Báo Công An Đà Nẵng

Chương kết có hậu cho tác giả "Vui mùa chiến thắng"

Thứ hai, 20/03/2017 12:02

(Cadn.com.vn) - Ngỡ như bị quên lãng, thế rồi cố nhạc sĩ Văn Chừng, tác giả của ca khúc "Vui mùa chiến thắng" đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2016. Một sự tôn vinh của Nhà nước, cũng là sự tưởng thưởng xứng đáng của nhân dân dành cho nhạc sĩ, chiến sĩ Văn Chừng. Dẫu muộn màng nhưng vẫn không vơi niềm vui chung cho những ai từng biết, từng trân quý ông, một nhạc sĩ, chiến sĩ cả trong chiến tranh và hòa bình.

Chia sẻ niềm vui với mọi người thân, trân quý ông và thay nén hương gửi về phía linh ông trong ngày nhận tin vui muộn dành cho ông, chợt chạnh lòng nhớ hôm nhận tin ông từ giã cõi trần, như hóa mình vào cánh chim Phí mà bay về cội nguồn.

 Hôm đó, chính xác là 3 giờ sáng ngày 10-9-2006, từ TP Hồ Chí Minh, tôi nhận một tin nhắn với vỏn vẹn mấy dòng: Nhạc sĩ Văn Chừng, tác giả của ca khúc "Vui mùa chiến thắng" đã vĩnh biệt bạn bè, người thân lúc 2 giờ 50 sáng 10-9-2006 tại Nha Trang. Đọc tin nhắn đến mấy lần là cả mấy lần từng từ tiếc thương cứ quyện lấy từng ca từ trong mạch thanh âm ca khúc Vui mùa chiến thắng thấm đậm tình yêu quê hương, đất nước, thấm đậm chất lạc quan cách mạng: Chiều nay tôi đứng trên Trường Sơn, lòng tràn đầy vui sướng mùa lúa thơm ngạt ngào. Dòng sông đưa nước về xuôi, mang bóng nương ngô cùng bồng con phất cờ. Chim Phí bay về nương lúa xanh trĩu bông, chao mình trong gió thu đưa dạt dào... Hò ơ, mang trong tim này tình yêu quê hương, trên nương đồi này đẹp bao tấm lòng, mùa lúa chín chờ ta với bao niềm tin, thu sang trong mùa vui chiến thắng...".

Nhạc sĩ Văn Chừng trong một lần thăm, tặng tác phẩm của ông viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho chính đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vâng, ca khúc đẹp từng ca từ với giai điệu tiết tấu rộn ràng, mạch lạc trên cái nền tấm lòng của một người con trở lại quê hương đó xuất hiện giữa những năm đầu thập niên 1960, khi cuộc chiến tranh giải phóng đang vào độ gian nan, ác liệt đã đồng hành theo bước chân hành quân của lớp lớp chiến sĩ chúng tôi hướng vào tương lai. Vào thời đó, hầu như tất cả chúng tôi đều thuộc bài hát Vui mùa chiến thắng của Văn Chừng, nhưng ít ai trong chúng tôi biết rõ về xuất xứ của ca khúc. Đó là đêm 13-5-1962, Văn Chừng cùng 10 chiến sĩ văn nghệ trong đoàn công tác đặc biệt vào Khu V đánh Mỹ đã được Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đích thân gặp và tiễn "về Nam". Với tâm trạng hạnh phúc, hân hoan được trở về giải phóng quê hương, những năm đồng cam, cộng khổ với đồng bào chiến sĩ quê hương miền Trung - Tây Nguyên đau thương nhưng kiên cường, nhiều chiến sĩ văn nghệ trong đoàn quân công tác đó đã có những tác phẩm thôi thúc lòng người như: Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc; Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành; Bóng cây Kơnia, Những ánh sao đêm của Phan Huỳnh Điểu; Câu hò trên bến Hiền Lương của Hoàng Hiệp... Trong số đó, riêng Văn Chừng và Lam Lương chỉ sau một năm "đi B" đã có ngay ca khúc Vui mùa chiến thắng cùng với các tác phẩm của đồng nghiệp trong đoàn góp phần thổi vào trái tim chiến sĩ và đồng bào một niềm tin mãnh liệt vào ngày toàn thắng. Đó cũng là lẽ tự nhiên để năm 1965, Vui mùa chiến thắng của Văn Chừng - Lam Lương được trao giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu cùng với những tác phẩm của các chiến sĩ văn nghệ cách mạng đương thời.

