Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện "báo đen" Đinh Văn Lời (Kỳ cuối: Hội An thành "bất an" với địch)

Thứ sáu, 28/08/2020 19:39

Không để Hội An là nơi an toàn cho địch, Thị ủy Hội An thường xuyên quan tâm, chỉ đạo lực lượng biệt động Hội An tổ chức nhiều trận đánh để biến đô thị Hội An thành nơi "bất an" của địch.

Ghi theo lời kể của ông Đinh Văn Lời - nguyên Đội trưởng Đội biệt động Hội An.

Phá tan chốt kiểm soát

Gần hai tháng sau, dư âm vụ đặt mìn đánh vào sở Mỹ, tiểu khu Quảng Nam còn chưa lắng xuống, chúng tôi được giao nhiệm vụ tổ chức trận đánh diệt bọn ác ôn, quân cảnh, lính trung đoàn 51 và cán bộ bình định. Để kiểm soát người qua lại và bắt lính, chúng lập trạm kiểm soát tại ngã tư Nguyễn Trường Tộ - Thái Phiên (Hội An). Gần trạm kiểm soát có Ty Kiến thiết, Ty Điền địa và đồn quân cảnh tư pháp. Tại chốt này, thường xuyên có mặt tên cảnh sát đặc biệt T.Đ.T, tên quân cảnh ác ôn T.Đ.T., tên Đ. N. Q. và một số gián điệp chìm. Để thực hiện tốt trận đánh cần phải có sự tính toán cụ thể, không để xảy ra thương vong cho nhân dân hoặc bại lộ.

Chúng tôi dự kiến chọn địa điểm tổ chức trận đánh tại nhà bà Ba (số 128-Nguyễn Trường Tộ). Trong suốt thời gian thi công nhà ở cho bà Ba, chúng tôi đã để ý quan sát. Đặc biệt, thợ vừa mới đổ bê-tông sân thượng tầng hai, là điều kiện thuận lợi cho việc quan sát các mục tiêu, đồng thời là nơi tập kết, cất giấu vũ khí. Các đồng chí Nguyễn Nhứt (Tài) và Hà Các được giao nhiệm vụ chở xi-măng sắt thép, đã bí mật vận chuyển gần 20 quả lựu đạn M26 từ nhà số 28-Lê Lợi (Hội An) đến vị trí tập kết. Theo phương án, 5 chiến sĩ biệt động bí mật cải trang thành công nhân, thợ hồ (nề) ẩn mình tập kết vào 3 địa điểm. Trong đó, Nguyễn Kim Nhứt-công nhân của Ty Giao thông công chánh, phục kích ở góc Ty Công chánh; Nguyễn Dũng-công nhân của nghiệp đoàn khuân vác, phục kích ở kho lương thực phía dưới Ty Điền địa; tôi, Nguyễn Nhứt và Phan Công Đủ - thợ hồ, phục kích trên sân thượng nhà bà Ba. Với cách bố trí như vậy, chúng tôi đã tạo thành thế trận tam giác tấn công không để cho địch chạy thoát.

Nắng tháng 5, trời nóng như nung, chúng tôi nằm trên sàn bê- tông chờ đợi những người thanh niên cuối cùng rời khỏi trạm kiểm soát. Khoảng 10 giờ ngày 5-7-1967, trong chốt kiểm soát chỉ còn lại lính trung đoàn 51, cán bộ bình định, quân cảnh, cảnh sát và 3 tên ác ôn, tôi ra lệnh tiến công. Lập tức, 3 quả lựu đạn M.26 cùng lúc bay đến giữa trạm kiểm soát, 3 quả tiếp theo bay đến đồn quân cảnh tư pháp ở sát ngã tư. Đồng thời, 2 đồng chí Dũng và Nhứt đánh tiếp 4 quả lựu đạn M26 vào Ty Kiến thiết và Ty Điền địa. Sau 5 phút chiến đấu, hơn chục quả lựu đạn M26 của chúng tôi tập kích chính xác vào mục tiêu. Dân chúng nhốn nháo, hoảng loạn. Khói tan, một chiếc chuôi đạn cối 60 ly nằm giữa hiện trường (do ta vứt ra để đánh lạc hướng địch). Ai đó vội tri hô: "Việt cộng pháo kích". Địch quá bất ngờ, không kịp trở tay kháng cự. Nhân viên công chức của 3 cơ quan: Ty Công chánh, Ty Kiến thiết, Ty Điền địa và đồn quân cảnh ở quanh trạm kiểm soát cũng bị tấn công.

Trận đánh diệt địch tại chốt kiểm soát Nguyễn Trường Tộ -Thái Phiên đã chứng minh biệt động Hội An không chỉ tác chiến bất ngờ trong đêm tối mà còn có khả năng đánh địch ban ngày, trở về thế hợp pháp an toàn. Thị ủy Hội An cũng đánh giá lực lượng tự vệ, biệt động không chỉ đánh sâu, đánh hiểm mà còn có thể phối hợp với các lực lượng khác để tổ chức những trận đánh quy mô lớn.

"Báo đen" Đinh Văn Lời trước tòa hành chính tỉnh lỵ Quảng Nam của ngụy (nay là khách sạn Hội An). Đường Cường Để (nay là đường Trần Phú), nơi lực lượng biệt động Hội An đã tổ chức nhiều trận đánh táo bạo, bất ngờ.

