Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện dạy - học ở Côn Đảo

Thứ ba, 18/11/2014 12:01

Bài 1: Ân tình người gieo chữ ở đảo xa

(Cadn.com.vn) - Tôi ra Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) công tác đúng vào những ngày biển động. Đi đâu cũng nghe xôn xao chuyện kỷ niệm 32 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Thầy trò H. Côn Đảo đang rộn ràng, tất bật chuẩn bị các hoạt động mừng ngày Tết của ngành... Có ra đảo mới hiểu, vì sao một giáo viên (GV) quê ở đất liền, gắn bó với hòn đảo này được 17 năm nói rằng, sự dạy-học ở Côn Đảo khác nhiều so với đất liền!

Một giờ học của cô - trò Trường TH Cao Văn Ngọc. Ảnh: P.T 

Quê ở Cần Thơ, từ nhỏ, cô Vương Mỹ Lan-Hiệu Phó Trường THCS&THPT Võ Thị Sáu (Côn Đảo)- đã đam mê, yêu thích địa lý, lịch sử nước nhà. Cô khát khao được góp một phần bé nhỏ vào sự nghiệp "trồng người" ở Côn Đảo- nơi điều kiện dạy-học còn nhiều khó khăn. Điều đó đã thôi thúc cô giáo 28 tuổi đang dạy tại Trường THPT Tân Phú Thạnh (Châu Thành- Hậu Giang) từ bỏ biên chế, chấp nhận ra Côn Đảo dạy hợp đồng...

Nhớ lại chuyến đi biển đầu tiên trong đời, cô Mỹ Lan không khỏi xúc động: "Đầu năm 1997, tôi lên đường ra đảo. 8 giờ sáng, tàu Đại Hải khởi hành từ Bến Ninh Kiều, đưa tôi cùng nhiều hành khách khác ra Côn Đảo. Hồi đó, tàu không có giường, hành khách phải nằm trên boong tàu. Cái cảm giác nôn nao của lần đầu tiên đi biển đến một vùng đảo xa xôi, cách biệt đất liền khiến tôi không tài nào chợp mắt. Đến 5 giờ sáng hôm sau, tàu cập cảng Bến Đầm- Côn Đảo. Một cảm giác nôn nao vỡ òa khi tận mắt chứng kiến cảnh vật nơi đây. Côn Đảo đẹp, trong lành, thanh khiết và còn hoang sơ lắm. Tình người ở đây chân chất như người miền Tây quê tôi, nên cảm giác gần gũi cũng rất nhanh.

Trường cấp 2-3 Võ Thị Sáu ngày ấy nằm đối diện với chợ Côn Đảo xây theo kiến trúc của Pháp, mái ngói rêu phong, nhìn thì có vẻ cũ kỹ nhưng thật mát mẻ!... Đến giờ, tôi vẫn không sao quên được lễ 20-11 đầu tiên ở Côn Đảo. HS được nghỉ học, tổ chức đi thăm tất cả các thầy cô trong trường. Sáng hôm ấy, tôi chưa tỉnh giấc thì nghe có tiếng gõ cửa. Mở cửa, thấy em Lưu Thị Ngọc Hằng- HS lớp 6- cầm bó hoa đồng nội đứng trước cửa, miệng cười tươi: "Em chúc mừng cô 20-11". Tôi muốn rơi nước mắt. Ngày hôm ấy, không chỉ riêng tôi, tất cả GV trong trường đều vui và... mệt, bởi được tất cả HS đến thăm, nhất là cánh GV còn độc thân, ở nhà tập thể như tôi. Quà các em mang đến ngoài hoa đồng nội còn có đường, sữa Ông Thọ. Hôm sau, ngoài việc tặng lại cho một số em có hoàn cảnh khó khăn, tôi mời các em về phòng tập thể, nấu chè, pha sữa cho các em uống. Vui không sao tả xiết!".

Tôi hỏi: "Cô là GV cấp 3 sao lại có học trò cấp 2 đến thăm?", "Hồi ấy, Côn Đảo học trò ít lắm, ngoại trừ khối 6, khối 7, mỗi khối có 2 lớp, các khối còn lại chỉ có 1 lớp thôi à! Tôi đảm nhiệm môn Địa lý từ lớp 6-12 vì hồi ấy, chỉ có duy nhất tôi là GV Địa".

