Báo Công An Đà Nẵng

Chuyến đi chưa tới

Thứ hai, 21/06/2021 21:59

Đó là chuyến đi mà đến bây giờ, tôi và các đồng nghiệp vẫn còn rùng mình mỗi khi nghĩ tới, chuyến đi mà chúng tôi rất tiếc vì đã cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa đến đích.

 

Một góc Phước Lộc nhìn từ trực thăng cứu trợ.

   

Cuối tháng 10-2020, khi thảm nạn sạt lở núi xảy ra tại xã Trà Leng, H. Nam Trà My (Quảng Nam) đã hút hầu hết những phóng viên “chinh chiến” của các cơ quan báo chí thì khi vụ việc tương tự xảy ra tại xã Phước Lộc, H. Phước Sơn cũng của Quảng Nam, nhiều tòa soạn đã không đủ quân để chi viện trong bối cảnh phải tiếp cận hiện trường một cách nhanh nhất. Những hình ảnh tang thương tại Trà Leng được cập nhật liên tục nhưng Phước Lộc thì chưa thể do chưa có bất cứ một phóng viên nào có mặt. Ngay cả đoàn công tác của sở chỉ huy tiền phương thực hiện nhiệm vụ cứu nạn của tỉnh Quảng Nam lập tại xã Phước Công, chỉ cách Phước Lộc khoảng 20km cũng phải rút lui khi đêm xuống mà mưa lũ chưa có dấu hiệu dừng lại.Những quả đồi, những đoạn đường chực chờ sập xuống vực bất cứ lúc nào.

Ngày 29-10-2020, khi đăng ký và chờ để được đi theo máy bay của Sư đoàn 372 (Quân chủng Phòng không- Không quân) nhưng chưa thể thực hiện do thời tiết quá xấu, tôi nhanh chóng từ Đà Nẵng lên Phước Sơn để cùng các đồng nghiệp theo chân đoàn cứu nạn cắt rừng, băng suối, tìm cách tiếp cận Phước Lộc. Là người con của núi rừng Phước Sơn, ông Nguyễn Mạnh Hà- Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam, người trực tiếp chỉ huy phương án tiếp cận, cứu nạn người dân vùng sạt lở yêu cầu phóng viên bỏ lại những gì không cần thiết và phải theo sát chân bộ đội làm công tác trinh sát địa hình để tránh các tình huống nguy hiểm.

Bộ đội dẫn phóng viên qua một vách núi dựng đứng trên đường vào Phước Lộc.

Dù được cảnh báo là chặng đường gian nan nhưng chúng tôi không thể ngờ con đường hàng ngày đồng bào nơi đây đi lại đã bị xé nát, biến dạng, đứt gãy, một bên là những quả đồi đã ngậm no nước, bên còn lại là vực sâu nước sông chảy gầm gừ. Trong khi chờ bộ đội đóng cọc, chăng dây thừng, mở lối để đoàn trườn qua một vách núi cheo leo, một cán bộ xã Phước Công dặn anh em phóng viên: “Bám lấy dây thừng mà bò, chứ sẩy chân cái là mai mới rơi tới dưới đó. Ai yếu chân, nặng bụng thì quay lại cũng được”. Vài người ở lại, còn đoàn vẫn tiếp tục đi. Có đoạn hàng giờ mới nhích được mấy trăm mét. Tưởng qua được suối, cắt được đồi rồi đi đường bằng thì đỡ, ai ngờ bỏ chân xuống những đoạn sình lầy thì đá dăm, bê-tông của con đường đứt gãy chèn chặt mắt cá chân rút lên không được, càng cố nhấc lên thì càng lún xuống, đau chảy nước mắt. Nhiều đoạn đường rừng hằng ngày bà con qua lại bị vùi lấp, những cầu cống bị nước lũ cuốn phăng, những hàm ếch khổng lồ tạo ra bên ta-luy âm của con đường huyết mạch đã bỏ lại rất nhiều phóng viên ở phía sau. Chúng tôi vẫn cố bám theo đoàn cứu hộ, cứu nạn đến khi nào còn có thể.

