Chuyện của “Thành bụi” (Kỳ 1: Chuyến từ thiện để đời của cậu bé mồ côi)
Mồ côi mẹ lúc 12 tuổi, Đoàn Chí Thành (quê Phước Ninh, Nông Sơn, Quảng Nam) cùng 5 anh chị em thực sự trải qua tuổi thơ dữ dội: Nương tựa trung tâm trẻ em đường phố. Nhưng là cậu bé biết nuôi chí lớn, hiện tại ở tuổi 29, Thành đã trở thành ông chủ một Cty, quản lý 40 nhân viên có mức thu nhập 10-20 triệu đồng/tháng/người. Điều nhiều người nể Thành là chỗ, không ít nhân viên cậu đào tạo, giúp đỡ từng có tuổi thơ khốn khó như mình.
Thành trên chiếc xe Minsk đi từ thiện xuyên Việt năm 2012. |
“Thành bụi” - Tôi quen gọi cậu ấy thân thương như vậy. Nick facebook của mình Thành cũng lấy tên này. Bụi ở chỗ, đầu tóc Thành lúc cột búi chớm vai, khi thì cạo trọc như bình vôi và ngày lại ngày rong ruổi trên những chiếc mô-tô độ độc. Tôi phục Thành. Cộng đồng, xã hội cũng dành cho Thành ngàn lời cảm ơn khi cậu thực hiện những chuyến từ thiện dọc khắp đất nước hình chữ S này. Cơ duyên để tôi gặp được Thành xuất phát từ lời giới thiệu của một người chị. Chị bảo, em ghi lấy số điện thoại rồi gọi ngay cho cậu thanh niên tên Thành, từng là trẻ mồ côi, nhưng lớn lên làm được những chuyện công đức để đời.
Rồi tôi hẹn gặp Thành, cà-phê, nghe cậu kể chuyện khởi nghiệp bắt đầu từ những đồng lời bán vé số, lượm bóng tennis. Thời đó, Thành 15 tuổi, bươn chải khắp ngõ ngách, phố xá Đà Nẵng, TPHCM. Tiền kiếm được gần như Thành không dám hưởng bữa cơm ngon mà để nuôi ống tiết kiệm. Năm này tháng nọ lang thang trên phố, gặp chủ tiệm sửa xe máy, ô-tô, cuối cùng Thành quyết đổi nghề. Từ cậu bé suốt ngày làm việc vặt, Thành trở thành một thợ giỏi, dù chỉ mày mò qua các thợ chính của tiệm sửa xe. Các ông chủ nơi Thành từng đầu quân rất thích cậu bởi sự thông minh, tháo vát. “Em nghĩ rồi cũng đến lúc phải có một cái nghề cố định, nên quyết định dùng hết tiền tích cóp được từ bán vé số và công phụ ở tiệm sửa xe vào trường học bài bản. Sau khóa học với nhiều trải nghiệm tốt, em tiếp tục đầu quân làm thợ, kiếm từng đồng, tiếp thu thêm kiến thức, kỹ năng cho nghề” - Thành kể.
Thành làm từ thiện và chung vui cùng trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ Quảng Bình. |
Hơn 5 năm phiêu bạt nơi đất khách quê người, Thành quyết định trở lại Đà Nẵng năm 21 tuổi. Nơi Thành đầu quân là hãng ô-tô Hyundai với công việc nhân viên kỹ thuật. Đồng lương Thành hưởng lúc đó có thể nói là rất khá, nhưng vốn muốn tự lực xây dựng cơ đồ riêng, Thành dùng gần 100 triệu đồng tích cóp được ra ngoài mở một tiệm sửa xe tại Q. Liên Chiểu. Một phần trời thương, phần có duyên, lúc nào tiệm sửa xe máy, ô-tô hỗn hợp của Thành cũng đông khách. Rồi chuyện Thành là ông chủ một garage chuyên về điện, máy, gầm, phần mềm ô-tô thuê tại 402 đường 2-9 Đà Nẵng khiến bạn bè một thời lăn lộn bán vé số với cậu giật mình. Địa chỉ ấy, lúc nào cũng có 6-8 nhân viên được Thành trả lương ổn định mỗi tháng 3-4 triệu đồng.
