chí đến thói quen đi vệ sinh...

Điều đáng nói tất cả sự thay đổi với người dân là quá đột ngột làm họ “choáng” ngay, chứ không thể đòi hỏi sự thích nghi.

Ông Nguyễn Tri Hùng

P.V: Vậy hướng sinh kế cụ thể ở đây là nhà ở cho đồng bào TĐC thủy điện có nên kết hợp giữa ý chí Nhà nước và người dân?

Ông Nguyễn Tri Hùng: Đúng vậy, chính quyền chỉ làm những việc cần làm và để tạo điều kiện phù hợp nhất dân làm những việc họ muốn làm. Cụ thể chọn khu vực đưa dân đến, hỗ trợ dân kinh phí làm nhà. Thực tế năm 1977 khi làm kinh tế mới ta có chủ trương làm nhà TĐC như làng người kinh ở Phước Năng, H. Phước Sơn để đưa dân vùng cao đến ở tập trung. Sau thời gian ngắn việc làm này thất bại, dân lại chạy về làng cũ, trên núi cao. Rõ ràng chúng ta chưa dự lường những vấn đề tiêu cực phát sinh, đó là đất đai sản xuất cho dân bị thiếu, rừng thu hẹp, dân không có ngành nghề sản xuất. Họ đang làm rừng nay bảo đi nuôi cá nước ngọt là không thể làm được... cách nào để họ mưu sinh vẫn chưa có câu trả lời.

Nói như triết học Mác, lao động, cùng vấn đề khác trong hoạt động của con người sẽ sinh ra văn hóa, nếu mất đi điều này sẽ kéo theo mất đi điều kia. Điểm yếu của chúng ta một mặt đánh mất không gian văn hóa, sinh tồn vốn có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số, mặt khác không tạo điều kiện cho người dân để họ “hồi cố” vốn văn hóa bản địa vì họ không có điều kiện khi về làng TĐC. Cạnh đó, cuộc sống mưu sinh hiện tại thúc ép họ chủ yếu lo miếng ăn, chưa nói một số vùng dân phải lo chạy động đất... lo thủy điện nứt...

P.V: Vấn đề đặt ra trong cảnh báo văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các làng TĐC thủy điện đã rõ. Vậy theo ông đâu là giải pháp có thể “chữa cháy” thực trạng hiện nay?

Ông Nguyễn Tri Hùng: Thiết nghĩ, để bảo tồn được không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các khu vực chịu ảnh hưởng của các dự án thủy điện, cũng như việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống cho người dân tại những nơi ở mới, thì cần phải có sự trao đổi, lấy ý kiến của người dân trong việc xây dựng các khu TĐC. Trong đó chú trọng đến ý kiến của họ về việc xây dựng các kiểu nhà như thế nào cho hợp lý và phù hợp với truyền thống. Vấn đề thứ hai cần phải phân tích hết những tác động tiêu cực tiềm tàng của quá trình TĐC.

Trước hết là trong quá trình người dân phải làm quen với quê hương mới, ổn định đời sống và tổ chức xây dựng, phát triển sản xuất. Bởi sự lo lắng của người dân chủ yếu ở việc phải xa “ rừng thiêng” của cha ông bao đời trước đó, xáo trộn mối quan hệ dòng tộc, bị phân ly và chung sống với những cộng đồng người mới. Thứ ba là cần đánh giá một cách tổng thể những tổn thất tâm linh và các tác động làm thay đổi về phong tục, tập quán, truyền thống, trạng thái văn hóa vật chất và tinh thần của các dân tộc trong vùng TĐC.

Lễ hội Cơ Tu.

P.V: Làng, nhà cụ thể với mỗi dân tộc thiểu số thì sao?

Ông Nguyễn Tri Hùng: Muốn giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên lĩnh vực này (làng, nhà) chúng ta cần có một cách nhìn biện chứng, khoa học và năng động. Theo tôi trong việc xây dựng các làng định cư ở miền núi Quảng Nam chúng ta phải chú ý tới quy mô làng, tới nguồn gốc tộc người, tới điều kiện sản xuất và nhất là cấp có thẩm quyền, quản lý cần biết, cần hiểu cái dân cần cho mình và cho cái chung của cộng đồng. Vì vậy cần có những nghiên cứu cụ thể, không thể tùy tiện. Chúng ta có thể “đặt cặp” nhà khoa học, nhà văn hóa những đề án khoa học về làng thủy điện ở miền Trung ở Quảng Nam chẳng hạn...

Bởi vậy, chăm lo đời sống đồng bào trong đó có việc gìn giữ vốn văn hóa bản địa các dân tộc thiểu số của tỉnh vừa là trách nhiệm và là công tác “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Võ Văn Trường (thực hiện)