Báo Công An Đà Nẵng

Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023

Thứ ba, 04/04/2023 06:33
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023.

Buổi sáng, Hội nghị thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2023, tình hình triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội quý II năm 2023 và thời gian tới.

Buổi chiều, Hội nghị thảo luận về: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023; Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Kết luận phiên họp buổi sáng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong 3 tháng năm 2023 và thời gian qua, cùng với tổ chức triển khai các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát diễn biến tình hình, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, với phương châm "Đoàn kết-kỷ cương, bản lĩnh -linh hoạt, đổi mới -sáng tạo, kịp thời -hiệu quả". Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội đạt được kết quả với xu hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, hạn chế, thách thức.

Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bản lĩnh, kiên định, quyết tâm cao, sáng tạo hơn; nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; nắm chắc diễn biến tình hình, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; tăng cường đoàn kết, thống nhất; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính; khắc phục kịp thời các hạn chế trong phản ứng chính sách của một số cơ quan, đơn vị; kịp thời phát hiện, đề xuất các chính sách để ứng phó với những phát sinh; tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc…

"Vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương nào thì bộ, ngành, địa phương đó phải chủ động thực hiện, không trông chờ ỷ lại; đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền…", Thủ tướng nhấn mạnh.

Kết luận phiên họp buổi chiều, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài, chưa thể khắc phục trong thời gian ngắn. Dự báo trong năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục sụt giảm; lạm phát vẫn ở mức cao; các nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; thị trường thu hẹp; cạnh tranh nước lớn vẫn diễn ra gay gắt… Trong khi trong nước vẫn còn những khó khăn, nhất là khó khăn trong thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán và các vấn đề nội tại của nền kinh tế. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát thực tiễn, kịp thời phản ứng chính sách; khó khăn thì khắc phục, thách thức thì nỗ lực vượt qua.

Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng chỉ rõ, chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các bộ, ngành cần nỗ lực lớn hơn để đạt mục tiêu, đồng thời có theo dõi, nắm chắc tình hình, có kịch bản, giải pháp phản ứng kịp thời.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ vướng mắc, nhất là những vướng mắc về pháp lý, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế cho người dân. “Vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuộc bộ, ngành, cấp nào thì bộ, ngành, cấp đó phải tháo gỡ, những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp, báo cáo cấp trên xử lý”, Thủ tướng nhắc nhở.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân cấp, ủy quyền nhiều hơn cho cấp dưới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt bỏ khâu trung gian; có chính sách, thực hiện miễn, giảm, gia hạn, giãn thuế, phí, lệ phí; cơ cấu lại nhóm nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay.

Các bộ, ngành phối hợp đề xuất, tháo gỡ vướng mắc về luật pháp liên quan việc dùng kinh phí thường xuyên cho đầu tư phát triển; tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; đề nghị chuyển tiếp cho các dự án đầu tư công; chính sách visa cho người nước ngoài; hợp tác công tư trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; sản xuất chip điện tử; chuyển đổi năng lượng xanh; phát triển kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo…

Thủ tướng chỉ đạo, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ; đồng thời tăng cường phối hợp để triển khai các nội dung công tác. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chủ trì các đề án, dự án, chương trình có liên quan nhiều bộ, ngành, nếu còn vướng mắc thì chủ động thảo luận trực tiếp với lãnh đạo bộ, ngành liên quan để cùng tháo gỡ.

+ Cũng trong chiều 3-4, Chính phủ đã thảo luận xây dựng Tờ trình về giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh; Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

PHẠM TIẾP

Trong quý I-2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước; là mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực. Lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức phù hợp; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần, tính chung quý I tăng 4,18%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Thu ngân sách nhà nước quý I ước đạt 30,3% dự toán. Xuất siêu ước đạt 4,07 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2022. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được giữ vững. Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực. Khách quốc tế đến nước ta đạt gần 2,7 triệu lượt khách, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước.