Chưa xử lý triệt để nhiều trường hợp giả hồ sơ thương binh
(Cadn.com.vn) - Vài năm gần đây, các cơ quan chức năng tỉnh Đắc Lắc phát hiện rất nhiều trường hợp ghi vấn làm giả hồ sơ thương binh để hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. Một số vụ việc đã được xử lý, kể cả xử lý hình sự nhưng không nhiều nên nguồn ngân sách vẫn đang thất thoát vì phải chi trả các đối tượng giả mạo này. Hiện toàn tỉnh Đắc Lắc còn tồn đọng hàng chục trường hợp nghi làm giả hồ sơ thương binh nhưng chưa được xử lý rốt ráo...
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắc Lắc năm 2013, có 8 trường hợp cho tạm dừng hưởng chế độ thương binh để kiểm tra, rà soát lại. Năm 2014, 24 trường hợp có dấu hiệu vi phạm bị tạm dừng và trong đó 5 trường hợp cắt chế độ thương binh (4 trường hợp làm hồ sơ giả và 1 trường hợp vì thiếu giấy tờ và giấy tờ không hợp lệ). Đến tháng 5-2015, đã phát hiện 43 trường hợp có dấu hiệu làm giả hồ sơ thương binh và thiếu các giấy tờ liên quan hoặc không hợp lệ. Trong đó đã xử lý 6 trường hợp đối tượng dùng hồ sơ giả, 37 trường hợp khác đang được xem xét.
Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Đắc Lắc đã xác định lại các hồ sơ mà trước đó được hưởng chế độ thương binh thì đa số các đối tượng bị phát hiện làm giả hồ sơ ở các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hóa... Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ đã xác định được nhiều điểm nghi vấn nên đã báo cáo lên Sở LĐ-TB&XH ở những nơi mà đối tượng đã đăng ký, nhưng hoàn toàn không có trường hợp nào như trên.
Ông Nguyễn Tấn Lượng, chuyên viên Phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH Đắc Lắc) cho biết thêm, năm 2012 sau khi nhận giấy giới thiệu chi trả chế độ thương binh thì phát hiện sai ngày, sau đó Phòng Người có công đã liên hệ trực tiếp với đơn vị ở phía ngoài kia nhưng được hồi đáp lại không có trường hợp thương binh như vậy và cũng không có giấy giới thiệu đã gửi. Đối với những trường hợp làm giả giấy tờ này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắc Lắc đã chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng xử lý theo pháp luật và truy thu toàn bộ số tiền mà người vi phạm đã nhận trước đó. Còn các trường hợp khác thì tạm dừng hưởng chế độ để cơ quan chức năng tiếp tục xác minh.
Một hồ sơ thương binh đang được xác minh tại Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắc Lắc. |
Gần đây nhất, ngày 25-4-2015, TAND H. Buôn Đôn (Đắc Lắc) đã xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Xuân Quán (1963, quê quán Hà Tĩnh, trú xã Ea Wer, H. Buôn Đôn) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo bản án, từ năm 1990-1997, Nguyễn Xuân Quán quen với ông Bùi Trung Trực, qua trò chuyện Trực cho Quán biết rằng trường hợp của Quán có thể thiết lập hồ sơ thương binh để hưởng chế độ. Sau khi thiết lập xong hồ sơ, Quán đã nhận được chế độ trợ cấp hàng tháng do Phòng LĐ-TB&XH H. Buôn Đôn chi trả và các khoản ưu đãi khác với số tiền hơn 48 triệu đồng.
Qua xác định của Cơ quan điều tra hình sự Binh chủng Đặc công xác định: Nguyễn Xuân Quán từng tham gia quân ngũ, nhập ngũ tháng 8-1983 xuất ngũ tháng 8-1986 thuộc đơn vị E113, Bộ Tư lệnh Đặc công nhưng sổ theo dõi đăng ký quân nhân bị thương đang lưu trữ, quản lý tại Ban Chính sách Cục Chính trị Binh chủng Đặc công không có tên Nguyễn Xuân Quán. Sau khi xem xét toàn diện vụ án HĐXX TAND H. Buôn Đôn đã tuyên phạt bị cáo 1 năm tù treo, thời gian thử thách 2 năm và buộc bị cáo trả lại cho Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắc Lắc số tiền đã chiếm đoạt trước đó.
Bà Lê Thị Mỹ Xuân, Phó trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắc Lắc) nhận định, những trường hợp làm giả giấy tờ để hưởng chế độ thương binh như trên gây thất thoát một nguồn ngân sách lớn của Nhà nước, điều đặc biệt là ảnh hưởng đến lòng tin, tâm lý của những thương bệnh binh thật sự.
Tứ Đức