Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện đêm xuân

Thứ bảy, 14/02/2015 11:40

(Cadn.com.vn) - 1. Có nhiều khi hiện thực và huyền thoại, hai thế giới chẳng khác nhau là mấy, ví như những ngày xuân, ngày Tết ở làng quê tôi, cái tâm thế mơ hồ lẫn lộn ấy không rời tôi một bước chân nào trên khắp những con đường làng. Nhưng nào riêng gì tôi khi  "Đá vấp bàn chân còn mộng tưởng lên trời", lúc thì như trẻ thơ chạy theo mẹ "Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon" trong thơ Tết thi sĩ Đoàn Văn Cừ mô tả, mà hình như mọi niềm hân hoan đã hợp thành một xứ, một cõi tưởng trút sạch, giũ bỏ hết mọi bụi bặm, lo toan ngày thường. Dường như bao giờ những khoảnh khắc đẹp đẽ ấy, Mẹ cũng thường hiện ra giữa bao la, lúc mơ hồ như ngọn gió trong vườn vang vọng một lời ru, lúc mỏng manh như làn khói bếp lửa chiều. Và chính vì thế mà mấy chục năm qua dẫu có xa xôi cách trở đến đâu, hễ đến mùa Tết gọi là tôi lại chạy về với làng quê thân yêu của mình!

2. Tất nhiên bây giờ thời của hiện đại, làng quê nào chẳng ít nhiều hóa phố, dẫu là vùng sâu vùng xa thì chí ít cái chợ xép đầu làng cũng hơi hướm chút màu phố thị. Vậy mà, chỉ lay phay ngọn gió chớm xuân thổi qua đồng bãi, rực vàng hoa bí, hoa cải, hoa dưa... là cái không khí ngày xưa hiện ra gần như nguyên vẹn. Chưa kể đến những nô nức sắp sửa cho hội hè đình đám, mỗi cái mùi hương nếp làng trên xóm dưới đổ ra phơi phong chuẩn bị gói bánh, đổ bánh, in bánh cũng đã tưng bừng lắm rồi! Những bàn tay guộc gầy của mẹ, của chị, ngày ngày lam lũ đồng sâu gánh cạn phút chốc bỗng hóa thành tay ngọc tay ngà, thi thố nhau tài khéo tay của từng người qua từng loại bánh trái.

Tết ở quê không như ở phố, thứ gì cũng phải mua. Người khá giả chỉ một vòng siêu thị đã có một cái Tết no say; người nghèo chiu chắt từng đồng bạc lẻ đẫm mồ hôi ngày 30 Tết cũng bươn bả ra phố chợ  sắm sanh mấy thứ quà mọn cho ba ngày Tết. Tết quê không như thế. Có cái Tết ngồi nhìn các mẹ các chị thoăn thoắt đôi tay gói bánh, lúc chuyện trò say sưa, tôi cao hứng ví von: Tết ở quê đúng là cái Tết... thi ca, liền bị các chị "xí" dài cho là vẽ vời, sến sẩm. Bí quá, tôi đem câu chuyện ngày xưa nói về thi sĩ Lưu Trọng Lư đến hầu chuyện thơ với Tản Đà tiên sinh và được ông chỉ giáo: "Thơ cũng như nếp và nhân, cái thể thơ người làm ra là như lá gói bên ngoài. Nếu nó dài thì gọi là bánh tét, và nếu nó vuông thì gọi là bánh chưng". Người xưa dạy thế có khác gì ngợi ca bàn tay mẹ, tay chị vo nếp... thành thơ! Và đấy là câu chuyện tôi góp vào cho thêm huyền thoại... "nghìn lẻ một đêm", cho Tết càng thêm Tết!

Nhưng có lẽ đẹp nhất, huyền thoại nhất thường bao giờ cũng bắt đầu từ cái ánh lửa của các mẹ, các chị nhen nhúm ngoài góc sân nhà, bắc nồi bánh to đùng lên, và đêm xuống. Từng nhà lo quét dọn, lau chùi, trang trí, đánh bóng chiếc lư, bộ đèn, bày cỗ bàn ngũ quả trên bàn thờ gia tiên. Rồi nhà này thiếu ít đậu, ít đường lại lục cục  sang xin nhà hàng xóm cho đủ cái bánh sau cùng. Rồi tiếng í ới gọi rủ nhau đôi ba nhà trong xóm chia chung con heo thịt, cũng có khi người nhà này chạy qua nhà kia, lấy cớ mượn thứ này, thứ khác rồi sa đà quanh bếp lửa nấu bánh mà rôm rả chuyện thâu đêm suốt sáng. Mọi mâu thuẫn xích mích ngày thường đều được xí xóa. Tất cả đều tình yêu, tất cả đều cổ tích, tất cả đều như quên đôi bàn chân trần ngày ngày đạp trên mặt đất gập ghềnh, để vỡ òa nỗi háo hức của những trái tim phập phồng bởi một thứ men say kỳ diệu do mùa xuân ban phát.

Tết này, làng tôi, vẫn những ánh sáng đẹp đẽ ấy nhưng lại góp thêm vào một câu chuyện mới và đẹp, cho dù đây không phải là lần đầu những đứa con lưu lạc xa quê trở về thăm làng. Họ trở về, đứng ra xây dựng đường sá, cầu cống, trạm xá, lớp học... góp bao công việc cho xứ sở làng quê. Xong, họ lại lặng lẽ ra đi, chỉ để lại câu chuyện đẹp như câu chuyện cổ tích, một tiếng ngân vang lắng sâu vào lòng người và sẽ ở lại mãi trong lòng làng quê này... Và rồi cái đêm xuân ấy, ngồi quanh nồi bánh chưng nước réo sôi, ánh lửa sáng rực rỡ soi hồng từng gương mặt, những câu chuyện mùa Xuân xưa, mùa Xuân nay cứ miên man như không có hồi kết cuộc.

Tùy bút: Nguyễn Nhã Tiên