Báo Công An Đà Nẵng

Chứng khoán Châu Á khốn đốn vì dịch bệnh

Thứ bảy, 29/02/2020 19:00

Các thị trường Châu Á xuống dốc trong ngày 28-2, kéo dài sự sụp đổ ở New York và Châu Âu đã xóa sạch hàng nghìn tỷ USD khi dịch Covid-19 lan rộng nhanh chóng trên khắp thế giới với cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về dịch bệnh chết người hiện đang ở “điểm quyết định”.

Tokyo, Thượng Hải, Sydney, Singapore và Seoul là một trong số các sàn giảm hơn 3% trong khi Jakarta bị mất hơn 4%.

Người dân Nhật Bản đeo khẩu trang đứng trước bảng chứng khoán điện tử của một Cty chứng khoán ở Tokyo hôm 28-2. Ảnh: AP

Chỉ số Dow bị mất điểm tồi tệ nhất lịch sử

Con số thương vong và nhiễm bệnh mới trên khắp toàn cầu đã khiến cổ phiếu trên toàn thế giới ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỷ trước khi các nhà đầu tư tháo chạy vì lo ngại virus sẽ phá hủy nền kinh tế toàn cầu. Và trong khi sự hoảng loạn đã gây ra một “cuộc tắm máu” trên các sàn giao dịch, có những cảnh báo có thể tồi tệ hơn sẽ đến.

Chỉ số Dow bị mất điểm tồi tệ nhất trong lịch sử, giảm gần 1.200 điểm, trong khi mức giảm 4,4% đánh dấu hiệu suất tồi tệ nhất trong 2 năm. Tại Phố Wall, chỉ số S&P500 điểm chuẩn giảm 12% so với mức cao nhất mọi thời đại một tuần trước. Thị trường London, Frankfurt và Paris đều báo lỗ hơn 3%. Trước đó, khi quy mô dịch bệnh chưa rõ ràng, các nhà đầu tư đã tự tin rằng, dịch bệnh có thể được kiểm soát khi thấy các biện pháp kiên quyết của Trung Quốc. Nhưng các ổ dịch mới ở Italia, Hàn Quốc và Iran đã làm dấy lên lo ngại virus này đang biến thành mối đe dọa có thể khiến kinh tế toàn cầu điêu đứng.

Một danh sách ngày càng tăng của các Cty lớn đang đưa ra cảnh báo lợi nhuận và nói rằng, việc đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Họ cho biết, lệnh cấm du lịch và các biện pháp chống dịch bệnh khác cũng đang làm tổn hại đến doanh số bán hàng ở Trung Quốc, một thị trường tiêu dùng lớn. Tâm lý nhà đầu tư Trung Quốc cũng được thả nổi bởi những lời hứa về lãi suất thấp hơn, giảm thuế và nhiều khác để giúp vực dậy sản xuất và các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, tất cả vẫn dường như khó cứu được thị trường lúc này.

Mối lo lớn từ nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á

Trung Quốc đóng cửa phần lớn nền kinh tế của mình để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, tình hình bên ngoài Trung Quốc như Italia, Nhật Bản, Iran đang trong chiều hướng xấu đi nhanh chóng, đặc biệt là Hàn Quốc. Tính đến chiều 28-2, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 315 trường hợp nhiễm chủng mới của virus corona SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm virus này lên 2.337 người. Tại Iran, số người chết do SARS-CoV-2 tính đế ngày 28-2 là 34 người.

Rõ ràng khi các nhà đầu tư bắt đầu nhận thức được rằng, Covid-19 đang trở thành một vấn đề toàn cầu và những khó khăn bên trong Trung Quốc không thể không ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới, mối lo ngại lan đến đến Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ 4 Châu Á và thứ 11 thế giới. Kinh tế Hàn Quốc trong những năm qua phát triển ì ạch. Và nay, dịch bệnh đang đe dọa đà phục hồi kinh tế mong manh của nước này, thậm chí có thể khiến tăng trưởng âm trong quý I.

Nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo còn chịu nhiều tác động hơn nữa, do nỗi sợ đang lan nhanh trong cộng đồng, kìm hãm các hoạt động kinh tế. Chính phủ nước này đã thúc giục người dân tránh các hoạt động ngoài trời, hạn chế dịch vụ liên quan đến tôn giáo và lùi lịch năm học mới. Ngày 28-2, giới chức y tế Hàn Quốc thông báo sẽ lắp đặt và cung cấp mô hình tiêu chuẩn của trạm xét nghiệm virus có tên “Drive-Thru (xét nghiệm ngay trên ô-tô)” cho các chính quyền địa phương vì nó có thể rút ngắn đáng kể thời gian xét nghiệm.

Một số chính quyền địa phương đã đưa vào sử dụng những cơ sở xét nghiệm này, theo đó tài xế xe không phải ra khỏi xe mà chỉ cần mở cửa xe để nhân viên y tế lấy mẫu thử của họ trong thiết bị bảo hộ để xét nghiệm virus Corona SARS-CoV-2.  Mô hình xét nghiệm virus này sẽ tăng đáng kể số người có triệu chứng nhiễm bệnh được kiểm tra mỗi ngày. Như vậy, chỉ mất khoảng 10 phút để xét nghiệm, so với ít nhất nửa tiếng đồng hồ xét nghiệm tại các trạm xét nghiệm truyền thống.

KHẢ ANH