* Nhạc sĩ Văn Chừng tên khai sinh Trần Văn Chừng, sinh ngày 4- 1-1938, quê Bình Định, qua đời năm 2006 tại Nha Trang. Là một trong những nhạc sĩ quân đội, nhạc sĩ Văn Chừng (bút danh: Hoài Minh, Trần Anh Văn, Lê Hoài My, Lê Hoài Việt) đã lăn lộn trong thực tế chiến đấu và có rất nhiều tác phẩm để đời cả về thanh nhạc và khí nhạc. Đặc biệt trong quãng thời gian từ năm 1957 đến 1962, tại chiến trường Trung Bộ, công tác ở Đoàn Văn công Quân Giải phóng miền Trung, ông đã sáng tác một số ca khúc: Vui mùa chiến thắng, Khúc hát em bay xa, Voi đã về buôn, Xuân Tây Nguyên...

Mãi đến sau năm 1977, khi về công tác tại Nha Trang, gặp tác giả Vui mùa chiến thắng bằng xương bằng thịt, tôi mới biết thêm người chiến sĩ văn nghệ Văn Chừng còn là một chiến sĩ thực thụ của Trung đoàn 812 từng gắn bó máu thịt với chiến trường cực Nam Trung bộ một thời chiến tranh giải phóng. Cũng từ nhân cách lính giản dị dễ gần gũi, chan hòa đó, Văn Chừng luôn trân trọng đến lực lượng sáng tác ca khúc không chuyên ở các tỉnh lẻ. Nhờ vậy, trong quá trình rong ruổi trọn cuộc đời cho nghệ thuật, anh đã góp phần phát hiện, khuyến khích, chăm lo bồi dưỡng cho rất nhiều hội viên nhạc sĩ trẻ của các địa phương, đặc biệt là lực lượng sáng tác âm nhạc trẻ khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Cũng chính từ những miệt mài... tay súng tay rìu theo chúng ta vùng lên, hai bàn tay trắng xây nên cuộc đời... bàn tay ta gieo lấy mầm xanh, gieo niềm tin ở ngày mai sáng tươi... như lời ca khúc của anh, cả một hành trình rong ruổi đến cuối cuộc đời, anh đã có gần 700 ca khúc viết về những vùng quê hương đất nước anh từng đi qua. Trong đó phải kể đến cả gần 100 ca khúc được in thành sách, phổ cập trên báo cũng như được giới thiệu trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và địa phương. Trong đó có những bài về Nha Trang như: Nha Trang mảnh đất anh hùng và Nha Trang biển nhơ từng được giới thiệu trên Báo Khánh Hòa điện tử.

Sáu mươi chín mùa Xuân, nhạc sĩ Văn Chừng đã để lại cho đời gần 700 ca khúc, rất nhiều giải thưởng và huân, huy chương cao quý. Dấu chân Văn Chừng từng in khắp mọi miền quê Tổ quốc. Anh đi nhiều, sáng tác nhanh và luôn có những tác phẩm phổ cập đến tận cùng đời sống của đồng bào chiến sĩ các địa phương. Điều mà ai cũng quý mến anh là ở cái tâm trong sáng. Cũng như từng có mặt ở nơi gian khổ, ác liệt nhất thời đánh Mỹ, chính cái tâm trong sáng đó của Văn Chừng đã giúp anh vượt qua tất cả để có những tác phẩm để đời. Với người nghệ sĩ, còn gì hơn khi có tác phẩm đứng trong lòng nhân dân, bền vững với thử thách khắc nghiệt của thời gian!

Ở đời ai chẳng mong muốn để lại chút gì cho đời. Và cái chút gì đó của Văn Chừng để lại trước khi hóa mình vào con chim Phí (chim sáo) chao mình về cõi thiên thu là những tráng ca với ca từ dung dị trên nền giai điệu thấm đậm tình yêu quê hương đất nước, thấm đậm chất lạc quan cách mạng, góp phần thổi vào trái tim chiến sĩ và đồng bào một niềm tin mãnh liệt vào tương lai.

Thế rồi như dòng sông đưa nước về xuôi..., nhạc sĩ Văn Chừng đã hóa mình vào con chim Phí, theo dòng về với cội nguồn, để lại phía cõi tạm là rợp trời nương lúa xanh trĩu bông nên mùa vui chiến thắng...

Lê Bá Dương