Báo Công An Đà Nẵng

Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20

Thứ sáu, 18/08/2017 08:30

Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 12-8 vừa qua, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hạ quyết tâm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%.

Đây là mục tiêu không hề dễ dàng, đặc biệt sự tăng trưởng ấy phải gắn với hiệu quả  trong bối cảnh thời gian còn lại của năm 2017 không nhiều. Tuy nhiên, nhiệm vụ ấy hoàn toàn khả thi nếu có sự quyết tâm cao và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, của mỗi người dân, đi đôi với những biện pháp linh hoạt, đồng bộ nhưng quyết liệt.

Nói khó bởi lẽ muốn đạt mục tiêu tăng trưởng  GDP 6,7% cho cả năm 2017 thì  6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%, một mức tăng trưởng có thể nói là rất cao trong bối cảnh hiện nay. Do đó, cũng có ý kiến  lo ngại nếu cố “ép” để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên có thể sẽ không đạt được cái đích sau cùng của tăng trưởng là hiệu quả, phát  triển bền vững.

Theo phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tăng trưởng kinh tế quý II năm nay đã phục hồi rõ nét, góp phần đưa tăng trưởng 6 tháng đầu năm đạt mức 5,73%. Đây là dấu hiệu tích cực, khả quan cho đà phục hồi nền kinh tế. Về tổng cung, ngoại trừ ngành khai khoáng tiếp tục xu hướng giảm thì các khu vực nông, lâm, thủy sản, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành xây dựng và khu vực dịch vụ đều phục hồi tốt. Tình hình đầu tư cũng có sự chuyển biến tích cực với tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm tăng 10,5% so với cùng kỳ và bằng 32,9% GDP. Về tổng cầu, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng đánh giá trong 2 quý cuối năm sẽ tiếp tục xu thế cải thiện tốt, nhất là cầu tiêu dùng, cầu đầu tư và chi tiêu chính phủ khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản được đẩy nhanh. Chính vì vậy, với điều kiện cả tổng cung và tổng cầu tiếp tục được cải thiện và hỗ trợ bởi chính sách và môi trường kinh doanh, xét về cả cơ sở khoa học và thực tiễn, tăng trưởng kinh tế cả năm hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu 6,7%.  Cũng theo chiều hướng tích cực, ý kiến các bộ, tập đoàn, tổng công ty đều cho biết có thể hoàn thành kịch bản đề ra đối với ngành, lĩnh vực của mình. Ngành nông nghiệp có khả năng đạt tăng trưởng cả năm trên 3% với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 33 tỷ USD. Công nghiệp chế biến, chế tạo có thể đạt trên 12%. Ngành du lịch khẳng định có thể đạt mức tăng trưởng trên 30%, đạt 13-15 triệu khách quốc tế. Ngành dệt may cam kết nỗ lực đạt tăng trưởng trên 10%, với mục tiêu xuất khẩu trên 30 tỷ USD...

Tuy nhiên, đó mới chỉ là con số trên tính toán. Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi phải có những biện pháp sát sao, cụ thể và hành động quyết liệt. Ngay tại cuộc họp Chính phủ ngày 3-6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung đánh giá khó khăn, vướng mắc, đề xuất biện pháp tháo gỡ cụ thể, nhất là tháo gỡ các thủ tục ràng buộc, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Đồng thời tập trung tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty, các địa phương... chứ “không ngồi nhà chờ báo cáo”. Người đứng đầu Chính phủ còn nhấn mạnh: “Các ngành coi việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị của mình chứ không phải quản lý vĩ mô mà thoát ly thực tế”. Như vậy, Thủ tướng đặt yêu cầu rất cao về trách nhiệm cá nhân trong quản lý điều hành để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, thậm chí còn đặt vấn đề xử lý kỷ luật nếu cá nhân nào làm không tốt, không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp bất khả kháng. Còn trong cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 12-8 vừa qua, Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức các cuộc họp để giải quyết một số vấn đề đặt ra nhằm giải quyết các khó khăn, giảm chi phí doanh nghiệp; phát huy vai trò của những vùng kinh tế trọng điểm... Theo người đứng đầu Chính phủ, chỉ tiêu GDP liên quan đến việc làm, tích lũy, nợ công và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Do đó, phải có những giải pháp, quyết tâm, những đột phá, quyết liệt hơn ở các cấp, các ngành, các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty lớn để đóng góp cho tăng trưởng.

Như vậy chỉ trong vòng 2 tháng, người đứng đầu Chính phủ đã hai lần triệu tập cuộc họp, tập trung tìm giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP của năm nay ở mức 6,7%. Điều đó cho thấy quyết tâm cao và hành động thực sự của Chính phủ và nhiệm vụ tăng trưởng 6,7% đã trở thành mệnh lệnh.

Tuy nhiên, cái đích của tăng trưởng không phải chỉ để tăng trưởng mà quan trọng là tăng trưởng để phát triển kinh tế - xã hội và nhất là bảo đảm sự phát triển bền vững. Vì vậy, không phải là tăng trưởng bằng mọi giá mà tăng trưởng phải đi đôi với hiệu quả. Do đó, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng  12-8, Thủ tướng nhấn mạnh: Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Thủ tướng cũng chỉ đạo rất cụ thể: Không thể ép sản xuất mà không có hiệu quả, ít nhất là phải bảo đảm thu hồi vốn, không thua lỗ. Chứ không phải ép sản xuất bằng mọi giá để mà thua lỗ. Mục tiêu tăng trưởng là quan trọng nhưng hiệu quả kinh tế kèm theo cũng quan trọng.

Như vậy, mọi tính toán đã được cân nhắc kỹ lưỡng, các giải pháp cũng đã được bàn thảo cụ thể. Chính phủ cũng đã đưa ra chủ trương và quyết tâm cao để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP năm nay 6,7%. Vấn đề còn lại là hành động, là sự vào cuộc và vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, các ngành bởi thời gian không còn nhiều và như Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới thúc đẩy được những công việc còn đang ở phía  trước.

DOANH VŨ – TTXVN