Chưa tìm ra giải pháp cho người nuôi bò sữa
(Cadn.com.vn) - Ngày 19-11-2014, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đại diện Cty Dalat Milk thừa nhận sai, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng thừa nhận đã không kiểm soát được đàn bò sữa tại địa phương. Trong khi đó, UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào cho nông dân nuôi bò.
Như chúng tôi đã thông tin, trong những ngày đầu năm 2015, hàng trăm hộ chăn nuôi bò sữa tại H. Đơn Dương (Lâm Đồng) phải đem hàng ngàn lít sữa bò nguyên liệu đi đổ vì một phần là để phản ứng công ty “lật kèo”, và một phần là do việc phát triển đàn bò thiếu định hướng của địa phương, dẫn đến “khủng hoảng thừa” làm cho người nông dân điêu đứng.
Ngày 19-11, Sở Thông tin- Truyền thông Lâm Đồng tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình sản xuất, chăn nuôi và tiêu thụ sữa trên địa bàn. Đại diện Cty Dalat Milk, ông Đoàn Anh Tùng, Phó Tổng giám đốc thừa nhận Dalat Milk chỉ có thể thu mua sữa tươi nguyên liệu của nông dân khoảng 6,5 tấn/ngày. Tuy nhiên từ tháng 8-2014 đến nay, sản lượng sữa tươi nguyên liệu do nông dân sản xuất hơn 9 tấn/ngày, vượt quá năng lực sản xuất, kinh doanh của Cty. Vì vậy, Dalat Milk đã ra văn bản về việc thu mua sữa bò nguyên liệu của 132 nông dân theo định mức 16 kg/ngày/con. Sáng 10-1, hàng chục người dân bức xúc mang sữa tươi tồn dư trong nhiều ngày đến đổ trước trạm thu mua của Cty tại H. Đơn Dương để phản đối.
Trong khi đó, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở, cũng thừa nhận đã không kiểm soát đàn bò trong thời điểm sữa bò được giá dẫn đến số lượng đàn bò tăng nhanh vượt quá quy hoạch và khả năng thu mua của các Cty chế biến sữa, khiến hàng loạt nông dân khó khăn vì không bán được sữa nguyên liệu. Ông Minh nói: “Quan điểm của tỉnh là người dân làm ăn có lãi thì không có lý do gì để ngăn việc tăng số lượng bò sữa. Do đó, tổng đàn bò tăng nhanh, khó kiểm soát chỉ trong một thời gian ngắn khiến việc tiêu thụ sữa gặp khó khăn”.
Đàn bò sữa này có nguy cơ bị bán tháo với giá thấp do thiếu đầu ra cho sữa. |
Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc để tìm cách tháo gỡ những khó khăn mà ngành bò sữa đang gặp phải. Đến nay, về cơ bản các hộ chăn nuôi đã ký kết hợp đồng với các Cty thu mua sữa đã bán sữa ổn định trở lại. Ông Dương Đức Đại, Phó Chủ tịch UBND H. Đơn Dương khẳng định Cty (Cty Cổ phần sữa Đà Lạt - Dalat Milk, nay là TH Milk) đã đồng ý thu mua tất cả lượng sữa của nông dân. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp tức thời, điều làm cho người dân vẫn chưa thể an tâm là tại cuộc họp báo này, UBND tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa đưa ra được giải pháp giải quyết lượng sữa bò dân không bán được hoặc phải bán tống bán tháo với giá thấp.
Về lâu dài thì thiết nghĩ ngành chức năng cần có định hướng cụ thể để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân. Cần nhanh chóng thành lập HTX và tổ hợp tác nhằm liên kết giữa doanh nghiệp - HTX và xã viên nhằm liên kết chặt chẽ với nhau để cùng phát triển; khuyến cáo người chăn nuôi bò sữa không tăng đàn cơ học vào thời điểm hiện tại; tích cực tuyên truyền cho người chăn nuôi về chủ trương quy hoạch phát triển ngành bò sữa; chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh và đặc biệt là kiểm soát con giống; các công ty thu mua sữa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cần tập trung nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để nâng công suất chế biến, tăng thời gian tiêu thụ các sản phẩm sữa và tìm cách phát triển thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu phía các Cty thu mua sữa cần tôn trọng hợp đồng với người chăn nuôi, khi hợp đồng cũ tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp thì cần phải có sự thương lượng với các hộ chăn nuôi có mặt của chính quyền địa phương để nhằm đảm bảo quyền lợi cho cả đôi bên. Với tất cả những giải pháp xử lý như trên, hy vọng trong thời gian tới ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh Lâm Đồng nói riêng, cả nước nói chung sẽ ổn định.
Lê Kiên