Chùa Cầu - thương hiệu Hội An
Chùa Cầu có mặt ở phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam) từ thế kỷ XVII nhưng phải đến đầu năm 1999 khi Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới thì Chùa Cầu mới được bạn bè khắp nơi biết đến như một biểu tượng di sản của nơi đây. Thương hiệu ấy của Chùa Cầu không chỉ có được nhờ kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu đời của nó mà còn bởi Chùa Cầu đã gắn liền với biết bao buồn vui đời sống xứ sở nơi đây. Tìm về những ký ức của Chùa Cầu sẽ bắt gặp một Hội An rất mộc mạc, giản dị mà giàu bản sắc văn hóa.
Bức ảnh màu đầu tiên
Chùa Cầu còn được gọi với tên khác là Cầu Nhật Bản bởi chiếc cầu và ngôi chùa được các thương nhân người Nhật xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XVII với biểu tượng mái hình chiếc kiếm đâm xuống lưng con quái vật mamazu – quái vật gây ra động đất, thiên tai, với mong muốn đem lại sự bình yên cho mảnh đất thương cảng, nơi hội tụ giao thương. Có thể khẳng định, Chùa Cầu Hội An chính là biểu tượng giao lưu văn hóa, kiến trúc giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Nguyễn Đình Cừ và... |
Ngày nay, Chùa Cầu đã là điểm đến không thể bỏ qua khi đến Hội An. Thế nhưng Chùa Cầu của hơn nửa thế kỷ trước, dưới làn bom đạn chiến tranh trông như thế nào, ra sao thì có lẽ rất ít tư liệu còn lưu giữ. Một phần vì trong chiến tranh Hội An là một trong những nơi bị tàn phá rất nặng nề, mặt khác đời sống chiến tranh không có điều kiện để lưu trữ những giá trị văn hóa như ngày nay. Trong một dịp tình cờ có mặt tại tiệm sách của ông Nguyễn Đình Cừ (trú 43-Phan Bội Châu) tôi được ông giới thiệu về bức ảnh chụp Chùa Cầu từ hơn nửa thế kỷ trước và được biết đây được xem là bức ảnh màu đầu tiên về Chùa Cầu còn lưu giữ tại Hội An đến ngày hôm nay. Bức ảnh màu cam đất đã cũ nhưng vẫn tràn đầy sức sống, ngôi Chùa Cầu ấy dù qua bao biến thiên của lịch sử vẫn vững vàng đến ngày hôm nay như ý chí son sắt của đất và người Quảng Nam vậy. Tuổi đã cao, sức khỏe đã giảm sút nhưng nói tới bức ảnh chụp Chùa Cầu, mắt ông Cừ vẫn sáng lên niềm tự hào. Ông kể bức ảnh này được chụp vào khoảng những năm 1940-1945 khi chiến tranh đang vào giai đoạn rất ác liệt. “Hồi đó, khắp một dải từ Hòa Vang – Đà Nẵng vào Hội An giặc cày xéo liên tục. Tôi khi ấy mới có mười mấy tuổi thôi, biết chiến tranh tàn ác đó nhưng cũng không làm chi được nhiều mà vẫn chỉ quanh quẩn trong nhà chạy chơi là chính. Nhỏ tuổi nên khi nhìn thấy lính Tây cầm súng đi ngoài đường tôi cũng không biết sợ mà còn tò mò. Bây giờ nghĩ lại hồi đó mình nhỏ mà... gan thật”, ông Cừ cười. Rồi trong một lần có một toán lính Pháp đi xe Jeep ngang qua nhà ông dựng xe đó rồi đi tuần ông Cừ cùng một số trẻ con trong xóm trèo lên nghịch phá. “Tôi đầu têu cho cả lũ trẻ trong xóm trèo lên xe lục lọi. Lúc đó tôi nhìn thấy chiếc máy ảnh dù chẳng biết nó là gì nhưng thích quá... thì giữ luôn. Sau này mò mẫm tìm cách sử dụng tôi mang ra chụp thử nhiều nơi trong đó có bức ảnh Chùa Cầu này đây”, ông Cừ nhớ lại.
