Chung tay chữa trị cho bệnh nhân tâm thần trong cộng đồng
(Cadn.com.vn) - Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến một người bình thường mắc các bệnh tâm thần và tỷ lệ này ngày càng cao. Bệnh nhân tâm thần (BNTT) cũng có nhiều dạng và nhiều biểu hiện khác nhau.
Tuy nhiên, phần lớn những người bình thường khác khi phát hiện BNTT thì thường có biểu hiện xa lánh, kỳ thị khiến cho cuộc sống của họ vốn đã ngột ngạt lại dễ đi vào bế tắc và hành động trong vô thức, gây ra những hậu quả khôn lường nếu không kịp thời phát hiện, điều trị dứt điểm.
Bác sĩ Trần Văn Mau đang thăm hỏi bệnh nhân tâm thần tại BV. |
GÂY ÁN TRONG VÔ THỨC
Trong hồ sơ của Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Đà Nẵng, nơi được xem là trung tâm điều trị BNTT của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, thì có nhiều ca bệnh chuyển vào sau khi gây án hết sức đau lòng. Mới đây nhất, lúc 12 giờ ngày 11-3, bệnh nhân H.T.L (1993, quê Gia Lai) đang điều trị tại BVTT Đà Nẵng trốn ra ngoài, sau đó leo lên trụ đèn cao 25m gần khuôn viên bệnh viện, khiến mọi người hốt hoảng.
Nhận tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC Liên Chiểu đã điều 2 xe cứu nạn, cứu hộ chuyên dùng cùng 14 CBCS đến hiện trường, triển khai lực lượng tiếp cận bệnh nhân, đồng thời bố trí người lót nệm, căng bạt bên dưới, phòng trường hợp bệnh nhân nhảy xuống. Sau hơn 15 phút, lực lượng cứu nạn mới đưa được bệnh nhân xuống đất.
Hay trường hợp anh Đ.H.V (Hòa Vang- Đà Nẵng), trước khi đưa vào viện điều trị bắt buộc vì anh có biểu hiện tâm thần đâm chết mẹ đẻ. Sau nhiều năm điều trị, bệnh tình ổn định tái hòa nhập cộng đồng, nào ngờ sau một thời gian ngắn sống trong gia đình, do uống thuốc không đều đặn anh đã gây ra cái chết cho cha mình...
Trường hợp bệnh nhân N.H.Tr. (xã Iar Sai, H. Krông Pa, Gia Lai) đã giết cả 2 vợ chồng người em ruột chỉ vì một xích mích nhỏ. Có trường hợp ở Quảng Ngãi, cách đây chưa lâu đã gây ra cái chết của 3 người hàng xóm do không làm chủ bản thân...
Một bệnh nhân khác đến từ tỉnh Khánh Hòa, trong 6 năm phải vào viện điều trị hai đợt, mỗi đợt gần vài ba năm. Hai lần anh này vào viện điều trị đều xuất phát từ những hành động chém, giết người. Ở Đà Nẵng cũng xảy ra không ít trường hợp đau lòng. Bệnh nhân Nguyễn E. (ở Hòa Vang, Đà Nẵng) bị bệnh tâm thần đã 25 năm, là người sống hòa nhập, rất tốt trong cộng đồng hàng chục năm trời.
Nào ngờ, trong một lần đi làm ruộng có một cán bộ thủy nông đến nạt nộ, nói lời không hay khiến bị kích động, anh này lấy cuốc giáng một phát khiến vị cán bộ thủy nông chết tại chỗ... Đa phần các trường hợp này, theo quy định của pháp luật thì họ được miễn trách nhiệm hình sự, tuy nhiên trên thực tế đã để lại những câu chuyện đau lòng cho những người thân của họ hay các bị hại.
Chăm sóc điều trị BNTT tại BVTT Đà Nẵng. |
TRĂN TRỞ NGƯỜI QUẢN LÝ
Theo bác sĩ Trần Văn Mau - Phó Giám đốc BVTT Đà Nẵng, khoa Pháp y của bệnh viện đang điều trị nhiều bệnh nhân thuộc dạng gây án nghiêm trọng như thế. Bác sĩ Trần Văn Mau thừa nhận, việc quản lí người bệnh TT ở trong cộng đồng hết sức nan giải và thực tế là không thể quản lý hết. Bởi theo thống kê của ngành y tế, hiện có đến 300 mã bệnh của 120 bệnh TT. Trong đó có 10 bệnh TT thường gặp thì trước đây chỉ quản lí hồ sơ bệnh TT phân liệt, nay quản lí thêm bệnh TT động kinh.
Ngoài việc quản lý thì nguồn kinh phí để cấp, phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân cũng là vấn đề nan giải. Theo bác sĩ Mau, trong nguồn chương trình mục tiêu quốc gia năm 2014 đã cắt giảm kinh phí quá lớn. Riêng đối với Đà Nẵng (hiện có 1.834 BNTT phân liệt) bị cắt giảm 68%, trong khi đó năm 2014 lại giao quản lý thêm BNTT động kinh (Đà Nẵng có 1.594 BN).
Trước đây, BNTT động kinh chỉ quản lí lồng ghép, nay phải quản lí bằng sổ sách, theo dõi giống như BNTT phân liệt. Hiện BVTT Đà Nẵng đã trình đề xuất lên cơ quan chức năng TP Đà Nẵng nhưng vẫn chưa thấy cấp kinh phí nên trong mấy tháng đầu năm 2014 phải dùng thuốc của BV để cấp về cho BNTT trong cộng đồng.
Điều nữa là hiện nay, BNTT đang được cấp phát thuốc an thần kinh cổ điển (khoảng 600-650 đồng/ngày), nên khi uống, BN có nhiều tác dụng phụ khiến họ ngại uống thuốc nên bệnh không thể thuyên giảm, dễ bùng phát. Trong khi đó, hiện nay có thuốc an thần kinh mới ít tác dụng phụ thì giá cao (từ 2.000 đến 25.000 viên/tùy loại) nên BNTT khó tiếp cận. Đây cũng là vấn đề nan giải mà khó gỡ rối được.
Việc quản lí người TT trong cộng đồng, bác sĩ Trần Văn Tập - Chuyên trách TT Trung tâm Y tế Q. Hải Châu - Đà Nẵng cho biết, ở mỗi phường có một cán bộ chuyên trách TT, giám sát và phát thuốc hằng tháng. Thường mỗi tháng phát thuốc hai lần, hằng tháng phải làm báo cáo thuốc, báo cáo tình hình, có biểu hiện bất thường cấp báo cho chuyên trách của quận, sau đó quận báo cáo lên BVTT Đà Nẵng để phát thuốc về hoặc điều chỉnh thuốc cho phù hợp với bệnh tình. Ca nào nặng thì chuyển ngay đến BVTT Đà Nẵng.
Một vấn đề khác cũng đáng quan tâm là vẫn còn nhiều người kỳ thị với BNTT hay việc người thân chăm sóc BNTT còn lỏng lẻo, do kinh tế khó khăn nên bệnh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào và hậu quả gây ra thì khó lường... “Cần phát hiện bệnh sớm, tránh đối xử kỳ thị; tránh gây kích động với người bệnh TT, tạo công ăn việc làm, tạo môi trường tâm lý tốt cho bệnh nhân, tránh xúc động... Để điều trị cho bệnh nhân, cũng cần có sự phối hợp giữa người nhà và bệnh viện, bác sĩ một cách nhịp nhàng thì bệnh nhân sẽ nhanh chóng khỏi bệnh hơn”- bác sĩ Trần Văn Mau khuyến cáo.
Nguyễn Tuấn