Báo Công An Đà Nẵng

Chung cư An Trung 2: Cư dân khổ sở vì nước thấm dột từ nhà vệ sinh của nhau

Thứ bảy, 11/12/2021 19:26

Dù vào ở chưa được 3 năm nhưng thời gian qua, hàng chục hộ dân sinh sống tại chung cư An Trung 2 (P. An Hải Tây, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng) do Liên doanh Cty cổ phần Đức Mạnh - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 579 (Liên doanh DMC-579) làm chủ đầu tư khổ sở vì tình trạng thấm dột nghiêm trọng.

Thấm dột còn uy hiếp đến các thiết bị điện cho một căn hộ.

Ám ảnh vì thấm dột, hôi thối

Bà Nguyễn Thị Tâm (căn hộ 6C16)  cho biết, đầu năm 2019 bà nhận bàn giao nhà thì đến cuối năm đã xuất hiện tình trạng thấm dột từ nhà vệ sinh của căn hộ tầng 7C16 của ông N.V.T ngay phía trên. Ngay khi phát hiện, bà đã báo với BQL chung cư và chủ đầu tư để có phương án khắc phục nhưng do chỉ được xử lý tạm thời bằng việc bơm keo nên chỉ được vài hôm thấm dột lại tái diễn và ngày càng nặng hơn. "Khi thấy bơm keo không hiệu quả, gia đình cũng tiếp tục gọi thợ để quét dọn, lau chùi và sơn lại cho đỡ mốc đen và hôi thối nhưng chỉ là hình thức bên ngoài. Tình trạng thấm mốc vẫn xảy ra khiến gia đình khi nào cũng bị ám ảnh", bà Tâm cho biết. Với mong muốn được xử lý dứt điểm để ổn định cuộc sống gia đình, bà Tâm tiếp tục phản ảnh tình trạng này với BQL, chủ đầu tư. Nhưng khi có thông báo kế hoạch sửa chữa thì chủ căn hộ phía trên lại chưa thể bố trí thời gian phối hợp khắc phục vì nhà có con nhỏ. Những ngày qua, hiện tượng thấm dột, ẩm mốc ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ dừng lại ở trần nhà mà nước từ phòng vệ sinh tầng trên còn ngấm xuống cả tường phía dưới, cùng với đó là mùi hôi thối, mùi khai bốc ra khu vực bếp, phòng ăn và cả nhà. "Mong Ban quản lý, chủ đầu tư, chính quyền địa phương vào cuộc để tạo điều kiện giúp tôi chứ tình trạng này kéo dài thì khổ lắm", bà Tâm kiến nghị.

Cùng chung cảnh ngộ, anh N ở phía trên cách căn hộ bà Tâm một tầng cũng ngán ngẩm mỗi khi nhìn những vết ố kèm nước dột khu vực nhà vệ sinh. Nhiều hôm tình trạng nghiêm trọng quá anh phải dỡ trần để gác chậu nhựa lên hứng nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời, đầy chậu nước lại tràn ra. "Phí bảo trì, quản lý thì họ thu đều, thu đủ, chưa nộp thì cắt điện nhưng đến khi quyền lợi của cư dân bị ảnh hưởng, phản ánh lên thì công tác phối hợp giải quyết không đến đâu. Chúng tôi báo và yêu cầu xử lý hàng năm trời rồi nhưng vẫn phải sống chung với nước bẩn, mùi hôi", anh N bức xúc.

Theo các hộ dân sinh sống tại chung cư An Trung 2, tình trạng thấm dột xuất hiện ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Có nhiều nhà cùng trục dọc bị thấm thì không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Việc khắc phục càng trở nên khó khăn khi muốn chống thấm nhà mình lại phải đi khắc phục từ nhà người khác.

Vết loang lổ khắc phục tạm thời hiện tượng thấm dột của một căn hộ bắt nguồn từ nhà vệ sinh phía trên.

"Như thế là sai số cho phép, không có vấn đề chi"

Bà Phùng Thị Lan- Trưởng ban Pháp chế Liên doanh DMC-579 cho biết, sau khi nhận phản ánh của cư dân thì chủ đầu tư và Ban quản trị tiến hành kiểm tra, khảo sát để có phương án khắc phục đối với 19 căn hộ thấm dột trong đợt 1. Đến hiện tại đã hoàn thành khắc phục 10 căn, còn 9 căn chưa tiến hành vì nhiều lý do như giãn cách xã hội, chủ hộ không có ở nhà hoặc vì gia đình phía trên của các căn hộ bị thấm nhà vệ sinh chưa đồng ý phối hợp xử lý. Ngoài ra, trong đợt kiểm tra mới đây thì các đơn vị liên quan tiếp tục ghi nhận thêm 6 căn hộ khác có tình trạng tương tự, trong đó 4 trường hợp thấm từ nhà vệ sinh tầng trên. "Việc khắc phục phụ thuộc vào chủ các căn hộ ở phía trên. Nhưng khi đến liên hệ làm việc thì có người hẹn thời gian khác, có người đóng cửa không ở, có người lại không phải chủ hộ. Theo luật thì không có chế tài nào bắt buộc chủ nhà này phải phối hợp để xử lý sự cố cho nhà khác nên chủ yếu là vận động tự nguyện. Chúng tôi cũng có đề nghị chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ nhưng vẫn phụ thuộc vào người dân", bà Lan nói.

Ông Phan Văn Lâm- Cán bộ kỹ thuật của Liên doanh DMC-579 phụ trách việc kiểm tra, khắc phục các sự cố thấm dột tại chung cư An Trung 2 cho biết, quy trình để xử lý sau khi nhận phản ánh của người dân là tiếp nhận, kiểm tra, đánh giá rồi sau đó mới làm việc với các nhà thầu thi công. Nếu các hộ dân đồng ý thì chỉ riêng khâu thi công cũng đã mất từ 5-7 ngày. Mặt khác việc đục nhà mình lên để khắc phục sự cố cho một nhà khác cũng phiền phức nên ai hiểu và thông cảm thì hỗ trợ phối hợp, còn lại nhiều gia đình không đồng ý. Khi hỏi nguyên nhân vì sao mới đưa vào sử dụng thời gian ngắn nhưng hiện tượng thấm dột tại chung cư lại xảy ra nghiêm trọng, ông Lâm cho rằng: "Thấm do nứt tường là hiện tượng bình thường. Còn ở khu vực nhà vệ sinh của các căn hộ khả năng là do khi thi công bộ phận này vừa chống thấm sàn xong thì bộ phận khác vào làm gây rách màng chống thấm. Mà số căn hộ bị thấm dột ở nhà vệ sinh như vậy rất là nhỏ, sai số vẫn ít"!

CÔNG KHANH