Báo Công An Đà Nẵng

Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ

Thứ tư, 24/02/2021 08:00

Thông điệp này được Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam phát đi tại Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp TP Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ do UBND Q. Cẩm Lệ tổ chức sáng 23-2. Buổi  lễ vinh dự đón Ủy viên T.Ư Đảng, Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đến dự, tham quan Di chỉ khảo cổ Chăm  độc  đáo này...

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cùng lãnh đạo TP và các ban, ngành tham quan di tích cấp TP Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ.

Theo các nhà nghiên cứu, địa điểm Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tại P. Hòa Thọ Đông (Q. Cẩm Lệ) vốn có tên gọi dân gian là “Cấm” và tên xứ đất trong cúng tế là “Gò Dàng xứ”. Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ được lấy tên theo tên làng Phong Lệ xưa. Và trong quá khứ, đây là vùng đất được chuyển giao từ vương quốc Chămpa sang Đại Việt sau cuộc hôn nhân lịch sử giữa vua Chămpa Chế Mân và công chúa Huyền Trân. Những năm cuối thế kỷ XIX, Phong Lệ đã được ông Camille Paris lựa chọn để lập đồn điền trồng cà-phê, chè, thơm.

Trong quá trình khai phá, người ta đã khám phá ra tàn tích của một ngôi tháp đổ nát. Ông Camille Paris đã thu thập tại đây nhiều hiện vật điêu khắc Chămpa và chuyển về công viên Tourane (Bảo tàng Điêu khắc Chăm ngày nay). Năm 1909, Parmentier đã thống kê được 21 hiện vật mang về từ Phong Lệ; năm 1918 thì có 9 hiện vật. Sau giai đoạn này, địa điểm khảo cổ Chăm Phong Lệ bị lãng quên, hoang phế, cây cối mọc rậm rạp, và ít người qua lại. Sau năm 1975, Hợp tác xã nông nghiệp của địa phương đã san ủi 1 phần di tích để làm trại chăn nuôi và người dân cũng dần dần về đây cư trú mà không biết đến sự tồn tại của một di chỉ khảo cổ quan trọng trong lòng đất...

Trải qua bao biến chuyển thăng trầm của lịch sử, tháng 4-2011, khi đào móng làm nhà, vợ chồng ông Ông Văn Tồn và bà Lê Thị Út (trú xóm Cấm, tổ 3, P. Hòa Thọ Đông) phát hiện tại đây có một pho tượng cổ đầu người mình chim và nhiều gạch Chăm. Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã thực hiện khai quật khẩn cấp, tiếp đó, năm 2012 và năm 2018, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ tiếp tục được khai quật khảo cổ. Qua 3 đợt khai quật, các nhà nghiên cứu, khảo cổ đã nhận định Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là một tổ hợp kiến trúc phân bố trên một gò đất cao, được bao quanh bởi một dòng chảy cổ thuộc dòng sông Cẩm Lệ. Di tích được người Chămpa khởi dựng vào khoảng đầu thế kỉ X và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ XII. Đặc biệt, trong lần khảo cổ 2, các nhà khảo cổ lần đầu tiên đã khai quật được 1 “hố thiêng” có bố cục hoàn toàn khác lạ với các di tích đã biết...

Theo lãnh đạo Q. Cẩm Lệ, từ khi được phát lộ và nghiên cứu khảo cổ, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ luôn được UBND TP quan tâm, có những chỉ đạo nhằm bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di tích này. Trong đó, đáng chú ý là Quyết định số 6236 ký ngày 1-11-2017 về việc phê duyệt Đề án khảo cổ và phát huy giá trị Khu di tích Chăm Phong Lệ. Theo đó, về bố cục không gian, chia làm 3 khu vực với các chức năng: khu vực bảo tồn, diện tích 2.653m2, khu vực bảo vệ di tích 1.626m2 và khu vực phát huy giá trị di tích 15.461m2.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Quang Nam trao bằng xếp hạng di tích cấp thành phố Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ cho Q. Cẩm Lệ và P. Hòa Thọ Đông.

Được biết, trên địa bàn TP hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 17 di tích quốc gia và 60 di tích cấp TP nhưng trong số đó chỉ mới có 1 di tích thuộc loại hình di tích khảo cổ. Đó là Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam, điều này cho thấy những giá trị đặc biệt quan trọng và tiêu biểu của di tích này. “Trải qua những biến chuyển thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ vẫn trường tồn cùng với thời gian và mang trong mình những thông điệp về đời sống văn hóa tinh thần của quá khứ. Từ kết quả khai quật khảo cổ tại di chỉ này cho thấy đây là công trình có quy mô lớn trong hệ thống tháp Chăm tại miền Trung nước ta. Các di tích, di vật tìm được đã phản ánh nhiều mặt về đời sống xã hội, tinh thần, kinh tế của người Chămpa tại vùng đất Amaravati từ thế kỷ X – thế kỷ XII. Đặc biệt, việc tìm thấy “Hố thiêng” còn nguyên vẹn trong lòng tháp có ý nghĩa khoa học lớn đối với việc nghiên cứu về  kiến trúc và văn hóa Chăm vốn còn nhiều bí ẩn cần được giải mã”, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam nhấn mạnh.

Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, ngày 27-11-2020, Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ đã được xếp hạng di tích cấp TP tại Quyết định số 4568. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam, đây là vinh dự cũng là trách nhiệm của Q. Cẩm Lệ nói riêng, TP Đà Nẵng nói chung. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Quang Nam đề nghị Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Q. Cẩm Lệ, Sở Văn hóa và Thể thao cùng các ngành liên quan phối hợp, có kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di chỉ này xứng tầm với vị thế của một di sản cấp TP; đồng thời cùng quản lý khai thác thật khoa học và hiệu quả kho tàng di sản, xem đây là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao đối với sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Theo đó, thời gian tới, ông Lê Quang Nam đề nghị Sở VH&TT chủ trì phối hợp các ngành và chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng Dự án Bảo tàng Điêu khắc Chăm cơ sở 2 tại Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ, đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. “Đây là công trình trọng điểm mang tính động lực trên địa bàn TP theo chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng tại Công văn số 138 ngày 10-12-2020. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng để cùng chung tay bảo vệ và phát huy bền vững các giá trị của di tích”- Phó Chủ tịch TP Lê Quang Nam nhấn mạnh.

Song song đó, Phó Chủ tịch TP cũng đề nghị các đơn vị có liên quan cần kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch trong việc xây dựng các chương trình, các tour du lịch đến với di tích nhằm quảng bá rộng rãi những giá trị tiêu biểu, độc đáo của di tích này cũng như giới thiệu cho du khách biết đến quận Cẩm Lệ là mảnh đất có bề dày văn hóa, lịch sử. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, điền dã khảo cổ để làm sáng tỏ hơn nữa các tầng ý nghĩa của di tích này. Trên cơ sở đó tìm ra giải pháp trùng tu, tôn tạo, phục dựng phù hợp và tối ưu nhất nhằm đảm bảo  phát huy giá trị của di tích trong bối cảnh đời sống xã hội hiện đại.

Cũng tại lễ đón nhận di khảo Di chỉ khảo cổ Chăm Phong Lệ là di tích cấp thành phố, UBND P. Hòa Thọ Đông công bố quyết định thành lập Ban Quản lý di tích do Chủ tịch UBND phường Nguyễn Phước Sơn làm Trưởng ban.

P.Thủy