Đến đầu tháng 8-2012, Thành giao hết việc tại garage cho nhân viên rồi cùng một người bạn thân vào TPHCM, bắt đầu thực hiện một ước mơ cậu ấp ủ từ nhỏ: Làm từ thiện. Thành kể: “Ngày nhỏ ở trung tâm đường phố, vài ngày lại có các cô, các chú đến tặng bánh, quà từ thiện cho em. Mỗi lần như vậy, em ước gì lớn lên có điều kiện, sẽ có những chuyến mình tặng quà cho các em trẻ mồ côi, có hoàn cảnh như mình. Cuối cùng điều ước của em cũng thành hiện thực với một chuyến đi để đời: Xuyên Việt làm từ thiện, sau khi quyết định không đổi chiếc xe mô-tô cũ để mua xe mới”.
Thành làm từ thiện tại Trung tâm nuôi dạy trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tại Đà Nẵng. |
Với kinh phí hàng chục triệu đồng tự túc, Thành cùng người bạn thân đã rong ruổi trên chiếc xe Minsk cũ đến từng trại trẻ mồ côi, trung tâm trẻ em đường phố, người neo đơn trao tặng những phần quà là cân đường, hộp sữa, tập viết, ký trái cây… Điểm đến đầu tiên của Thành là một trung tâm trẻ mồ côi ở Vũng Tàu. Sau thăm hỏi, tặng quà, buổi vui chơi, múa hát tập thể cùng các em nơi đây kéo dài đến nửa đêm. Dù mệt đừ, xong cả Thành cùng các em và cán bộ trung tâm ai cũng vui khi biết rõ quá khứ của Thành và chuyến đi đầy ý nghĩa em đang thực hiện. Rời Vũng Tàu, điểm đến tiếp theo Thành lựa chọn là Cô nhi viện Mằng Lăng, xã An Trạch, H. Tuy An, tỉnh Phú Yên. Là vùng sâu của tỉnh đang nuôi dưỡng hàng chục trẻ em nghèo, khó khăn chồng chất. Hằng ngày, các sơ phải đi cấy lúa thuê, kiếm tiền nuôi trẻ. Được cái cháu nào cũng chăm ngoan, lễ phép. Nhận những món quà, nghe Thành kể về câu chuyện của mình, các em rất chăm chú lắng nghe. Nhiều em cũng ước, lớn lên sẽ đi làm kiếm tiền làm những việc có ích cho xã hội.
Cứ thế, trên dải đất hình chữ S, Thành cùng người bạn đã ghé hàng chục địa chỉ như vậy. Thấy hành trình của Thành trên facebook, rất nhiều bạn trẻ trong nhóm yêu thích xe Minsk, 67… cũng đã xin tham gia. “Từ Nam ra Bắc, trung bình mỗi tỉnh chỉ khoảng 1-1,5 triệu đồng để mua quà bánh kẹo, sách vở, đường sữa cho các em nhỏ, cụ già neo đơn thôi anh ạ, nhưng mỗi nơi đều ghi dấu ấn. Nhìn mọi người sống, sinh hoạt khó khăn, mỗi nơi đến em lại chụp hình rồi viết thông tin đưa lên trên trang mạng xã hội với hy vọng các địa chỉ ấy sẽ nhận được sự hỗ trợ từ nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện xã hội. Thật lòng, đó là chuyến từ thiện để đời, em không bao giờ quên được” - Thành nói.
Thành chung vui cùng trẻ em ở Mằng Lăng (Phú Yên). |
Cũng sau chuyến đi ấy, Thành say mê làm từ thiện hơn. Thành cho tôi xem cuốn album cả ngàn tấm với những kỷ niệm ghi lại được từ những lần làm từ thiện trên khắp mọi miền đất nước. Thành bảo, mỗi lúc đồng bào miền Trung gặp thiên tai, bão lũ, dù trung tâm hay vùng sâu vùng xa, Thành lại trích tiền túi, kêu gọi bạn bè trong nhóm xe Minsk, 67, xe cổ quyên góp mua quần áo, gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm khác người dân đang cần lúc hoạn nạn đến tận nơi chia sẻ. Ngày thường, dăm bữa nửa tháng Thành lại cùng nhóm bạn thăm Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Hòa Hải (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), Làng Hy Vọng… Mỗi lần hay tin Thành sẽ đến chỗ này, chỗ kia làm từ thiện trước vài ngày, hàng chục tấm lòng khác lại quyên góp tiền mua sữa, quần áo... rồi nhập nhóm…
(còn nữa)
Phóng sự: CÔNG HẠNH