Chuyện buồn mang tên “ma lai”, “thuốc thư” (2)
* Bài 2: 4 năm làm phận “ma lai” giữa rừng
(Cadn.com.vn) - 4 năm là chuỗi ngày dài, tối tăm của 2 người già và đứa bé gái khi phải bỏ làng mà đi, ôm nỗi buồn tủi vì bị nghi là những “ma lai”. Họ chỉ biết bầu bạn với cây cỏ, tìm cây chuối, đào củ mì dại trong rừng, bắt con tôm, con cá dưới suối để qua ngày, đoạn tháng. Nếu như không có cán bộ chiến sĩ CAH Kong Chro (Gia Lai) phát hiện và đưa về buôn làng, có lẽ số phận 3 người vẫn còn là những chuỗi ngày u buồn.
Những ngày tháng u buồn
Đến nay đã gần 2 tháng, anh em ông Đinh Krih (1950), Alếch (1968) và cháu Đinh Thị Danh (2006) được cán bộ CAH Kong Chro đưa về sau 4 năm sống như con thú hoang ngoài rừng. Căn nhà được dựng trên nền đất cũ của gia đình đã được bà con làng Tnùng 2 (xã Ya Ma, H. Kong Chro) cùng chính quyền, CAH chung tay góp vật liệu, góp sức dựng nên. Ông Krih đón chúng tôi bằng nụ cười mộc mạc, đôi mắt nheo hiền: Nhà mình vẫn còn đơn sơ thôi nhưng thấy như thế là vui cái bụng lắm rồi. Mấy năm qua phải sống trong rừng, ăn cái cây, con tép ở rừng, nhớ dân làng mà không dám quay về. May có cán bộ CA phát hiện đưa về. Giờ được sống với dân làng, được bà con, CBCS CAH dựng cho căn nhà, có chết mình cũng mừng lắm.
Giọng đượm buồn, đôi mắt nhìn cửa hướng về chân núi xa, Krih kể về nguồn cơn của những năm trước. Do hoàn cảnh, ông Krih không lập gia đình và không có con cái nên ở cùng em trai là Alếch. “Thằng Alếch thì lấy vợ và có cháu Danh nhưng nó cứ rượu vào là nói tầm bậy. Có lần vì uống say quá, Alếch nói với người khác là mình có “ma lai”, “thuốc thư” nên khiến cho dân làng nghi ngờ, ghét bỏ. Cũng từ đó, nhiều chuyện buồn xảy ra” - ông Krih kể. Chỉ vì nghi Alếch có con “ma lai”, mà có con “ma lai” sẽ làm ra thuốc thư để hại người nên Đinh Đuôl (1993, trú làng Tnùng 2) cầm gậy đến nhà đập phá đồ đạc và đuổi đánh chị Đinh Thị Hle (vợ Alếch). Hay như trong lúc đi làm rẫy xảy ra mâu thuẫn, đến khi uống rượu say, Đinh Bớt (1988, trú làng Tnùng 2) cũng cầm dao đến đòi chém anh em Krih, Alếch nhưng may ông Krih phát hiện gọi mọi người bỏ chạy thoát. Sau đó, Đuôl và Bớt đã bị dân làng Tnùng 2 xử phạt theo phong tục.
Đỉnh điểm, trong một lần anh em Krih đi làm công cho người trong làng, tại bữa cơm tối, gia chủ mời mọi người cùng uống rượu chuyện trò. Khi hơi rượu đã chếnh choáng, ông Đinh Uôt (ở cùng làng) cho rằng anh em nhà Krih có “thuốc thư” nên dân làng này… không khá lên được khiến xảy ra mâu thuẫn nhưng được mọi người can ngăn. Oái oăm thay, ít hôm sau ông Uôt đột nhiên đổ bệnh khiến dân làng cho rằng anh em Krih và Alếch đã “thư” ông Uôt. Lời nói tưởng chừng như vô tình của ông Uôt lại trở thành cái án tử treo lơ lửng trên đầu gia đình anh em Krih khi những chuỗi ngày tháng sau đó họ bị hắt hủi, xa lánh và nhiều lần bị dọa đánh. Bởi dân làng Tnùng mê muội tin rằng, nếu để kẻ “ma lai” ở trong làng thì dân làng sẽ bị hại chết.
