Báo Công An Đà Nẵng

Chưa được cấp phép, GrabBike tại Huế đã hoạt động

Thứ năm, 26/07/2018 11:17

GrabBike (dịch vụ đặt xe máy theo yêu cầu) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh TT-Huế nhưng chưa được cấp phép khiến cho việc vận chuyển đón khách của loại hình dịch vụ này đứng trước nguy cơ gây mất ANTT, an toàn giao thông (ATGT).

Văn phòng hoạt động hỗ trợ dịch vụ của GrabBike tại số 15-Trần Quốc Toản, TP Huế.

Thời gian vừa qua, trên nhiều địa phương của cả nước đã xảy ra rất nhiều vụ đâm chém, ẩu đả giữa lái xe ôm truyền thống và tài xế GrabBike do tranh giành khách. Mới đây, tại TP Huế, ngày 10-7, một cuộc “hỗn chiến” của các tài xế GrabBike với Nghiệp đoàn xe ôm Bến xe phía Nam (do Liên đoàn Lao động TP Huế quản lý) diễn ra trước khu vực Bến xe phía Nam khiến 3 tài xế xe ôm truyền thống bị thương. Trước đó, ở khu vực này, giữa lái xe ôm truyền thống và tài xế GrabBike cũng có nhiều lần tranh giành khách. 

Tại Bến xe phía Nam, khu vực trước bến có khoảng 80 lái xe ôm truyền thống thuộc Nghiệp đoàn xe ôm của bến xe này hoạt động. Các lái xe ôm truyền thống có điểm đậu, đỗ cố định. Ông Trần Văn Thuận, thành viên đội xe ôm thuộc nghiệp đoàn cho biết: “Chúng tôi làm nghề lái xe ôm, gia nhập nghiệp đoàn ở Bến xe phía Nam đã 15-20 năm. Anh em đa phần là cựu chiến binh, hoàn cảnh khó khăn và cũng khá lớn tuổi. Việc cạnh tranh thì không nói vì theo nhu cầu khách hàng, nhưng việc đón đỗ của tài xế GrabBike ở đây rất mất trật tự. Nhiều lần chúng tôi bị các tài xế GrabBike đe dọa và mới đây 3 tài xế xe ôm thuộc nghiệp đoàn bị tài xế GrabBike đánh bị thương phải nhập viện”. Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Cty CP Bến xe Huế thừa nhận việc đón đỗ khách trái phép của các tài xế GrabBike gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT, ATGT khu vực trước bến. “Nghiệp đoàn xe ôm có tổ chức, hoạt động quy củ và có đóng phí bến bãi, quy định điểm đậu, đón khách ngoài bến. Trong khi, các tài xế GrabBike hoạt động tự phát bên ngoài, không có đóng phí và gây mất ATGT ở khu vực này, ông Sơn nói.

Theo ghi nhận, tại TP Huế, tài xế GrabBike thường ngồi ở các điểm gần bến xe, nhà ga và rất nhiều tuyến đường ở trong và ngoài khu vực nội thành. Một tài xế GrabBike (là sinh viên năm thứ 3 của ĐH Huế) cho biết, tại Huế có hơn 100 tài xế GrabBike. “Em chỉ chạy xe bán thời gian, khi nào rảnh thì bật ứng dụng lên chờ khách gọi để chạy. Mỗi ngày, em đóng 20% tiền cước phí vận chuyển cho văn phòng thông qua tài khoản ứng trước mỗi đợt 200 ngàn đồng. Ứng dụng rất tiện lợi nên thời gian gần đây nhiều khách lựa chọn GrabBike”.

Tài xế GrabBike đợi khách trên đường Phan Châu Trinh, TP Huế.

Qua tìm hiểu, phần lớn lái xe GrabBike là sinh viên, nhân viên nhà hàng, khách sạn có nhu cầu làm thêm để trang trải sinh hoạt. Theo các tài xế GrabBike, việc đăng ký tham gia khá dễ dàng. Khi đăng ký trở thành đối tác tài xế của Grab, người đăng ký chỉ cần hoàn thiện các thủ tục pháp lý như: Lý lịch cá nhân có xác nhận của địa phương, giấy tờ tùy thân (hộ khẩu, chứng minh nhân dân), giấy tờ sở hữu xe và bằng lái xe. Người đăng ký phải tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về dịch vụ do Grab tổ chức như: Thao tác nhận cuốc xe, quy trình đón trả khách, chuẩn giao tiếp và phục vụ khách hàng trong suốt hành trình. Chị Ng. Th..Tr. làm việc tại Phú Bài (TX Hương Thủy, TT-Huế) cho biết, chị thường chọn GrabBike vì giá cả dịch vụ này rẻ hơn xe ôm truyền thống...

GrabBike là một trong những loại hình dịch vụ vận chuyển mới của Cty TNHH Grab (trước đây gọi là Grabtaxi), hiện được Chính phủ cho phép hoạt động thí điểm ở 5 tỉnh, thành phố gồm: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Quảng Ninh và Đà Nẵng. Thông tin từ Sở KH&ĐT tỉnh TT-Huế, qua tra cứu trên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia, Cty TNHH Grab chưa đăng ký hoạt động văn phòng đại diện tại Huế. Tuy nhiên, hiện GrabBike đã có văn phòng hoạt động hỗ trợ dịch vụ tại số 15-Trần Quốc Toàn, TP Huế.

Ông Phạm Quang Hồng - Trưởng phòng Quản lý vận tải và Phương tiện - Sở GTVT tỉnh TT-Huế, cho biết: Về đăng ký hoạt động của văn phòng là liên quan đến Sở KH&ĐT. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng các phương tiện xe mô-tô 2 bánh, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô-tô 3 bánh và các loại xe tương tự hoạt động vận chuyển khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh có Quyết định số 18/2017 về quản lý và sử dụng các phương tiện này. Theo đó, ngoài quy định về người điều khiển phương tiện phải đáp ứng các yếu tố đảm bảo ATGT thì người điều khiển các phương tiện này tiến hành hoạt động chở khách, vận chuyển hàng hóa tham gia giao thông phải có biển hiệu, trang phục riêng để phân biệt với các đối tượng tham gia giao thông khác. Theo Quyết định 18/2017, việc đón trả khách của các phương tiện này tùy theo nhu cầu của khách và theo quy định đón trả khách tại các khu vực công cộng. Tuy nhiên, các hình thức tổ, đội, doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể thì cần đề xuất điểm đỗ, chờ, đón khách cố định và được cơ quan có thẩm quyền cho phép, không gây mất trật tự ATGT. Nếu việc đậu đỗ, đón khách của các tài xế GrabBike không đúng quy định thì trách nhiệm do lực lượng CSGT địa phương xử lý.

P.V