Báo Công An Đà Nẵng

Chuẩn bị gì cho các tuyến phố chuyên doanh?

Thứ ba, 23/12/2014 10:10

(Cadn.com.vn) - Đề án phát triển các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn Đà Nẵng đang được triển khai để phục vụ phát triển du lịch. Tuyến điểm là phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn và tuyến phố chuyên doanh điểm tâm Huỳnh Thúc Kháng đang dần hình thành. Đây là bước mở đầu cho nét văn hóa, văn minh trong kinh doanh để phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch khi đến Đà Nẵng.

Tuyến phố chuyên doanh được đầu tư sửa chữa, xây dựng quy mô và khang trang.

Từ phố thời trang

Phố chuyên doanh được xem là một hình thức trung tâm giao lưu hàng hóa, đóng góp vai trò không nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ của địa phương. Tại Đà Nẵng, chủ trương phát triển các khu phố chuyên doanh với mong muốn tạo thành điểm nhấn, điểm du lịch. Tuyến phố chuyên doanh thời trang Lê Duẩn được UBND thành phố yêu cầu xây dựng trong các tour viếng thăm Đà Nẵng.

Qua khảo sát thực trạng hoạt động kinh doanh trên tuyến phố Lê Duẩn của Phòng kinh tế Q. Hải Châu, tuyến phố này có 99 cơ sở kinh doanh thời trang, 20 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 68 cơ sở kinh doanh những ngành nghề khác. Trong số 187 cơ sở có 7 doanh nghiệp kinh doanh và 155 hộ cá thể với mức vốn kinh doanh dưới 200 triệu đồng (chiếm 68%), điều này cho thấy việc kinh doanh trên tuyến đường này chủ yếu là ở mức quy mô nhỏ, lẻ. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh này đã giải quyết việc làm cho 400 lao động.

Để chuẩn bị kiến thức, văn minh thương mại cho các hộ và người buôn bán, Phòng kinh tế Q.Hải Châu cũng phối hợp với Sở VH-TT&DL tổ chức lớp tập huấn Marketing và giao tiếp trong kinh doanh cho các hộ buôn bán trên tuyến. Tuy nhiên, theo đại diện của Phòng kinh tế Q. Hải Châu, với quy mô nhỏ lẻ như vậy, để có thể thành công trên tuyến phố chuyên doanh thời trang thì các doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải thực hiện với phương châm kinh doanh "không ngừng cải tiến sản phẩm", cải tiến về "thái độ phục vụ"… nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng, phấn đấu trong thời gian đến các cửa hàng, cửa hiệu trên tuyến phố Lê Duẩn trở thành những cửa hàng, cửa hiệu có uy tín về chất lượng sản phẩm, giá cả hàng hóa… tạo niềm tin và là điểm đến đáng tin cậy của khách hàng tại địa phương cũng như du khách trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn từ sự đầu tư, cam kết và thống nhất thực hiện của chính các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố.

Theo Đề án phát triển các khu phố chuyên doanh và trung tâm mua sắm phục vụ du lịch vừa được UBND thành phố phê duyệt, từ nay đến năm 2020, sẽ hình thành 16 khu phố chuyên doanh hàng hóa và phục vụ du lịch, trong giai đoạn trước mắt sẽ hình thành các tuyến gồm: Phố thời trang (áo quần, giày dép, kính mắt, các loại vải, mỹ phẩm, trang sức…) trên các tuyến đường Lê Duẩn, Phan Châu Trinh (đoạn từ Hùng Vương đến Nguyễn Văn Linh); Phố điện tử - kỹ thuật số (máy tính, điện thoại di động, máy ảnh, sản phẩm điện tử) trên các tuyến đường Hoàng Diệu (từ khách sạn Thái Bình Dương đến Nguyễn Văn Linh), Hàm Nghi (từ Lý Thái Tổ đến Nguyễn Văn Linh); Phố mỹ nghệ trên đường Trường Sa (đoạn từ khách sạn Hyatt đến ngã ba đường Non Nước và Trường Sa); Phố ẩm thực hải sản trên tuyến Trường Sa - Hoàng Sa (đoạn từ Phạm Văn Đồng đến Nguyễn Văn Thoại). Năm 2015-2020 tiếp tục triển khai 10 khu phố chuyên doanh như: Phố mỹ nghệ, phố dịch vụ du lịch và trung tâm mua sắm, khu phố sản phẩm lưu niệm quà tặng...

… Đến phố điểm tâm

Khoảng 2 tháng nay, hơn 40 hộ kinh doanh ngành hàng ăn uống trên tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng đang khẩn trương sửa chữa lại cơ sở, trang trí thêm các panô để phục vụ cho kịp tiến độ khai trương tuyến phố chuyên doanh cùng với tuyến Lê Duẩn. Bà Hàng Ái Hoa-Chủ tiệm bánh cuốn số 58 đường Huỳnh Thúc Kháng cho biết, gần 1 tháng nay, cả gia đình bà lên kế hoạch mua sắm bàn ghế, chén, dĩa… và cả tủ, bàn để kinh doanh bánh cuốn. Với phương châm "ngon, rẻ nhưng phải đảm bảo an toàn chất lượng, lấy uy tín làm yếu tố thu hút khách" bà cũng sắm thêm các trang bị phụ trợ như tạp dề, bao tay, giỏ đựng rác…

Theo thống kê của UBND Q.Hải Châu, hiện có hơn 45 hộ kinh doanh ẩm thực trên tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng, khá phong phú về món ăn như: mỳ Quảng, bánh xèo, bánh tráng cuốn thịt heo, phở, bún, bánh bèo, bánh canh, cao lầu, bò né, cháo lòng, cháo trắng - cá cơm kho, cà-phê, giải khát…

Để chủ động cho công tác ATVSTP, hầu hết các cơ sở kinh doanh trên tuyến đường đã được tập huấn và nhận tập tài liệu về "Văn minh thương mại trong kinh doanh ăn uống", qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch. Quận cũng hỗ trợ các hộ sơn mặt tiền cơ sở kinh doanh; trang bị các xe, tủ, ghế, mặt bàn bằng inox và phối hợp với đơn vị tài trợ lắp đặt các bảng niêm yết giá, bảng quảng cáo, bạt quay... đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện việc kinh doanh lấy chữ tín làm đầu, chất lượng sản phẩm phải tốt, đẹp, bán hàng đúng giá niêm yết và phục vụ, chăm sóc khách hàng chu đáo…

Ông Đặng Việt Dũng, Bí thư Quận ủy Hải Châu cho biết, việc xây dựng phố chuyên doanh đường Lê Duẩn để buôn bán hàng thời trang và điểm tâm Huỳnh Thúc Kháng  vừa góp phần phát triển kinh tế, giải quyết an sinh xã hội vừa giải quyết được vấn đề trật tự đô thị (TTĐT).

Đối với phát triển kinh tế, từng bước xây dựng thương hiệu kinh doanh cho từng tuyến phố, xây dựng văn hóa bán hàng, văn minh thương mại. Đối với vấn đề TTĐT sẽ cải tạo lại hạ tầng, bố trí sắp xếp việc buôn bán vào nền nếp, quản lý TTĐT tốt hơn...

Nguyễn Tuấn