Báo Công An Đà Nẵng

Chương trình, sách giáo khoa cần tiếp tục đổi mới nhưng cũng cần chuẩn mực và ổn định phát triển

Thứ bảy, 19/08/2023 08:29
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng chủ trì Hội nghị (ẢNH: GD&TĐ).

Tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao toàn ngành Giáo dục trong năm học qua đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, đạt được nhiều kết quả nổi bật. GD-ĐT tiếp tục được đổi mới và có bước phát triển. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 được ngành triển khai tích cực, bước đầu có hiệu quả v.v.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Thủ tướng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế về công tác hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới giáo dục, đào tạo triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế của giáo dục trong nước và xu hướng hội nhập quốc tế, nhất là đối với tự chủ đại học. Việc thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn một số bất cập; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở một số địa phương chưa phù hợp, còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng đã có một số chỉ đạo cụ thể đó là: Yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo. Trong những nội dung cần ưu tiên thực hiện, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung xây dựng Luật Nhà giáo; Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và sớm công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển Giáo dục là quốc sách hàng đầu, GD-ĐT là lĩnh vực quan trọng, quyết định chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Giáo dục sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế; tiếp tục triển khai các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn.

Liên quan đến vấn đề Chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Thủ tướng cho rằng, Chương trình, sách giáo khoa cần tiếp tục đổi mới nhưng cũng cần chuẩn mực và ổn định phát triển. Thủ tướng cũng gợi mở một số vấn đề cần triển khai thực hiện trong năm học mới đó là: Kiên quyết, kiên trì không cho ma túy vào học đường, khắc phục tình trạng bạo lực học đường; nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục cao đẳng, đại học. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, ngành GD-ĐT cần có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường học ở các vùng sâu, xa, biên giới hải đảo…, đảm bảo đủ giáo viên, đảm bảo mạng lưới trường lớp học để tiếp tục triển khai chương trình GD phổ thông 2018...

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành; trong đó yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của T.Ư bảo đảm nghiêm túc, khách quan, sát thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong đổi mới giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.

Điểm cầu tại TP Đà Nẵng. Ảnh: X.S

Tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đã đề ra phương hướng và nhiệm vụ năm học 2023- 2024, với chủ đề "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo". Theo đó, năm học mới 2023- 2024, ngành Giáo dục sẽ tập trung triển khai thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt chú trọng các nhiệm vụ sau: Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh; quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực GD-ĐT; tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành…

Cũng tại hội nghị, đại diện các địa phương, cơ sở giáo dục đã có nhiều tham luận về kinh nghiệm, thực trạng và giải pháp nhằm triển khai các nhiệm vụ GD-ĐT; đại diện các Bộ, ngành cũng có các phát biểu trong việc phối hợp với ngành Giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới. Điển hình, TP Hồ Chí Minh với tham luận về đẩy mạnh chuyển đổi số trong năm học 2023- 2024; tỉnh Kon Tum với "Giảm điểm trường lẻ, nâng cao chất lượng dạy hoc"; TP Hà Nội kiến nghị được nâng tầng, xây tầng hầm để tận dụng quỹ đất cho trường học; Cà Mau với tham luận "Cần kiên cố hóa trường lớp, nhà công vụ để giáo viên yên tâm công tác".

Liên quan đến công tác phối hợp xử lý sớm những vấn đề phức tạp, đảm bảo an ninh trong lĩnh vực giáo dục, phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Lương Tam Quang- Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT triển khai nhiều chương trình phối hợp, triển khai các thông tư liên tịch nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, bảm đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an ninh an toàn các kỳ thi. Đặc biệt, Bộ Công an lưu ý đến việc lợi dụng hợp tác quốc tế trong giáo dục để vi phạm pháp luật, phòng ngừa những vi phạm pháp luật trong học sinh sinh viên (HSSV). Cũng theo Thượng tướng Lương Tam Quang, dù chỉ có 2,63% HSSV trong tổng số thanh niên phạm tội, nhưng con số này lại có xu hướng tăng. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, trong đó có Bộ GD-ĐT phối hợp xử lý sớm những vấn đề phức tạp, đảm bảo an ninh trong lĩnh vực giáo dục.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ, ngành GD-ĐT vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2022- 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 – 2024; trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự Hội nghị và sẽ lĩnh hội, quán triệt, triển khai những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng bằng những chương trình, kế hoạch công tác cụ thể và quyết tâm, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao…

Xuân Sơn

Trong năm học 2022-2023, phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập" trong các trường học ở TP Đà Nẵng đã diễn ra sôi nổi, thiết thực hiệu quả và đã tác động mạnh mẽ đến chất lượng và hiệu quả giáo dục. Mô hình "Triển khai các giải pháp đẩy mạnh giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng gắn với việc nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn thành phố gắn với những mô hình hoạt động cụ thể" đã được triển khai ở hầu hết các trường học. Kết quả, đã đổi mới phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh giáo dục lịch sử, cách mạng cho học sinh gắn với các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng học tập đại trà của học sinh các cấp khá đồng đều; đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn, học sinh giỏi, học sinh năng khiếu tham dự các kỳ thi, hội thi khu vực, quốc gia, quốc tế đạt được một số kết quả tích cực. Tại Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, học sinh TP Đà Nẵng đã đạt được 1 giải Nhất, 10 giải Nhì, 20 giải Ba, 14 giải Khuyến khích; có 4 học sinh được tiếp tục dự thi vòng 2, có 1 học sinh đạt huy chương đồng môn Tin học tại Kỳ thi Olympic Châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, Đà Nẵng có 1 dự án đạt giải Ba và 1 dự án đạt giải Tư.

Xuân Sơn