Vừa đi vừa nghỉ, vừa nghe ngóng những thông tin từ thôn 6 tang thương của xã Phước Lộc thông qua điện thoại vệ tinh mà đoàn cứu nạn liên lạc với lãnh đạo xã. Đã có tất cả 13 mạng người, bao gồm cả cán bộ xã và người dân bị vùi lấp sau trận lũ ống, sạt lở đất kinh hoàng. Người địa phương trong trạng thái bị chia cắt, lương thực cạn kiệt đã cố gắng cùng nhau bới đất tìm được 5 thi thể, số còn lại vẫn đang nằm dưới lớp đất dày hàng mét. Có những đứa trẻ mất cha mẹ, có người chồng phải tự tay đóng quan tài để lo hậu sự cho vợ. Tất cả đều thôi thúc chúng tôi bằng mọi giá phải tiếp cận hiện trường.

Cách hiện trường vài giờ đi bộ nữa, chúng tôi đã bắt đầu định hình phải làm sao để có tin tức, hình ảnh về tòa soạn một cách nhanh nhất khi không có sóng điện thoại. Sau khi nghỉ ngơi và ăn tạm lương khô, đoàn chúng tôi chỉ còn lại khoảng 5 phóng viên đứng xách ba lô lên để tiếp tục hành trình thì ông Nguyễn Mạnh Hà thông báo cả đoàn nhanh chóng… quay trở lại! Tất cả đều chưng hửng. “Sắp tới mới là đoạn đường nguy hiểm nhất. Hôm qua một mũi công tác khác đã đến được suối Nước Mắt, còn gần hơn cả chúng ta nhưng cũng buộc phải rút lui. Mưa sẽ còn nhiều, núi sẽ còn lở, nếu cố vào chúng ta có thể gặp nguy hiểm. Không thể để đoàn cứu nạn phải chờ cứu nạn được. Ta chắc chắn sẽ vào với Phước Lộc, nhưng không phải hôm nay”, ông Hà cương quyết.

Chúng tôi lầm lũi trở về, người mệt mỏi mà lòng nặng trĩu suốt cả chặng đường “hành lộ nan”. Chặng đường vốn đã làm cả đoàn mệt nhoài càng như cực hình. Trời chiều xuống, chúng tôi chạy đua với những cơn mưa rừng, vẫn là những đoạn đường đứt gãy, những khối đất đá khổng lồ chắn ngang lối đi hay vách núi cheo leo trơn trượt nhưng bước đi gấp gáp hơn.

Ra đến bìa rừng thì mới hay tin quả đồi sát nhà điều hành thủy điện Đắc Mi 2 nằm trên đường vào Phước Lộc, ngay điểm chúng tôi nghỉ chân đã ụp xuống, nhiều đoạn đường bị cuốn phăng xuống sông, máy bay cứu trợ, cứu nạn của Sư đoàn 372 đã lên phương án cất cánh từ Đà Nẵng cũng phải hoãn. Nếu ráng đi vào, chúng tôi đã có thể bị cô lập lại giữa rừng. Và trong hiệu ứng sạt lở núi xảy ra liên tục tại Nam Trà My, Phước Sơn, không biết điều gì sẽ xảy ra. Quyết định của lực lượng làm nhiệm vụ cứu trợ, cứu nạn có thể nói đã tránh cho cả đoàn một mối nguy hiểm, dù ai cũng biết chậm một ngày là người dân Phước Lộc càng đối mặt thêm với những khó khăn.

Cho đến bây giờ, không có phóng viên nào có mặt ở Phước Lộc để chụp được những bức ảnh vào ngày biến cố xảy ra, kể cả sau đó hàng chục ngày. Một vài tấm hình ít ỏi do người dân, cán bộ xã chia sẻ cho anh em phóng viên được xem là tư liệu quý, nhưng không đủ để ghi lại cảnh tang thương, đau đớn ở mảnh đất bình yên trước khi thiên tai quét qua. Chúng tôi vẫn nợ Phước Lộc, cho dù bây giờ nỗi đau ấy đang dần nguôi ngoai khi mầm sống được tái sinh. 

ĐÔNG A