Báo Công An Đà Nẵng

Chung một phận đời

Thứ hai, 29/05/2017 12:23

Bệnh viện trả về nhưng không biết về đâu!

(Cadn.com.vn) - Khoa Phục hồi chức năng (bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng) không ồn ào, huyên náo như thường thấy ở các khoa điều trị tại các bệnh viện khác. Không khẩn trương, chen chúc, không có tiếng la hét vì những cơn đau, mà ở đó, có những bệnh nhân đã không còn cảm giác đau đớn nữa. Họ nằm bất động, có chăng thỉnh thoảng cũng chỉ phát ra những tiếng ú ớ mà ngay cả người thân cũng không thể giải nghĩa được... Trong số hàng chục bệnh nhân đang điều trị tại đây, tôi bị thu hút bởi hai người đàn ông. Một người cỡ khoảng 60 tuổi, chân tay co quắp, đôi mắt luôn ngước lên phía trần nhà vô định; còn một người, tầm ngoài 30, nằm bất động, hơi thở nặng nhọc... Có thể hoàn cảnh gia đình, cuộc sống và nguyên nhân bệnh tật của hai người khác nhau, nhưng họ có cùng điểm chung là phải sống đời thực vật, vô thức trong cả suy nghĩ lẫn sinh hoạt đời thường...    

Bà Lan không biết đưa chồng về đâu vì không có chỗ ở. 

Qua tìm hiểu, người đàn ông lớn tuổi tên là Nguyễn Văn Anh (1966), trú P.Hải Châu 2, Q.Hải Châu (Đà Nẵng), hiện đang điều trị nội trú tại phòng 302, Khoa Phục hồi chức năng. Nói chuyện với tôi, vợ ông, bà Phạm Thị Lan (1967) nước mắt cứ chực trào ra. Bà kể, hơn 20 năm trước, bà từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng làm thuê cho các quán cơm. Cũng tại đây, bà gặp ông Anh, làm nghề lao động phổ thông.  Cuộc sống tuy vất vả, khó khăn, hơn 20 năm cả gia đình gồm 4 người (2 vợ chồng và 2 đứa con, một trai một gái) phải di chuyển từ phòng thuê trọ này đến phòng thuê trọ khác nhưng cũng bình yên, ấm êm. Nhưng bỗng một ngày tháng 6-2016, trong lúc làm thợ nề, ông Anh cầm máy cắt gạch, do hở điện nên bị điện giật, ngã đập đầu xuống nền bất tỉnh. Sau hơn 2 tháng đối mặt với "tử thần" tại Khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Đà Nẵng), ông được chuyển qua bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng trong tình trạng liệt co rút tứ chi, di chứng não sau điện giật. Sau gần 1 năm điều trị nội trú, dù được các bác sỹ tận tình chăm sóc, điều trị nhưng tình trạng sức khỏe của ông Anh không mấy tiến triển, không tự sinh hoạt cá nhân. Theo các bác sỹ, do tổn thương não quá nặng nên ông Anh không thể phục hồi, phải sống đời sống thực vật nên khuyên gia đình đưa về nhà chăm sóc. Thế nhưng oái oăm là không có nơi để về. "Tôi cũng muốn đưa chồng về nhà lắm chứ, nhưng thú thực chúng tôi không có chỗ để về", bà Lan ngậm ngùi. Bà bảo là chủ nhà trọ không cho đưa về, bởi họ sợ nếu có chuyện gì xấu xảy ra với ông thì nhà họ không ai dám đến thuê nữa!..

