Báo Công An Đà Nẵng

Chưa đầu tư cho công nghệ sinh học, chưa nên mơ nông nghiệp công nghệ cao

Thứ tư, 31/01/2018 09:13

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, mang giá trị thương mại lớn được triển khai tại Đà Nẵng thời gian qua bắt nguồn từ những nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH). Đây cũng là thế mạnh giàu tiềm năng của Đà Nẵng nhưng chưa được đầu tư, khai thác triệt để.

Qui trình sản xuất hoa lan thương phẩm tại Trung tâm CNSH Đà Nẵng sắp được chuyển giao cho người dân.

Thành tựu từ… hoa

Tại Trung tâm CNSH Đà Nẵng hiện có gần chục ngàn chậu hoa lan các loại, màu sắc rực rỡ đang được chăm chút chuẩn bị tung ra thị trường phục vụ người dân chơi Tết. Theo lãnh đạo Trung tâm, việc nghiên cứu nhân giống cũng như hoàn thiện, làm chủ qui trình sản xuất mất rất nhiều thời gian. Để có thể chuyển giao cho người dân sản xuất đòi hỏi phải tập huấn công phu và đầu tư mạng lưới nhà kính rất tốn kém. Tuy vậy, giá trị kinh tế của các loại hoa thương phẩm như ly ly, lan hồ điệp… rất lớn. Trung bình một chậu hoa lan có giá dao động hơn 200 ngàn đồng, với diện tích 200m2 có thể trồng khoảng 1.000 chậu lan cho hoa. Như vậy với diện tích đất ít ỏi, phù hợp với điều kiện Đà Nẵng, thì việc ứng dụng CNSH vào sản xuất sẽ mang lại giá trị kinh tế rất lớn, 1.000m2 nhà kính có thể đưa về thu nhập vài trăm triệu tới 1 tỷ đồng/năm.

Do đặc thù diện tích đất đai ở Đà Nẵng không nhiều, không hình thành được các trang trại nông nghiệp qui mô vài chục đến vài trăm héc-ta như nhiều địa phương, vì thế các mô hình nhỏ, như trồng nấm, hoa thương phẩm là phù hợp. Và để có một giống nấm hay hoa đặc sắc, có giá trị thương mại cao, ngoài việc nghiên cứu, lai tạo thì qui trình, điều kiện sản xuất cũng đòi hỏi rất khắt khe. Bà Vũ Thị Bích Hậu- Phó Giám đốc Sở Kh&CN Đà Nẵng cho biết, hiện Trung tâm CNSH Đà Nẵng đã làm chủ được 36 qui trình công nghệ về sản xuất giống và cây hoa thương phẩm. Ngoài ra, tại các trường Đại học ở Đà Nẵng như Sư phạm, Duy Tân… cũng có các nghiên cứu về CNSH đạt nhiều thành tựu.

TS Võ Châu Tuấn- ĐH Sư phạm Đà Nẵng cho biết, riêng trong lĩnh vực nghiên cứu tạo giống, qui trình sản xuất cây dược liệu, trường đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Cụ thể như công nghệ nhân giống ba kích, hà thủ ô đỏ, đinh lăng, mật nhân, trinh nữ hoàng cung, kim tiền thảo. Về cây ăn quả có chuối, phúc bồn tử…, cây hoa có lan kim tuyến, lan gấm… Có thể nói, nguồn nhân lực nghiên cứu cũng như hệ thống cơ sở vật chất trong CNSH ở Đà Nẵng đa dạng, có chất lượng, đã đạt nhiều thành tựu, chuyển giao giống, qui trình công nghệ sản xuất đến người dân, nhà đầu tư. Tiềm năng CNSH của TP rất lớn, có thể ứng dụng hiệu quả, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp CNC mà TP đang hướng tới.

Sản xuất hoa lan thương phẩm tại Trung tâm CNSH Đà Nẵng. 

“Đánh” vào cây dược liệu

Ths Phan Hiền Lương - Giám đốc Cty CP dược liệu CNC Daplantex cho biết, xu hướng dùng thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng vì nó ít có tác động có hại và phù hợp với qui luật sinh lý của cơ thể hơn. Tại Đà Nẵng, Danapha đang ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sản xuất dược liệu nghệ vàng và đinh lăng tại Hòa Vang đồng thời được TP phê duyệt đề tài nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nuôi trồng dược liệu trinh nữ hoàng cung, kim tiền thảo. Mặc dù vậy, còn rất nhiều dược liệu quan trọng, khối lượng lớn khác Cty đều phải mua từ bên ngoài mà khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, mà giá cả không ổn định, đôi khi bị khan hiếm, ép giá, gây đình trệ sản xuất, mất thị trường, thiệt hại về kinh tế và thương hiệu sản phẩm. Từ thực trạng đó, ông Lương cho rằng, cần cấp bách xây dựng và triển khai vùng nuôi trồng, thu hái, chế biến dược liệu đúng chuẩn tại Đà Nẵng.

