Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện đá và đời

Thứ hai, 05/03/2018 21:18

Linh mục An-tôn Nguyễn Trường Thăng sinh năm 1942, tại An Ngãi Tây, Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng, thụ phong Linh mục ngày 21-12-1971. Từ năm 1975 đến 2012 ông lần lượt là Quản xứ Trà Kiệu, Quản xứ Chính tòa Đà Nẵng, Quản xứ Thanh Bình, Hạt trưởng Hạt Đà Nẵng,  Quản xứ Hội An, Hạt trưởng Hạt Hội An. Ông mất ngày 7-1-2018.  Lưu dấu Chămpa (*) là tập sách sưu tập và biên soạn do LM An-tôn thực hiện trong khoảng thời gian cuối cùng của cuộc đời ông.

Bìa sách Lưu dấu Chăm-pa. 

Từng biết Linh mục Nguyễn Trường Thăng đã lâu, từ thời ông còn Quản xứ Trà Kiệu (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), nhưng mãi đến khi ông về  Quản xứ Thanh Bình, Hạt trưởng Hạt Đà Nẵng (1998-2006) tôi mới có dịp nhiều lần ghé thăm ông. Ngoài niềm đam mê nghiên cứu về văn hóa Chămpa, ông cũng dành thời gian nghiên cứu về văn hóa nghệ thuật, lịch sử và mọi lĩnh vực liên quan đến quê hương đất Quảng. Do vậy, mỗi lần được gặp gỡ, chuyện trò với ông, tôi luôn hào hứng bất ngờ trước những câu chuyện của ông với biết bao điều hay, mới lạ.

Câu chuyện của đá

Những lần đến thăm ông, tôi may mắn được ông giới thiệu thưởng ngoạn những bộ sưu tập đá kiểng khá độc đáo, quý hiếm mà ông đã bỏ công sưu tập trong nhiều năm. Cha Thăng cho biết, phần lớn bộ sưu tập đá được hình thành ở giai đoạn quản xứ Trà Kiệu (1975-1989), qua quá trình nghiên cứu về văn hóa Chămpa. Về sau, trong nhiều cuộc triển lãm của Hội Sinh vật cảnh tại Đà Nẵng, những bộ sưu tập của ông tham dự  từng được nhiều huy chương và luôn thu hút sự chú ý giới thưởng ngoạn. Điều thú vị là trong số các bộ sưu tập gồm nhiều khối đá cảnh với hình dạng tự nhiên, phong phú, nhiều người khá bất ngờ khi nhận ra bộ chân dung danh nhân, với những nét sống động tạo nên những gương mặt quen thuộc gần gũi như: Chúa Giêsu, nhạc sĩ Mozart, nhạc sĩ Văn Cao, kiến trúc sư Kazik... Để thuận lợi cho người thưởng ngoạn trong việc đối chiếu, so sánh, bên cạnh mỗi chân dung bằng đá, linh mục Thăng luôn kèm theo một chân dung nhỏ (tượng, hoặc ảnh) có nét mô phỏng tương tự của nhân vật được đặt tên. Theo ông,  chơi đá cảnh và nhất là chân dung đá cảnh, phải có thời gian chiêm nghiệm, lắng nghe ngôn ngữ của đá, thì mới hiểu ra cái ý nghĩa lạ lùng của đá. Việc "lắng nghe" ấy, có khi diễn ra một thời gian rất dài, có khi xảy ra trong chớp nhoáng. Chẳng hạn, vào khoảng năm 1999, một người bạn đem đến nhờ linh mục Thăng xem vài khối đá nhỏ, đầu tiên ông không mấy thích thú, nhưng chỉ 5 phút sau, linh mục nhận ra trong đó có chân dung nhạc sĩ Văn Cao. Thế là từ ấy, "chân dung Văn Cao" đi đến đâu cũng được trầm trồ, khen ngợi (đã triển lãm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Trong khi đó, chân dung nhạc sĩ Mozart, sau khi để một thời gian dài, ông mới nhận thấu, đặt đúng tên gọi. Kazimierz Kwiatkowski (1944-1997),  tên gọi thân mật  Kazik, là một kiến trúc sư, nhà bảo tồn người Ba Lan có nhiều đóng góp cho di sản văn hóa Mỹ Sơn, từng là người bạn thân thiết của linh mục Thăng hồi  ông còn phụ trách giáo xứ Trà Kiệu. Sau khi Kazik đột ngột qua đời, một lần ngang qua bãi truông, gặp một khối đá thô tháp có hình dạng Kazik, linh mục Thăng cảm nhận như một cuộc hội ngộ diệu kỳ với người bạn tri âm. Ông khẳng định, ở pho tượng này phía trước giống chân dung Kazik, phía sau lại giống một vị vua Chămpa.

