Chuyện của lính đặc nhiệm
CSĐN huấn luyện tiếp cận mục tiêu từ trên cao.
Kỳ 1: Từ khổ luyện trên thao trường
(Cadn.com.vn) - Nhắc tới hai từ “đặc nhiệm (ĐN)”, người ta thường liên tưởng đây là lực lượng đặc biệt, làm những công việc đặc biệt, nguy hiểm như chống khủng bố, giải thoát con tin... Những ngày cuối năm này, chúng tôi lại có dịp gặp những người cảnh sát ĐN (CSĐN) của CATP Đà Nẵng. Trong mắt chúng tôi, họ là những chàng trai hiền lành, vui tính đang ra sức thi đua ngày đêm không quản nắng mưa, giữ gìn sự bình yên cuộc sống cho nhân dân...
Cùng với sự phát triển của TP về mọi mặt kinh tế, văn hóa-xã hội, theo đó, tình hình ANTT và ATXH cũng có chiều hướng gia tăng, phức tạp. Trước tình hình đó, đầu năm 2007, thực hiện sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, CATP đã đề xuất Bộ CA cho thành lập lực lượng CSĐN thuộc Phòng Cảnh sát Cơ động - Bảo vệ và Hỗ trợ Tư pháp (CSCĐ-BV&HTTP) và ngày 18-3-2007 chính là “ngày sinh” của đơn vị. Lực lượng được tuyển chọn từ lực lượng CSCĐ của CATP, có sức khỏe, to, cao, lanh lợi. Nhiệm vụ của CSĐN là thường xuyên TTKS 24/24 giờ trên đường phố, phát hiện và ngăn chặn, bắt giữ ngay những đối tượng đang có hành vi gây mất TTATXH như cướp, cướp giật, gây rối, trộm cắp... và cả những hành vi vi phạm về TTATGT, TTCC; đưa người bị nạn đi cấp cứu... Để ngăn chặn các đối tượng này đòi hỏi CSĐN phải phản ứng nhanh, đối mặt ngay tức khắc với sự nguy hiểm cho xã hội và cả chính bản thân mình... - thiếu tá Thân Văn Tín, Đội trưởng Đội CSĐN khái quát về công việc của đơn vị.
Để trở thành lính ĐN, có lẽ quan trọng và cần thiết hơn cả là bắt đầu từ công tác huấn luyện. Nói về chuyện này, thượng úy Nguyễn Văn Thông - Đội phó Đội CSĐN, một lính ĐN chính quy đã được đào tạo bài bản từ “lò” CSĐN của Bộ CA, cho biết: Thành phần của đội đều là những CBCS đã được đào tạo huấn luyện theo quy định chung của ngành CA, nhưng khi trở thành lính ĐN vẫn phải ôn lại từ đầu, và được nâng cao hơn so với bình thường. Trước hết phải học tập, ôn lại, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật và được giới thiệu để bước vào một khóa huấn luyện đặc thù của lính ĐN về võ thuật, các biện pháp nghiệp vụ của CSĐN theo chương trình của Bộ CA. Về võ thuật, tất cả phải thuần thục tinh thông chương trình huấn luyện của Bộ CA, không những thế, nhiều CBCS muốn bồi dưỡng thêm, phải đi học ở những câu lạc bộ võ thuật bên ngoài. Phải tập bắn các loại súng, nhiều địa hình, vừa chạy vừa bắn, vừa đi mô-tô vừa bắn, với nhiều mục tiêu ở các vị trí khác nhau. Trong chương trình còn có các bài tập vận động dưới nước, phải bơi, phải tập khống chế, bắt giữ đối tượng, cấp cứu người bị nạn...
CSĐN huấn luyện bài tập chống sào vượt vật cản.
Nhưng có lẽ gai góc hơn cả vẫn là môn chống sào vượt vật cản và dùng dây tiếp cận mục tiêu từ trên cao. Trong các khóa huấn luyện, đây là hai môn đòi hỏi lính ĐN phải rèn luyện bản lĩnh và ý chí kiên cường, gan dạ nhất. Thượng úy Thông kể, do điều kiện CATP chưa có nơi huấn luyện những môn này, vậy là mỗi lần tập, đơn vị phải mượn một góc SVĐ Chi Lăng. Thời gian còn học ở Trường ĐN, Bộ CA, khi học môn chống sào vượt vật cản, trong chương trình chỉ huấn luyện cho vượt qua mức tối đa là 3,9m. Nhưng ở “thao trường” sân Chi Lăng, do bức tường cao tới 7,4m, không còn cách nào khác, anh em phải vượt bằng được qua độ cao “kỷ lục” này. Lại nói về cây sào dùng để chống đưa người vượt vật cản, ngay cả Trường ĐN
Mồ hôi đổ trên thao trường để có sự thành công trong luyện tập. Nhưng cũng có lần do trời mưa trơn trợt, hạ sĩ Lưu Thanh Quý của đội đã trượt chân rơi xuống gãy tay, mới thấy thao trường không chỉ đổ mồ hôi mà còn đổi bằng xương máu. Lại nói về môn dùng dây để tiếp cận mục tiêu từ trên cao, trong bài tập dựa theo phương án thả mình tiếp cận mục tiêu từ trên máy bay trực thăng xuống đất. Ở bài tập này, người tiếp cận mục tiêu cũng phải mang nặng, thường độ cao phải từ 20-30m, và nơi tập của đội cũng là mượn một ban công nhà cao tầng (hơn 25m so với mặt đất). Đã thế, điểm cần tiếp cận của mục tiêu lại là một cầu thang quanh co, địa hình gồ ghề, khúc khuỷu. Bài tập bắt đầu, lệnh được phát ra: “Dưới gầm cầu thang, nhóm đối tượng khủng bố đang cố thủ, tổ CSĐN phải nhanh chóng tiếp cận mục tiêu từ trên cao khống chế chúng...”. Đây là bài tập đòi hỏi người lính phải rèn luyện thành thục, tinh thông từ võ thuật, bắn súng, đến rèn luyện sức khỏe đảm bảo cơ động nhanh, chính xác, làm chủ được tình thế ngay từ khi xuất phát tiếp cận mục tiêu...
Thiếu tá Thân Văn Tín cho biết, ngay từ khi thành lập lực lượng CSĐN, sau khi kết thúc khóa huấn luyện 3 tháng, hằng năm vẫn duy trì công tác huấn luyện bồi dưỡng trong nhiều đợt. Nhiều CBCS đã đạt thành tích xuất sắc trong huấn luyện được UBND TP, Giám đốc CATP khen thưởng, đặc biệt trong đợt huấn luyện, diễn tập phương án chống khủng bố, giải thoát con tin (KB-CH07), năm 2007, toàn đội đã đạt kết quả rất cao.
Dù thao trường có phải vất vả, đổ mồ hôi và cả xương máu, nhưng lực lượng CSĐN vẫn hăng say rèn luyện, bởi tất cả xác định, những gian khổ ở thao trường sẽ giúp các anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, ngành và nhân dân giao phó...
Hồng Thanh - Anh Tuấn
(còn nữa)