Lương y Nguyễn Đức Dũng- Chủ tịch Hội dược liệu Đà Nẵng cho biết, điều kiện đất đai, khí hậu ở Đà Nẵng phù hợp với sự phát triển của nhiều loại dược liệu. Theo khảo sát, hiện địa bàn TP có hơn 1.000 loài dược liệu, tuy nhiên đa số mọc tự nhiên, chưa được kiểm chứng về chất lượng so với tiêu chuẩn quy định về chất lượng dược liệu do Bộ Y tế ban hành. Hiện tại Đà Nẵng đã kêu gọi đầu tư dự án vùng trồng dược liệu với diện tích 34ha tại khu nông nghiệp CNC với nhiều chính sách ưu đãi nhằm hình thành vùng phát triển và sơ chế biến dược liệu tập trung.

Ths Phan Hiền Lương cho biết thêm, nhu cầu sử dụng dược liệu trên thế giới ngày càng cao, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 100- 150 ngàn tấn dược liệu các loại. Trong chính sách điều trị, Bộ y tế tăng mức độ sử dụng thuốc có nguồn gốc từ dược liệu tới năm 2030 khoảng 30%. Nếu xét về hiệu quả kinh tế, trồng dược liệu thu nhập cao hơn các loại cây màu, cao gấp 3-10 lần trồng lúa. Trồng dược liệu đa số ít sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nên người lao động không bị ảnh hưởng sức khỏe, môi trường đất không bị ô nhiễm. Mặc dù vậy, theo Ths Lương, cái khó nhất là nguồn cung cấp giống tốt của dược liệu. Bởi vì nguồn giống dược liệu sau quá trình dài chỉ khai thác, bảo tồn mà không trồng nên số lượng giống không nhiều, chất lượng không tốt, giống bị thoái hóa.

Rõ ràng, tiềm năng từ cây dược liệu ở Đà Nẵng rất lớn, nhu cầu sử dụng cao, song cái vướng hiện nay vẫn là việc liên kết giữa các cơ sở khoa học trong nghiên cứu giống và tổ chức khu vực trồng, sơ chế lớn. Mà để có vùng trồng dược liệu lớn, thì cái vướng lại là cơ chế đất đai, hiện quá manh mún. Mà diện tích đất nhỏ thì không thể áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, trồng, chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch… Nếu làm thủ công thì giá thành sẽ không cạnh tranh được với các vùng trồng khác.

Ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở KH&CN Đà Nẵng nói, muốn đi xa thì phải nắm tay nhau, tức là có sự liên kết giữa cơ sở khoa học (giống, qui trình sản xuất)- doanh nghiệp (đầu tư vùng trồng, thu mua, chế biến nguyên liệu)- người dân (đất sản xuất, nhân công). Ông Cảnh cũng cho biết, ở Vinh nông dân trồng cam dưới tán rừng cho thu nhập 200 triệu/ha/năm. Ở Đà Nẵng cũng có những cánh rừng rộng lớn ở Hòa Bắc, vì thế sẽ phải nghiên cứu trồng cây dược liệu gì phù hợp mà bán được. Đây sẽ là đề tài đặt ra cho các sở nghiên cứu CNSH. “Hàn Quốc có mỗi cây sâm họ nghĩ ra biết bao nhiêu sản phẩm. Mình có hàng ngàn cây dược liệu có giá trị, nhưng chưa thấy nghiên cứu, cho sản phẩm cụ thể. Đơn cử đi xa mệt mỏi, muốn mua kẹo sâm ngậm cũng phải mua của Hàn Quốc”- ông Cảnh trăn trở.

Hiện Trung tâm CNSH Đà Nẵng đã chuyển giao 33 qui trình sản xuất nông nghiệp CNC ứng dụng CNSH. Tuy vậy, với rất nhiều tiềm năng, nếu có sự liên kết, tổ chức khoa học, thì hiệu quả mà CNSH mang tới cho nông nghiệp CNC của TP còn lớn hơn rất nhiều.

HẢI QUỲNH