Chuyện bây giờ mới kể
Bẫy địch trên sông Thu Bồn
Năm 1973, hiệp định Paris được ký kết, Mỹ rút quân nhưng ngụy quyền Sài Gòn lật lọng, thực hiện âm mưu tràn ngập lãnh thổ, giành đất và đã chiếm lại gần hết vùng giải phóng của Quảng Đà. Ông Lê Hữu Thọ (74 tuổi)- Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Nông Sơn, nguyên Bí thư Chi bộ Sơn Khương, xã Sơn Phúc (xã Quế Trung thời chống Mỹ- P.V) vừa đi vừa trò chuyện với chúng tôi khi trở lại thăm Bia di tích chiến thắng Nông Sơn- Trung Phước diễn ra cách đây vừa tròn 50 năm. Từ địa điểm Bia di tích, sát dòng Thu Bồn đoạn chảy qua cầu Nông Sơn, tuy không phải điểm cao nhưng từ đây có thể phóng tầm mắt quan sát các vị trí chiến lược hai bên tả hữu dòng Thu Bồn.
Theo hướng tay ông Thọ, căn cứ Nông Sơn địch cho chốt chặn một lực lượng trên ngọn đồi cao 298m bên bờ sông Thu Bồn. Phía Nam sông Thu Bồn là núi Cà Tang cao 462m, luôn có một trung đội địch cảnh giới cho cả vùng rộng lớn hai bên bờ sông từ Thạch Bích xuống đến quận Đức Dục, tức Duy Xuyên bây giờ. Cứ điểm chốt giữa vùng giải phóng của ta, chúng gây nên rất nhiều khó khăn và gieo rắc không biết bao nhiêu tội ác với nhân dân vùng giải phóng Hiệp Đức - Quế Sơn. Năm 1966, ta từng đánh chiếm căn cứ này nhưng không thành. Từ năm 1968, ông Thọ đã là một Bí thư Chi bộ cộng sản nổi tiếng gan dạ và tài bắn tỉa nên địch từng treo giải ai giết được ông sẽ thưởng 12 tấn gạo. Cả thời chiến tranh và hòa bình sau này ông có thời gian 15 năm làm Chủ tịch UBND một xã từng là địa bàn ác liệt trong chiến tranh.
Chiến thắng Nông Sơn – Trung Phước đã được sử sách ghi lại khá đầy đủ, chỉ riêng có một điều mà theo ông Thọ là ít được nhắc đến, đó là nghệ thuật đánh giặc trên sông ở đây. Bởi trước khi trận đánh diễn ra, thị sát địa bàn để báo về cấp trên, ông Thọ cùng lực lượng tại chỗ đề xuất làm thế nào ngăn địch tháo chạy bằng đường thủy và con đường duy nhất là dòng Thu Bồn. Rất mừng cấp trên cũng đã tính toán trước phương án đánh địch theo đường này. Và quả thật đúng như tính toán, khi đánh Nông Sơn- Trung Phước, lúc đó, Trung đoàn 1 (còn gọi là Trung đoàn Ba Gia) cho công binh tháo cầu sắt trên đường 104 và dùng dây cáp bện bằng thép gai căng ngang sông Thu Bồn phục kích ngăn chặn địch thất trận dùng ca nô tháo chạy. Cùng với chủ lực, dân quân, du kích người dân địa phương còn được giao nhiệm vụ dùng thép gai giăng dưới lòng sông đoạn ngay sát cứ điểm địch đóng quân. Bởi vậy khi ta đánh vào cứ điểm, ngay tên thiếu tá Phát –người chỉ huy cao nhất quân địch không thể tháo thân dù hầm ngầm có đường dẫn ra sông. Khi thuyền, ca nô mắc kẹt lại, trận địa pháo, súng hai bên bờ khạc lửa, sông Thu Bồn trở thành một Bạch Đằng giang trên đất Quảng Nam thời hiện đại.
