Báo Công An Đà Nẵng

Chuyến đi "nặng gánh" của Thủ tướng Nhật

Thứ tư, 18/04/2018 13:50

Ngày 17-4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên đường đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của Tổng thống Donald Trump tại thị trấn Palm Beach, bang Florida bắt đầu chuyến thăm Mỹ 2 ngày. Đây được xem là chuyến đi "nặng gánh" của nhà lãnh đạo Nhật. Ông Abe cần một chiến thắng về mặt chính sách trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ông trong nước sụt giảm và Tokyo đang ở thế bị gạt ra ngoài lề trong vấn đề Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân rời sân bay Haneda đến Mỹ. Ảnh: CNN

Chuyến đi của Thủ tướng Abe diễn ra trong bối cảnh ông đang bị người dân trong nước phản đối. Hàng chục ngàn người cuối tuần qua đã tập trung biểu tình trước tòa nhà Quốc hội Nhật Bản để kêu gọi Thủ tướng Abe từ chức sau vụ bê bối bán đất công liên quan đến vợ ông. Sau khi sự việc được chính thức "khui ra" vào tháng 3 năm nay, ông Abe khẳng định ông và vợ không dính dáng đến vụ mua bán này cũng như không tác động Bộ Tài chính để sửa đổi tài liệu.

Tỷ lệ ủng hộ giảm mạnh

Theo thăm dò gần đây của tờ Kyodo News, tỷ lệ ủng hộ ông Abe giảm 5,4% xuống mức 37%, mức thấp thứ hai kể từ cuộc bầu cử năm 2012. Mặc dù không có nhiều thách thức chính trị đối với đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của ông Abe nhưng quyền lực của nhà lãnh đạo này trong đảng có thể bị giảm sút. Cuộc thăm dò gần đây cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Abe tiếp tục lãnh đạo LDP giảm xuống 18,3%, đây là lần đầu tiên tỷ lệ này giảm xuống dưới 20%.

Áp lực từ bên trong LDP và cử tri đặt ra câu hỏi liệu ông Abe có thể giữ vững vị trí thủ tướng được không. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi hôm 16-4 thậm chí cho rằng,  ông Abe có thể sẽ từ chức vào tháng 6 tới.

Thực tế, kể từ khi nắm giữ vị trí thủ tướng vào năm 2012, ông Abe đã sử dụng vấn đề an ninh làm chìa khóa để gia tăng "sự hấp dẫn" của ông. Phản ứng mạnh mẽ của ông đối với các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử trong cuộc bầu cử sơ bộ hồi năm ngoái. Chiến thắng trong cuộc bầu cử dường như chỉ rõ con đường cho ông Abe đẩy mạnh mục tiêu lâu dài, thay đổi hiến pháp sau Thế chiến II cho phép Lực lượng Phòng vệ (SDF) Nhật Bản phát triển các khả năng tấn công đáng kể.

Tuy nhiên, con đường này của ông Abe dường như đã bị trắc trở.

Mối lo từ Triều Tiên

Nhật đang có vai trò mờ nhạt trong các diễn biến ngoại giao gần đây liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Lãnh đạo Triều Tiên đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3, sẽ hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27-4 và dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Trump cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Nhưng khả năng ông Abe gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên vẫn chưa được đề cập đến. Duncan Innes-Ker, Giám đốc nghiên cứu Châu Á của tổ chức nghiên cứu và tư vấn EIU thuộc tạp chí Economist nhận định, uy tín của Thủ tướng Abe bị ảnh hưởng giữa những thách thức gần đây.

 Nhà báo chính trị kỳ cựu Takao Toshikawa ở Tokyo cho rằng, nhiệm vụ tức thì của Thủ tướng Nhật là tận dụng khoảng thời gian gặp trực tiếp ông Trump để xoa dịu những nỗi lo lắng Mỹ sắp sửa giảm nhẹ quan hệ đồng minh với Tokyo vì những ưu tiên khác. Ông Abe sẽ phải tiếp tục thuyết phục Mỹ "tái khẳng định liên minh Mỹ - Nhật là nền tảng của hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".

Về vấn đề Triều Tiên, ông Abe hạ quyết tâm không để Nhật  đứng bên lề trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều dự kiến sắp tới. Thủ tướng Nhật cũng cần  đề cập với Tổng thống Mỹ về các tên lửa tầm ngắn cũng như những mối lo từ Bình Nhưỡng, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ của Washington trong việc giải quyết vấn đề hồi hương các công dân Nhật Bản từng bị Triều Tiên bắt cóc cách đây hàng chục năm.

Bên cạnh đó, Tokyo cũng thông báo sẽ trang trải chi phí cử các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến kiểm tra các cơ sở hạt nhân tại Triều Tiên. Chiến thuật trên cho phép Nhật Bản duy trì vai trò của mình trên chính trường quốc tế đối với Triều Tiên. "Rõ ràng trong bối cảnh này, ông Abe thực sự cần một chiến thắng", Innes-Ker khẳng định khi nói về cuộc gặp giữa hai lãnh đạo Mỹ-Nhật.

Thỏa thuận thương mại

Ông Duncan Innes-Ker cho rằng, "không có nghi ngờ gì" rằng, ông Abe đã bị tổn thương do vụ bê bối đang diễn ra. "Với bối cảnh này, ông Abe rất cần một chiến thắng", ông nói. "Thủ tướng Nhật sẽ tìm cách mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư công bằng giữa Mỹ và Nhật Bản", ông Innes-Ker  nhận định.

Ông Abe có khả năng sẽ thuyết phục ông Trump đưa ra những nhượng bộ về vấn đề thép và nhôm bởi Tokyo hiện không được hưởng quy chế miễn trừ thuế đối với mặt hàng nhôm và thép từ Mỹ. Vấn đề Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được ông Abe đề cập. Trước đó, ông chủ Nhà Trắng chỉ đạo các quan chức cấp cao xem xét việc tái gia nhập TPP vừa được 11 nền kinh tế còn lại ký kết với tên mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) - điều mà Tokyo quả quyết là rút ra thì dễ nhưng quay lại rất khó. Ông Abe sẽ bày tỏ hoan nghênh nếu Mỹ tái tham gia TPP bởi lẽ, ông muốn tiếp tục cùng Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế thế giới và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dựa trên con đường thương mại tự do và công bằng.

AN BÌNH