Báo Công An Đà Nẵng

Chùa Cầu trong mắt người phố Hội

Thứ tư, 05/02/2020 22:34

Bạn tôi, người làng gốm, cách phố Hội một đoạn vừa đủ xa để hít hà hương lúa, vừa đủ gần để nếu có việc gấp, chỉ cần phóng xe độ 5 phút là đến nơi. Năm 2003, chị về làm dâu phố, trong một gia đình gốc Hoa. Ngày cưới, chị ngang qua Chùa Cầu. Mười mấy năm trời từ ấy đến nay, Chùa Cầu quen đến độ, nó dường như vô hình mỗi khi chị đi qua.

Cầu đón khách phương xa

Thế rồi một buổi sáng, chị gọi tôi ra quán cà-phê bên hông Chùa Cầu. Chị bảo sắp phải đi xa. Chúng tôi chuyện trò, cũng chỉ là những điều tủn mủn, chẳng nhắc chi nhiều về tạo vật cổ xưa bắc qua nhánh sông nhỏ vẫn nằm trong tầm mắt. Ấy thế, đến khi vãn chuyện, đưa mắt về di tích, nhìn dòng người tấp nập đi trên chiếc cầu gỗ chỉ dài vài bước chân, tôi bất chợt phát hiện ra những điều lạ lẫm. Hình như du khách nhìn thấy nơi đây một công trình kiến trúc đẹp hài hòa đến kín kẽ trong không gian u trầm của phố, nhưng có lẽ cũng chẳng mấy ai để tâm đến nhịp sống xung quanh chiếc cầu cũng là ngôi chùa biểu tượng này.

Nép mình nơi cuối đường Trần Phú, con phố sầm uất bậc nhất đô thị cổ Hội An với những cửa tiệm ấm áp ánh đèn lồng vào ban đêm và rực rỡ sắc hoa dạ yến thảo vào ban ngày, Chùa Cầu thoạt trông khá đơn sơ, với những thanh gỗ nhỏ và những viên ngói ám ủ màu thời gian.

Người ở phố Hội như chúng tôi, hình như ai cũng thuộc nằm lòng lai lịch của cây cầu này mà chẳng cần tra cứu. Từ thế kỷ XVII, các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng nên cây cầu này, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản. Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều (cầu đón khách phương xa).

Thiên kiến của Nguyễn Phúc Chu thế mà “ứng”. Ngày nay, Lai Viễn Kiều - chùa Cầu vẫn luôn nhộn nhịp những bước chân đến từ khắp bốn phương trời. Từ khoảng 7 giờ 30 sáng đến 22 giờ đêm, chùa Cầu tựa như là không gian của riêng du khách. Chùa Cầu ngày nào cũng nhộn nhịp với nhiều ngôn ngữ khác nhau, như là điểm hẹn của những người xa lạ đến từ khắp các phương trời.

Một gánh hàng rong trước Chùa Cầu.

Sợi dây kết nối

Với đa số người địa phương, Chùa Cầu thân thuộc nhất là lúc khuya muộn về sáng sớm. Lúc ấy, khách thập phương vãn dần, người dân lại trở về với nếp sinh hoạt đời thường vốn có. Một người bạn nữa của tôi, thầy Việt, nhà ở tuyến phố NguyễnThị Minh Khai, mỗi sáng sớm đều lựa chọn cung đường thể dục sớm ngang qua Chùa Cầu. Thầy bảo thích nghe tiếng khua của gỗ, thích phóng mắt ngang sông nhìn về An Hội để ngắm nắng sớm xiên từng mảng phố rộn vàng sơn ve. Tôi hay đùa: “Ngày nào Thầy cũng đạp chân lên di sản”. Đùa vậy, nhưng tôi biết, Chùa của phố không chỉ là di sản mà còn là chứng tích của quá trình con người cố gắng thích nghi. Thầy họ Vương, quê gốc xa hàng ngàn dặm, yêu Hội An bằng tình yêu của một đứa trẻ sinh ra nơi vùng đất lành cộng với ký ức cố hương được truyền lại từ các bậc tiền nhân. Có thể, mỗi buổi sáng thầy đã chọn cách đối diện (hay tìm gặp) ký ức của mình, một cách an nhiên.

Có một tình yêu ở Lai Viễn Kiều

Ở Chùa Cầu còn lưu lại một câu chuyện khác, câu chuyện tình yêu của một lái buôn người Nhật và cô tiểu thư của gia đình người Hoa đang định cư trong phố. Họ yêu nhau nhưng lại bị gia đình cấm cản, mỗi đêm họ lại bí mật hẹn hò và vào Chùa Cầu xin cho nhân duyên của mình được tác thành. Câu chuyện này có nhiều cái kết, có người bảo rồi họ đến được với nhau nhưng có người lại bảo họ không vượt qua được rào cản... Dù tin cái kết nào nhưng ai cũng đinh ninh đây là một câu chuyện buồn. Vậy mà chẳng mấy ai sợ, mỗi sáng bên Chùa Cầu các đôi tình nhân vẫn rộn ràng chụp hình cưới, vẫn rộn ràng hạnh phúc như thể ước mong lấy hạnh phúc của đôi lứa bây giờ bù đắp cho sự thua thiệt của đôi lứa khi xưa...

Người Hội An lạ lắm, mọi việc đối với họ dường như không quá buồn cũng không quá vui, họ có xu hướng tiếp nhận vấn đề một cách an nhiên. Và cách họ nhìn Chùa Cầu cũng thế. Giá kể có ai nói với người Hội An rằng, Chùa Cầu nổi tiếng lắm, được in cả trên tiền VND thì có lẽ họ cũng chỉ cười dung dị. Họ tin chứ. Họ vui chứ. Thế nhưng, niềm vui đó không lớn hơn cái mục đích ban đầu của cha ông họ khi xây dựng chiếc cầu này, là để kết nối. Người Hội An có cách giữ gìn phố của mình, đó là lưu giữ ký ức của cha ông mình cho con cháu của mình. Điều đó giản dị và quen thuộc hơn việc phải giữ gìn di sản.

Những người bạn phương xa của tôi thường nhắn hỏi mỗi khi đến đây, phải đi đâu để thấy được Hội An? Tôi hay mách bằng thói quen cảm của mình: đi đâu thì đi, chốn nào cũng thấy được hết dù ít hay nhiều. Nhưng nếu được hãy dành một buổi sáng sớm, đến quán cô Thảo sát bên hông Chùa Cầu. Vào đấy, tự lấy ghế mà ngồi, tự lấy ghế làm bàn, và những khi trời đổ mưa bất chợt thì cũng tự bưng ghế mà chạy. Cà-phê quán ấy không ngon đặc biệt gì đâu, nhưng cứ ngồi yên đó và nhìn. Từng tốp học sinh từ Cẩm Phô đạp xe qua cầu gỗ để vào những ngôi trường trong phố, những người phụ nữ xách giỏ băng cầu đi chợ, những người bán hàng lưu niệm đẩy những chiếc xe treo đầy đồ trang trí ngang qua cầu, đến nơi bán chờ du khách... mỗi khi có người ngang qua, tiếng lộc cộc của từng mảnh gỗ va vào nhau càng khoét sâu hơn cái không gian yên bình ven chùa Cầu.

Ấy, là Hội An đấy, không chỉ nhìn mà phải nghe nữa, mới thấy!

LƯU THỊ THÀNH