Chúng tôi đến CAP Hải Châu 2 (Q.Hải Châu), nơi ông Anh đăng ký hộ khẩu thường trú, tìm hiểu thì được biết, năm 1994, mẹ con ông Anh ra Đà Nẵng đi ở cho một gia đình, sau đó thấy hoàn cảnh khó khăn, chủ nhà đã cho hai mẹ con nhập nhờ hộ khẩu để ông Anh được đi học. Đến khi ông Anh cưới vợ, cả nhà xin chuyển ra ngoài thuê phòng trọ sống. Từ đó không ai biết họ ở đâu, làm gì...Ước mong lớn nhất của Phạm Thị Lan hiện nay là có một nơi nào đó có thể cho ông tá túc để đưa ông về chăm sóc. "Đi tìm nhà trọ cho thuê, khi biết hoàn cảnh của chúng tôi, tất cả chủ trọ đều từ chối. Tôi không biết phải làm sao đây?", bà Lan nói trong vô vọng...

Bà Nguyễn Thị Loan héo hon bên giường bệnh của con trai. 

Xót xa nhìn con héo mòn

Vừa từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển qua Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng) một thời gian, anh Phan Văn Cường (thôn 1, xã Quế Thuận, Quế Sơn, Quảng Nam) lại phải chuyển về khoa Hô hấp (Bệnh viện Đà Nẵng) bởi căn bệnh hen suyễn ngày càng trầm trọng. "Cuộc chiến" đòi lại sự sống của anh có nguy cơ đi vào ngõ cụt khi hoàn cảnh gia đình ngày càng túng quẫn, bế tắc. Chỉ cần nhắc đến bệnh tình của con, bà Nguyễn Thị Loan (52 tuổi), mẹ anh Cường không cầm được nước mắt. Nửa năm qua, bà héo hon suốt cuộc hành trình chống chọi với bệnh tật của con, thế nhưng niềm hy vọng chẳng được bao nhiêu. Chồng mất, bà có 4 người con, Cường là con trai đầu. Sau khi lập gia đình, anh Cường từ Quế Thuận, Quế Sơn ra Đà Nẵng làm công nhân cơ khí tại một công ty tư nhân ở P.Hòa Phát, Q.Cẩm Lệ. Tiền sử bị bệnh hen suyễn, một ngày cuối năm 2016, khi đang làm việc, Cường bất ngờ lên cơn hen và bất tỉnh, do phát hiện chậm nên bị tắc mạch máu và tổn thương não nặng, không phục hồi được. 

Hoàn cảnh gia đình bà Loan rất khó khăn. Từ khi anh nhập việc đến nay, bà phải bỏ hết ruộng đồng ra chăm sóc con, còn vợ anh phải nuôi hai con nhỏ và  bà nội anh Cường 85 tuổi, nằm liệt giường, thỉnh thoảng mới tranh thủ ra thăm chồng. Tài sản lớn nhất của gia đình là con trâu cũng đành bán đi để lo thuốc thang cho Cường nhưng cũng chỉ như muối bỏ biển, gia đình đành phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, nhờ sự giúp đỡ của anh em, bà con láng giềng nhưng cũng không thể đắp đủ. "Cũng may tại bệnh viện, một số người nhà bệnh nhân điều trị tại đây thỉnh thoảng cũng góp lại, giúp đỡ thêm cho tôi có hộp cơm qua ngày", bà Loan ngậm ngùi. Với chúng tôi, khi phản ánh về hai trường hợp thương tâm này, chỉ mong góp tiếng nói để các nhà hảo tâm chung tay, giúp đỡ họ qua cơn hoạn nạn. Với trường hợp của ông Nguyễn Văn Anh, xin liên hệ theo địa chỉ: Nguyễn Văn Anh, phòng 302, Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng) hoặc số điện thoại của vợ ông, bà Phạm Thị Lan: 0905.823.957.

Với trường hợp của anh Phan Văn Cường, mọi thông tin xin liên hệ với bà Nguyễn Thị Loan (mẹ anh), trú thôn 1, xã Quế Thuận, Quế Sơn (Quảng Nam); hiện đang ở phòng 507 khoa Hô hấp (Bệnh viện Đà Nẵng; ĐT: 0966646274. Hoặc liên hệ Báo CATP Đà Nẵng, 62 Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). ĐT: 0236.3822626.

D.Hùng