Chuyện kể của người dẫn đường
Một người đồng đội của ông Lê Hữu Thọ, năm nay 78 tuổi, nguyên Xã Đội trưởng Sơn Khương thời chống Mỹ là ông Thiều Xuân Hòa, khi được hỏi vai trò của ông trong cuộc chiến tấn công giải phóng Nông Sơn- Trung Phước 50 năm trước cho hay, thời gian đi thật nhanh, song có điều ông không thể nào quên khi gần như cả đời ông gắn bó với cuộc chiến đấu trên mảnh đất quê mình cho đến ngày đất nước thống nhất.
Ông Hòa từng là cựu tù Côn Đảo, nhưng do không khai thác gì được ở người cán bộ cơ sở kiên trung, chúng buột trao trả ông tại Lộc Ninh, ngay sau khi hiệp định Paris được ký kết. Trở về quê nhà, ông Hòa tiếp tục đảm trách Xã Đội trưởng Sơn Khương…Công việc ông được giao tiếp tục chuẩn bị cho trận chiến mới quét sạch quân thù ra khỏi mảnh đất quê nhà yêu dấu. Là người trực tiếp dẫn quân chủ lực đánh Nông Sơn- Trung Phước, ông Hòa cho hay, ngay từ tối 16-7 các lực lượng đã triển khai áp địch. Do thông thạo địa bàn và cũng do địch hoàn toàn bất ngờ không hay biết gì nên việc dẫn các cánh quân chủ lực triển khai vòng vây hoàn toàn thuận lợi.
Theo ông Hòa, điều đặc biệt khi nói về chiến thắng Nông Sơn- Trung Phước, không thể không nhắc đến một tình huống hết sức bất ngờ ở giờ phút cuối chuẩn bị cho trận đánh đó là: Vào sáng 17-7-1974, trong lúc quân ta đang triển khai chiếm lĩnh trận địa vòng ngoài thì địch đưa Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 56 thuộc Sư đoàn 3 ngụy lên thay Tiểu đoàn biệt động 78. Tình thế mới xuất hiện, số quân địch sẽ tăng gấp đôi. Tôi hỏi ông Hòa, lúc đó ông và quân ta tinh thần ra sao, có thông tin gì mới và có gì thay đổi trận đánh như kế hoạch ban đầu. “Nói thật, mình lực lượng địa phương, lại được tăng cường các loại binh chủng, cả cao xạ, pháo…các mục tiêu đánh rõ ràng cả…nên địch có đông mấy cũng chả sợ, cứ trông trận đánh diễn ra thật nhanh để nhổ đi cái bụi gai độc cho quê mình. Lúc đó mình bộ đội địa phương nên cũng không biết nhiều, chỉ nghe truyền đạt trên đã nắm được tình hình, đã chi viện lực lượng và vẫn đánh như kế hoạch. Sau giải phóng anh em bọn tôi mới biết thêm, đến tối 17-7, qua điện thoại, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5 Võ Chí Công gọi điện cho Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn và Sư trưởng Nguyễn Chơn vẫn giữ quyết tâm đánh địch trên cơ sở phân tích một cách khoa học”. Địch tăng quân chỉ có khác, đáng lẽ một hố chiến đấu diệt một tên địch thì bây giờ là hai tên địch. Địch càng đông càng dễ rối loạn, kẻ đi chưa thoát, kẻ đến chưa tường, là cơ hội ta thắng địch rất lớn. Sư trưởng Nguyễn Chơn đã lệnh cho Trung đoàn 38 điều một tiểu đoàn dự bị cho Trung đoàn 31 và giao khu mỏ than Nông Sơn cho lực lượng địa phương Quảng Nam đảm trách.
Chi tiết nhỏ ông Thiều Xuân Hòa còn nhớ, đó là vào thời điểm thay quân, bọn địch vui mừng mở tiệc tùng ăn nhậu, tìm gái gú ở một số nhà dân gần điểm đóng quân. Tất cả địa điểm đó ta đều nắm hết. Khi vòng vây khép chặt, thời điểm phát hỏa, bọn chúng hoàn toàn lọt vào vòng vây không thể thoát được…
Võ Văn Trường