Chưa có cơ sở khẳng định căn hầm bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Huế
(Cadn.com.vn) - Vừa qua, một số báo đưa tin, ngày 26-9-2014, trong lúc sửa sang lại ngôi nhà cũ xuống cấp, ông Mai Văn Huế, người cháu trông coi ngôi nhà tại địa chỉ 191 Trần Hưng Đạo (số 95A cũ, Trần Hưng Đạo, TP Huế, TT-Huế- căn nhà trước đây là của ông Hồ Diễn) bất ngờ phát hiện ra căn hầm, từng là nơi hoạt động bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Ủy ban Kháng chiến Việt Minh Trung bộ thời kỳ chống Pháp (1945- 1946) bị chôn vùi dưới lòng đất gần 70 năm. Theo ông Mai Văn Huế, trong những năm hoạt động tại Huế, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thường đến đây tổ chức nhiều cuộc họp và giao trách nhiệm cho ông Hồ Diễn vận động các thương gia giàu có đóng góp tiền của để mua sắm vũ khí...
Ông Mai Văn Huế cho biết, khi còn ở đây, nơi căn hầm là vườn hoa, ông thường hay ra nơi này chơi. Ông còn nhớ rõ, nắp hầm được ngụy trang bằng một bình hoa, hai bên căn hầm có hai cây hồng đào. Phía trước hầm, bên dưới cầu thang ngôi nhà là kho cất giấu súng, đạn; còn phía sau cách đó khoảng 10m là kho cất giấu vũ khí thô sơ như giáo, mác...
Ông Mai Ngân (85 tuổi), nguyên là điệp viên tình báo Ban II (thuộc Ty Công an tỉnh TT- Huế), Đội viên Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung bộ (1945-1946) cho biết: "Căn hầm này được xây dựng vào những năm 1946 - 1947, trong hoàn cảnh thực dân Pháp quay lại Việt Nam và đổ bộ lên đất Huế. Ông Mai Ngân cho biết thêm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn chọn ngôi nhà này để thành lập Đội Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung bộ và cũng dùng nơi đây để hội họp, địa điểm huấn luyện đội ngũ cán bộ, nơi liên lạc của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy lúc bấy giờ và đây cũng được xem là cơ sở cách mạng đầu tiên ở TT-Huế trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945...
Trước thông tin các báo phản ánh, Sở VH-TT&DL đã yêu cầu Bảo tàng Lịch sử & Cách mạng TT-Huế khẩn trương xác minh. Bảo tàng đã tiến hành khảo sát, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, làm việc với UBND P.Phú Hòa và tìm kiếm các tư liệu liên quan. Theo báo cáo của Bảo tàng LS & CM gửi Sở VH-TT & DL ngày 16-10, về căn hầm tại 191-Trần Hưng Đạo có chiều dài 5m, rộng 1,5 m và sâu 1,2 m; nối với mặt đất bằng 4 bậc thang được xây gạch đặc và tô xi-măng vững chắc.
Mặt trên căn hầm được nối 2 tấm bê-tông cốt thép. Theo nhận định của Bảo tàng LS & CM tỉnh TT-Huế, các vật liệu xây dựng này quá mới, không phải được xây dựng năm 1945 như lời kể của ông Mai Văn Huế và Mai Ngân cung cấp cho báo chí. Ngoài ra, theo UBND P.Phú Hòa, trong giai đoạn 1968-1975, hầu hết các nhà trong P. Phú Hòa đều có hầm trú ẩn tránh bom đạn nên có thể đây chỉ là căn hầm tránh bom đạn của chủ nhà số 191-Trần Hưng Đạo.
Ông Mai Văn Huế bên trong căn hầm mà ông cho là nơi hoạt động bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. |
Cũng theo Bảo tàng LS&CM tỉnh, qua tra cứu tài liệu lịch sử, tạp chí kỷ yếu khoa học... liên quan đến Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và các hồi ký của nhân chứng lịch sử đã từng hoạt động với Đại tướng từ 1936-1954 và nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan thì chưa có một tài liệu nào nói về "căn hầm bí mật che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và kho vũ khí bí mật" cũng như căn nhà 191-Trần Hưng Đạo từng là nơi hội họp của Ủy ban kháng chiến và Ban tình báo Liên khu V. Bảo tàng cũng gặp gỡ các nhân chứng.
Theo Đại tá Mai Văn Thạch-nguyên điệp báo Ty Công an Thừa Thiên 1945-1950 (hiện trú TPHCM) cho biết, trong thời gian làm việc tại Huế ông chưa hề nghe đến căn hầm bí mật che giấu Đại tướng tại căn nhà 191-Trần Hưng Đạo (số cũ 95A Trần Hưng Đạo). Còn ông Lâm Bình- Trưởng Ty CA TT-Huế, người từng tham gia Đội Điệp báo trong kháng chiến chống Pháp cho rằng, những lời kể của ông Mai Ngân về căn hầm che giấu Đại tướng là không có cơ sở vì lúc đó ông Mai Ngân là liên lạc viên mới 15 tuổi. Theo UBND P.Phú Hòa-nơi ông Mai Ngân cư trú thì ông khai trong điều kiện trí nhớ không minh mẫn...
Đối với ông Mai Văn Huế-người cung cấp cho báo chí, hiện 57 tuổi nên vào năm 1945, ông Huế chưa sinh ra thì không thể là nhân chứng biết tường tận căn hầm che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và ngôi nhà 191-Trần Hưng Đạo là cơ sở cách mạng đầu tiên ở TT-Huế năm 1945-1946... Theo Bảo tàng LS & CM tỉnh, từ những xác minh trên, Bảo tàng nhận thấy các thông tin mà ông Mai Văn Huế và Mai Ngân cung cấp qua phản ánh báo chí phát hiện căn hầm bí mật che giấu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại ngôi nhà 191-Trần Hưng Đạo (số 95A cũ, thuộc P.Phú Hòa, TP Huế) là thiếu căn cứ khoa học, không chính xác.
Để làm rõ các nội dung trên, ông Cao Huy Hùng-Giám đốc Bảo tàng LS & CM tỉnh đề xuất Sở VH-TT &DL lấy mẫu vật xây dựng tiến hành thí nghiệm để xác định niên đại; tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu lưu trữ, các tài liệu nhân chứng từng tham gia hoạt động giai đoạn 1945-1946 với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở TP Huế và TT-Huế. Sau khi có kết quả về tài liệu, hiện vật sưu tầm thì nên tổ chức tọa đàm khoa học để xác minh những liên quan đến căn hầm bí mật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và một số nội dung khác mà ông Mai Văn Huế và Mai Ngân cung cấp cho báo chí.
H.Lan