"Đo ván" tiểu đoàn công binh địch

Khoảng tháng 7-1967, đồng chí Trương Minh Lượng - Phó Bí thư Thị ủy Hội An, gửi mật lệnh cho tôi chỉ đạo đội biệt động nắm tình hình của tiểu đoàn công binh 102 địch (vị trí của Trường Đại học Phan Châu Trinh hiện nay) và một số đơn vị đóng quân lân cận. Chấp hành chỉ thị, tôi chọn đồng chí Nguyễn Kim Nhứt, một trinh sát dày dạn kinh nghiệm của Đội biệt động Hội An, bí mật cài vào tốp thợ mộc gồm 3 người đi trang trí nội thất ở tiểu đoàn bộ, phòng ở và phòng làm việc của thiếu tá M., tiểu đoàn trưởng. Trong vai người thợ mộc chăm chỉ, đồng chí Nhất đã làm tốt nhiệm vụ nắm chắc tình hình địch như: quân số hằng đêm có mặt ở tiểu đoàn, vẽ sơ đồ chi tiết các phòng, ban, nhà chỉ huy và phòng ở riêng của vợ chồng thiếu tá M... Đặc biệt, đồng chí Nhứt còn phát hiện hầm bí mật trong phòng ngủ của vợ chồng V.H.M, bên trên ngụy trang bằng một tấm nệm. Mọi nội dung trên, tôi đều báo cáo kịp thời cho đồng chí Trương Minh Lượng.

Chiều 26-8-1967, đồng chí Trương Minh Lượng gặp đồng chí Nguyễn Khương và tôi để giao nhiệm vụ: "Lực lượng biệt động phối hợp với bộ đội tỉnh Quảng Đà và Thị đội Hội An tập kích vào doanh trại tiểu đoàn công binh 102, đại đội hành chánh và dinh tư thất tỉnh trưởng". Khoảng 23 giờ hôm đó, chúng tôi gồm: Nguyễn Khương, Đinh Văn Lời, Nguyễn Bé, Nguyễn Giáp..., gồm 15 đồng chí trong Đội biệt động Hội An cải trang thành lính trung đoàn 51 ngụy, trong đó có 5 lính thật là cơ sở nội tuyến, đi tuần tiễu trên đường phố Hội An.

 0 giờ 30 phút ngày 27-8-1967, chúng tôi có mặt trước cổng doanh trại công binh. Đồng chí đi đầu bất ngờ nổ súng tiêu diệt 2 tên lính canh làm hiệu lệnh tiến công. Ngay lập tức, bộ đội tỉnh Quảng Đà và Thị đội Hội An đã mai phục sẵn, đồng loạt nổ súng tiến công vào doanh trại địch. Bộ đội ta dùng bộc phá, phá rào dây thép gai và bom mìn địch cài chung quanh doanh trại, mở đường thọc sâu vào trận địa, tiêu diệt hơn 2 trung đội, đốt cháy kho xăng dầu và kho vũ khí của địch. Chớp thời cơ, tôi chỉ huy một tổ biệt động do đồng chí Phan Công Đủ làm tổ trưởng đánh thẳng vào dinh tư thất tỉnh trưởng Quảng Nam, tiêu diệt 3 tên lính bảo an, phá hủy ngôi nhà chính của dinh tư thất.

Ở hướng khác, đồng chí Nguyễn Khương chỉ huy một tổ biệt động tấn công vào đại đội hành chánh, tiêu điệt hơn chục tên địch, hỗ trợ cho bộ đội ta tiến sâu vào đánh chiếm tiểu đoàn bộ. Các đồng chí Nguyễn Kim Nhứt, Nguyễn Bé, Nguyễn Giáp dẫn một tiểu đội đặc công đột nhập vào sở chỉ huy tiểu đoàn và phòng ngủ của vợ chồng thiếu tá M. Nhận định vợ chồng tiểu đoàn trưởng M. đã trốn xuống hầm bí mật, đồng chí Nhứt hướng dẫn anh em khiêng tấm nệm ngụy trang che miệng hầm bí mật ra. Nắp hầm bật mở, vợ chồng thiếu tá V.H.M. vội giơ tay lên đầu hàng. Vợ của M. là ca sĩ T.P., nổi tiếng ở Sài Gòn lúc bấy giờ, vội đưa 2 lon gi-gô vàng cho đồng chí  Nhứt và mấy chiến sĩ và xin tha mạng cho chồng. Ta không nhận và tuyên bố rằng: "Vàng không thể mua chuộc được tội lỗi của chồng cô. Nếu chồng cô có tội với cách mạng và nhân dân thì sẽ bị xử lý. Còn nếu không có tội, cách mạng sẽ tha thứ khoan hồng cho về". Sau đó, hơn 5 tháng học tập cải tạo, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam đã ra lệnh phóng thích cho 3 người ở Hội An đang phục vụ trong chế độ Sài Gòn bị Quân giải phóng miền nam Việt Nam bắt, được trở về đoàn tụ với gia đình, trong đó có thiếu tá V.H.M. Được tự do, vợ chồng thiếu tá M. vào Sài Gòn, hết lời ca ngợi "Việt cộng rất tốt và đối xử tử tế, hết sức nhân đạo với tôi. Cho tôi ăn uống đầy đủ, không tra tấn đánh đập tôi. Cách mạng khoan hồng nhân đạo, đối xử tử tế với những người lầm đường lạc lối trong đó có tôi".

NGUYỄN AN NHIÊN

>> Chuyện “báo đen” Đinh Văn Lời (Kỳ 1: Vượt qua cửa tử đặt mìn vào sở Mỹ)