Báo Công An Đà Nẵng

Chưa thể giảm phí phương tiện qua 2 trạm BOT tại tỉnh Bình Định

Thứ sáu, 06/03/2020 22:49

Trạm thu phí BOT Nam Bình Định.

Trả lời liên quan đến kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về việc rà soát, điều chỉnh giảm phí BOT 2 trạm qua địa phận tỉnh Bình Định và xử lý chất lượng xấu của mặt đường Quốc lộ 1, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định việc tiếp tục giảm phí cho các phương tiện qua trạm sẽ phá vỡ phương án tài chính của các dự án.

Về rà soát điều chỉnh giảm phí BOT, trong đó có trạm BOT Bắc Bình Định và trạm BOT Quốc lộ 19 qua địa phận tỉnh Bình Định, theo Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá đối với xe loại 4 (xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit) từ mức 140.000 đồng xuống 120.000 đồng và nhóm 5 (xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fìt) từ mức 200.000 đồng xuống 180.000 đồng tại các dự án BOT có phương án tài chính khả thi. Đối với trạm thu phí Bắc Bình Định và trạm Quốc lộ 19 trên địa bàn tỉnh Bình Định, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT thực hiện giảm phí đối với xe nhóm 4 và nhóm 5 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016. Mặt khác, trên cơ sở số liệu quyết toán hoàn thành và đề xuất của UBND tỉnh Bình Định, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất thực hiện miễn giảm phí đối với các phương tiện xung quanh 2 trạm thu phí nêu trên.

Theo quy định tại hợp đồng BOT đã ký, các dự án sẽ được tăng phí 3 năm/1 lần. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải chưa chấp thuận cho tăng phí theo quy định hợp đồng. "Hiện nay, doanh thu thực tế qua 2 trạm BOT nêu trên thấp hơn so với phương án tài chính dự kiến ban đầu, do vậy việc tiếp tục giảm phí cho các phương tiện qua trạm sẽ phá vỡ phương án tài chính của các dự án", lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Liên quan đến việc xử lý chất lượng xấu của mặt đường Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định, đối với dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh, các nhà thầu khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn giao thông trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Binh Định. Một số đoạn tuyến được tăng cường mặt đường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai hoàn thành và được nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 6-2019, hiện giao thông đi lại an toàn.

Đối với 2 dự án BOT Bắc và Nam Bình Định, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh, nhà đầu tư khẩn trương triển khai sửa chữa các hư hỏng cục bộ mặt đường trên tuyến, đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác. Tổng cục Đường bộ Việt Nam (trực tiếp là Cục quản lý Đường bộ 3) thường xuyên kiểm tra hiện trường dự án. "Nếu các hư hỏng mặt đường không được nhà đầu tư sửa chữa, khắc phục kịp thời thì Tổng cục Đường bộ xem xét, đánh giá và dừng thu phí theo quy định trong hợp đồng BOT," lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Trong điều kiện thời tiết khu vực miền Trung diễn biến phức tạp, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh, nhà đầu tư, các đơn vị có liên quan chuẩn bị sẵn sàng máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu để triển khai ngay các nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến và khắc phục các tồn tại của mặt đường, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình khai thác.

VIẸT HÙNG