Chụp được ảnh nhưng phải mười mấy năm sau ông Cừ mới được người quen in ra ảnh từ những cuộn phim trong máy. “Lúc ra ảnh tôi mừng quá chừng không ngờ chuyện tưởng như đùa lại cho ra được bức ảnh để đời như thế. Sau này, có nhiều cán bộ văn hóa đến thăm dù chưa thể khẳng định nhưng ai cũng cho rằng bức ảnh này có lẽ là bức ảnh màu đầu tiên chụp chân thực về Chùa Cầu còn lưu giữ được đến hôm nay”, ông Cừ nói.
...tấm ảnh được xem như bức ảnh màu đầu tiên về Chùa Cầu được đặt tại 43-Phan Bội Châu. |
Thách thức
Khéo léo được đặt trên một cây cầu, dưới là dòng nước mát trong, trên là nóc nhà bình yên che chở, Chùa Cầu là đại diện tiêu biểu cho lối kiến trúc truyền thống của các nước phương Đông. Chùa Cầu là một trong những địa điểm du lịch Hội An đầy ý nghĩa với những cây cột bằng gỗ, được sơn son, chạm trổ kỳ công, tỉ mỉ. Thế nhưng Chùa Cầu đang đối diện với những nguy cơ đổ sập vì xuống cấp. Có lẽ, ngoài vết tích của thời gian thì việc phát triển du lịch quá mức cũng đã góp một phần không nhỏ gây áp lực lên Chùa Cầu. Hiện nay, mỗi ngày di tích này phải “cõng” trên mình hơn 4.000 lượt khách đến tham quan; vào ngày lễ, Tết, lượng khách tham quan Chùa Cầu còn nhiều hơn. Theo tìm hiểu của P.V, để bảo vệ Di tích Chùa Cầu, đã có rất nhiều ý kiến và giải pháp sửa chữa trùng tu di tích này do các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra. Tuy nhiên các giải pháp đều chưa nhận được sự đồng thuận cao từ chính quyền và nhân dân địa phương.
Trước thực tế đó, ông Kiều Cư - Bí thư Thành ủy Hội An cho biết trong khi chờ giải pháp tối ưu cũng như đánh giá toàn diện của các nhà khoa học trong nước và quốc tế về việc trùng tu, bảo vệ thì Hội An sẽ sớm thực hiện việc hạn chế lượng khách tham quan nhằm chống quá tải cho di tích. Theo đó, trong thời gian đến sẽ có quy định mỗi đợt khách lên tham quan Chùa Cầu không vượt quá 20 người. Trong khi đó, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cũng vừa tổ chức chống đỡ tạm thời, thực hiện gia cố cho gầm Chùa Cầu bằng 2 trụ chống phía dưới để giảm tải lên di tích. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết cuối năm 2019 này, UBND tỉnh và TP Hội An sẽ tổ chức hội thảo lần cuối để nhận diện các nguy cơ cũng như xác định phương thức trùng tu Chùa Cầu.
Không phải đến bây giờ khi đối diện với nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng thì Chùa Cầu mới đứng trước nguy cơ bị đe dọa. Thực tế, 400 năm đã trôi qua Chùa Cầu cũng đã từng đứng trước bao phen nguy nan của lịch sử. Thế nhưng, vẻ đẹp đậm nét Á Đông ấy vẫn trường tồn đến ngày nay và lan tỏa thương hiệu Hội An đến bạn bè quốc tế. Thiết nghĩ rằng không chỉ riêng Chùa Cầu mà rất nhiều di tích có lịch sử lâu đời khác trên thế giới rồi đây cũng sẽ đứng trước nguy cơ mai một cùng với thời gian. Phương án chống đỡ Chùa Cầu có lẽ là phần việc của những nhà quản lý, còn việc của chúng ta – những người yêu văn hóa là cùng chung tay giữ gìn, trân trọng giá trị của di tích để nó không chỉ là một kiến trúc của riêng người Hội An mà còn xứng tầm di sản văn hóa nhân loại.
HÀ DUNG