Căn chòi cũ nơi anh em Krih, Alếch và cháu Danh sống tách biệt ở trong rừng. |
Về với buôn làng
Bị cô lập, xem như không có ở trong làng và đối với người dân bản địa ở đây, cái chết không khủng khiếp bằng bị dân làng bỏ rơi, không ai mời đến mừng chuyện vui, san sẻ chuyện buồn ở trong làng nữa. Năm 2010, chị Đinh Thị Hle mất vì bạo bệnh. Vậy là sau khi thu hoạch mùa rẫy, 2 người đàn ông quyết định bán nhà, dắt theo cháu Đinh Thị Danh chỉ mới 4 tuổi bỏ làng Tnùng để sang làng Chờ Pâu (xã Lơng Khơng, H. Kbang, Gia Lai) sinh sống. Tuy nhiên, tại đây không có người thân, không có nhà cửa, ruộng vườn và xa buôn làng khiến nỗi buồn càng nặng trĩu. 2 tháng sau (đầu năm 2011), 2 người đàn ông lại đưa cháu Danh quay về dựng chòi ở khu vực rừng thuộc địa phận làng Htiên (xã Đắc Kning, H. Kong Chro), cách làng Tnùng hơn 60km.
Người dân làng Tnùng 2 chung tay xây dựng căn nhà cho anh em Krih. |
Ôm đứa cháu gái vào lòng, ông Krih kể: Những ngày đầu rời làng đi vào rừng, chúng tôi đào củ mì dại, kiếm cây chuối rừng, xuống suối bắt con tôm, con cá để ăn. Bởi khi đi chúng tôi không mang gì đi hết. Nhiều tháng sau, anh em tôi nhặt được ít mì, lúa, bắp của bà con sót lại trên rẫy để làm giống, rồi phát rẫy trồng tỉa lấy lương thực ăn dần. Mùa nắng còn chịu được chứ mỗi khi mưa lạnh, quần áo chẳng đủ che thân, chăn, mền cũng không có, lán tạm bợ chỉ che bằng lá cây nên nhiều đêm thức trắng. Mình và Alếch lớn rồi nên còn chịu được, chỉ tội cho cháu Danh, nó còn quá nhỏ mà thiếu ăn, thiếu học. Nó lớn lên chỉ biết làm bạn với cây rừng, con thú thôi! 3 con người sống khổ cực nơi rừng vắng, không dám gặp người trong làng. Có lần, vì nhớ dân làng, anh em bấm bụng đánh liều trở về làng nhưng chỉ chóng vánh rồi rời đi.
Số phận của họ có lẽ còn là những ngày tháng buồn tủi nữa nếu như không có cán bộ CAH Kong Chro phát hiện. Đại tá Lê Hoài Nam - Trưởng CAH Kông Chro cho biết: “Đầu tháng 10-2015, CAH nhận tin báo về việc phát hiện 3 người sống như người rừng tại khu vực rừng núi thuộc xã Đắc Kning. Chúng tôi cử TS xuống địa bàn nắm tình hình, xác minh và nhận định đó là Đinh Krih và em trai Đinh Alếch cùng cháu Đinh Thị Danh. CAH cử một tổ công tác gồm 5 đồng chí vào khu vực trên để tìm gặp, vận động anh em họ trở về làng. sau 6 ngày tìm kiếm, được sự hỗ trợ, giúp đỡ của người dân, các TS đã gặp và vận động gia đình họ trở về”.
Krih và cháu Danh vui mừng được có nhà mới, được trở về làng. |
Sau khi nắm rõ nguyên nhân, lãnh đạo CAH Kong Chro đã cử một tổ công tác khác phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân để giải thích cho bà con hiểu về hủ tục cái gọi là “ma lai”, “thuốc thư”. Đồng thời, tuyên truyền bà con tạo điều kiện cho 3 người trở về làng sinh sống, làm ăn và dân làng Tnùng đã “biểu quyết” đồng ý. Ngày anh em ông Krih và cháu Danh trở về, dân làng khi hiểu được đã mở rộng vòng tay đón mừng, thanh niên tất bật gọi nhau tới góp sức dựng lại nhà, dân làng thì mỗi hộ góp 2 lon gạo để có cái ăn. Khi căn nhà mới được dựng nên, dân làng cùng mang rượu ghè đến uống mừng nhà mới, mừng anh em Krih trở về với buôn làng. Cháu Danh cũng đã được các cán bộ CAH Kong Chro liên hệ với nhà trường để tạo điều kiện được đi học lớp 1. Và, điều quan trọng, dân làng đã hiểu con “ma lai”, “thuốc thư” chỉ là thứ huyễn hoặc mà thôi!
Minh Tân
(còn nữa)