Chưa có điều kiện thực hiện tăng lương năm 2015
(Cadn.com.vn) - Xung quanh vấn đề tăng lương, bên lề Quốc hội khóa VIII, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã có những chia sẻ: Theo lộ trình cải cách tiền lương thì năm nay phải tăng lương. Nhưng do cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015 hết sức khó khăn, ước tính mức bội chi ngân sách đã lên tới 226.000 tỷ đồng và mức bội chi này mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, trong đó, chi thường xuyên để thực hiện chế độ chính sách ban hành (như hỗ trợ nhà ở với người có công)... cũng phải giãn ra để làm từng bước. Ngoài ra, chi trả nợ cũng mới đáp ứng được hơn 60%, còn lại là vay đảo nợ.
Ông Bùi Đức Thụ trả lời báo giới. |
Trong khi đó, việc tăng lương đòi hỏi một nguồn tiền quá lớn vì quy mô người hưởng lương và chế độ chính sách từ ngân sách Nhà nước rất nhiều. Ước tính, số lượng cán bộ công chức có gần 700.000 người, nhưng tổng số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, liên quan ngân sách Nhà nước lại lên đến hơn 8 triệu người, do vậy, để cải cách tiền lương thì đòi hỏi một lượng tiền rất lớn.
Lần gần đây nhất, để tăng lương cơ bản từ 930.000 lên 1.150.000 đồng, ngân sách Nhà nước đã phải bỏ ra hơn 44.000 tỷ đồng/năm. Bây giờ, nếu cải cách tiền lương thì chắc chắn bội chi ngân sách lớn hơn, và nợ công ngay từ năm 2015 sẽ vượt trần. Do vậy, quan điểm của tôi trước mắt chưa nên tăng lương, nên giãn tiến độ cải cách tiền lương để cân đối thu chi.
Có thể thấy, năng suất lao động xã hội của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước khu vực, thậm chí bằng một phần nhỏ của một số nước ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, những năm vừa qua, tốc độ tăng lương của ta lại cao hơn so với tốc độ tăng năng suất lao động xã hội. Đây là vấn đề không bình thường trong vấn đề chính sách tiền lương. Với hai lý do đó, tôi cho rằng, việc cải cách tiền lương phải chậm lại so với lộ trình. Quan trọng hơn, theo tôi tốc độ tăng lương phải phụ thuộc vào tốc độ tăng năng suất lao động xã hội.
Trả lời câu hỏi, kinh tế tăng trưởng nhưng thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách lại không tăng, đây có phải là sự không công bằng? ông Bùi Đức Thụ nói: Lạm phát 2 năm qua tăng là tăng chung, việc giảm thu nhập thực tế không phải chỉ với đối tượng công chức, viên chức mà của toàn bộ những người hưởng lương. Nhìn rộng hơn thì lạm phát làm giảm tiền lương thực tế của mọi người hưởng lương. Mặt khác, tốc độ tăng lương cao hơn tăng năng suất lao động xã hội. Tuy nhiên, điều kiện thực hiện tăng lương năm 2015 là chưa có, do mất cân đối ngân sách Nhà nước.