Một bất ngờ khác, bên cạnh tác phẩm Hóa tinh thạch - một viên đá rất lạ, chúng ta sẽ thú vị khi nhìn thấy kèm theo một bức ảnh có hình dáng tương tự mang tên "Viên đá hỏa tinh Adirendack" được chụp cận cảnh từ phi thuyền thám hiểm Spirit do Nasa Hoa Kỳ công bố ngày 24-01-2004. Nhìn thoáng qua, hai viên đá này giống như là anh em sinh đôi. Tôi hỏi, phải chăng có sự liên quan nào đó từ hai viên đá này?, ông cười nói: "Chuyện đó chỉ các nhà khoa học không gian mới trả lời được. Còn tôi sở dĩ lưu giữ lại trang báo này vì thấy hai viên đá thật sự giống nhau...".

Câu chuyện lớn cuộc đời

Vào cuối tháng 6-2017, hay tin Linh mục Thăng điều trị bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, tôi đến thăm ông. Lúc này, dù bên ngoài trông gầy yếu, mệt mỏi, nhưng tinh thần ông rất lạc quan. Ông thăm hỏi nhiều anh em viết văn, viết báo mà ông quen biết. Đặc biệt, ông rất xúc động khi biết tin nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy, người khá thân thiết với ông vừa qua đời trước đó không lâu. Trong câu chuyện, ông cũng  thường nhắc lại những ký ức đặc sắc về Đà Nẵng xưa đang được nhiều người quan tâm như: Thành Điện Hải, hàng me đầu tiên ở Đà Nẵng, tên gọi Sơn Trà hay Sơn Chà?... và khuyên tôi nên dành nhiều thời gian hơn viết về các đề tài văn hóa xứ Quảng.

Linh mục Thăng cho biết, lúc này ông đang quyết tâm chạy đua với thời gian để hoàn thành tập sách "Lưu dấu Chămpa", một tập sách tập hợp  những hình ảnh về các cổ vật Chămpa mà ông bỏ công đeo đuổi nghiên cứu, sưu tập gần như suốt một đời. Ông nói: "Đó là cuốn sách của đời tôi, câu chuyện lớn của đời tôi. Tôi không tham vọng nhiều, mà qua cuốn sách tôi chỉ mong những người yêu văn hóa Chăm có thể hiểu thêm một thời kỳ huy hoàng của kinh thành trong lịch sử".  Ông kể, vào năm 1975, cũng nhờ được cử về tiếp quản giáo xứ Trà Kiệu mà ông may mắn có cơ hội tiếp cận với những hiện vật cũng như tìm hiểu nhiều hơn về nền văn hóa Chămpa vốn đang bị lãng quên. Lần ấy, vào mùa hè 1979, tại các cánh đồng trong giáo xứ Trà Kiệu mọi người đang hăm hở san lấp mặt bằng, chia bờ thửa theo tiêu chuẩn mới vào giai đoạn mới với phong trào hợp tác hóa nông thôn, ông nhận được tin báo tại cánh đồng Hoàng Châu, khi cuốc đất người dân phát hiện nhiều mảnh gốm "mặt quỷ".  Đó là những đồ gốm với nhiều hình tượng đất nung tròn, bên trên khắc nhiều khuôn mặt. Nhận  biết đây là những hiện vật có liên quan đến văn hóa Chăm, cha Thăng đã nhờ người dân mỗi khi phát hiện thì giữ lại cho ông... Từ đó về sau, tại giáo xứ Trà Kiệu, linh mục Thăng thu thập được hàng loạt gạch xây thành, tháp đủ kích cỡ, ngói lợp hình mũi tên, ngói âm dương cùng hàng trăm hiện vật trang trí kiến trúc cực kỳ tinh xảo. Ông đem hiện vật về nhà thờ, đặt trang trọng trong một căn phòng rồi trưng bày theo từng chủ đề.  Năm 1985, qua các cuộc điền dã khảo cổ tại Trà Kiệu, nhóm sinh viên khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội dưới sự hướng dẫn của GS Trần Quốc Vượng đã cho công bố những thông tin đầu tiên về những đồ đất nung này. Vào những năm đó, bộ sưu tập khiêm tốn này cũng được cuốn sách du lịch của Nhà xuất bản Lonely Planet đề cập, thu hút sự chú ý không ít bạn trẻ thế giới tìm đến.

Điều may mắn, trong những giây phút cuối cùng trước khi về nước Chúa, các hiện vật  của bộ sưu tập tâm huyết ấy đã được cha Thăng kịp thời tổ chức chụp ảnh đưa vào tập sách Lưu dấu Chămpa. Đôi tay Linh mục đã đón nhận những cảm xúc cuối cùng ngay khi tập sách ấn hành hoàn tất. Ông nhắn nhủ trong lời nói đầu tập sách: "Qua cuốn sách này, tôi mong muốn những người Việt là những người thừa kế di sản nghệ thuật, văn minh, văn hóa Chămpa để họ luôn biết đoàn kết với nhau".

TRẦN TRUNG SÁNG

(*): Lưu dấu Chămpa cố đô Simhapura - Trà Kiệu Thế kỷ I đến XI (Nxb Hội Nhà văn 2017)  do Linh mục Nguyễn Trường Thăng  sưu tập và biên soạn.