Qua cô Lan, được biết, trận bão năm 1997 khiến ngôi trường cũ cũng như nhiều cơ sở vật khác trong huyện bị hư hỏng nặng. 2 năm sau, thầy trò Trường cấp 2-3 Võ Thị Sáu được chuyển về cơ sở mới cách đó không xa. Năm 2003, cô lập gia đình, đến năm 2012 được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng. Với cô Lan, 17 năm gắn bó Côn Đảo là ngần ấy thời gian đong đầy ân tình thầy trò, ấm áp tình đồng nghiệp. Chưa bao giờ cô ân hận về quyết định rời bỏ chốn phồn hoa ở đất liền để ra đây dạy học, dù rằng mỗi lần về thăm quê rất khó khăn bởi điều kiện, phương tiện.

 

Không riêng gì cô Lan, hầu hết các thầy cô giáo từ đất liền ra Côn Đảo gieo chữ đều có chung cảm nhận về tình người, tình học trò nơi đây. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hạnh (24 tuổi), quê tận Hải Dương, tốt nghiệp Trường ĐHSP Hà Nội bậc Tiểu học, qua thông tin bạn bè đã nộp đơn xin ra dạy học tại Trường TH Cao Văn Ngọc vào đầu năm 2014. Lần đầu tiên đặt chân lên Côn Đảo, Hạnh nôn nao, bồn chồn nhớ nhà. Nhưng rồi không khí trong lành, thanh khiết, phong cảnh đẹp hữu tình và đặc biệt là tính cách đôn hậu, chân tình, mến khách, học trò ngoan hiền đã giúp cô thôi cảm giác nhớ nhà, say sưa lao vào giảng dạy.

Cùng cảm nhận ấy, cô giáo Võ Thị Hòa (36 tuổi), quê Nghệ An, có chồng là bộ đội hy sinh năm 2010 trong khi rà phá bom mìn- ra Côn Đảo ra 3 năm nay với cô con gái nhỏ không sao quên được ân tình mà người dân, học trò và đồng nghiệp đã dành cho mình. "Mới đầu ra đây, nhìn thấy khung cảnh còn hoang sơ, tôi cũng buồn. Nhưng rồi tình người đã níu giữ tôi lại. Giờ thì tôi thấy yêu vùng đất này!"-cô Hòa nói...

Theo thầy Đỗ Văn Sơn- Hiệu trưởng Trường TH Cao Văn Ngọc- người gắn bó với ngôi trường từ những ngày đầu tiên thành lập sau giải phóng, trong số 36 cán bộ, giáo viên của trường, chỉ có 7 GV là người Côn Đảo, còn lại đều từ đất liền ra, chủ yếu quê Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định. Thầy Sơn tâm sự, mỗi lần có việc về thành phố công tác, ở được vài ngày, thầy lại muốn quay ra vì nhớ đất, nhớ người nơi đây…

Toàn H. Côn Đảo có 164 cán bộ, GV và 34 công nhân viên phục vụ. Trong số đó có 95 người từ đất liền ra công tác, còn lại là con em Côn Đảo sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ quay về quê hương làm việc. Trong số 95 người từ đất liền ra công tác, có 43 người có thâm niên trên 5 năm, trong đó có 18 người gắn bó với đảo từ 15 năm trở lên.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nguyễn Văn Mạnh cho biết, từ 2005 trở lại đây, số lượng GV xin trở về đất liền ngày một ít đi. Nếu trước đây, quy định: GV nữ từ đất liền ra Côn Đảo công tác 3 năm, GV nam 5 năm sẽ được về đất liền nếu có nhu cầu, thì giờ đây, quy định đó không còn nữa. GV nào muốn xin về đất liền sẽ được chấp thuận với điều kiện trường ở đất liền đồng ý tiếp nhận. Thay vào đó, chính quyền huyện có chính sách thu hút con em Côn Đảo thi đỗ vào ĐH, CĐ, học nghề trở về cống hiến cho quê hương bằng cách hỗ trợ kinh phí trong suốt thời gian theo học ĐH, CĐ, học nghề, hỗ trợ tiền tàu về quê vào dịp lễ, tết.

Trong quá trình tuyển dụng công chức, chính quyền H.Côn Đảo ưu tiên tuyển dụng con em là người Côn Đảo trước, sau đó mới tuyển dụng người từ đất liền. Và đối với GV từ đất tiền ra đảo đều có chính sách hỗ trợ ưu tiên để họ yên tâm công tác. Một lý do khác khiến GV đất liền gắn bó với Côn Đảo còn bởi GV bậc mầm non và TH phần lớn là GV nữ, sau khi ra đảo dạy học đã bén duyên rồi lập gia đình với CBCS trong lực lượng CA, quân đội, nên số người rời Côn Đảo ngày một ít đi.

Ghi chép: P.Thủy