Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện đi và ở

Thứ bảy, 20/09/2014 09:21

(Cadn.com.vn) - Scotland chính thức ở lại với Vương quốc Anh khi kết quả trưng cầu dân ý cho thấy, 55,3% số người không đồng ý “ra đi”.

Scotland trở thành tâm điểm thế giới trong nhiều ngày qua quanh câu chuyện đi và ở này. Và mọi việc được định đoạt sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý lịch sử: Scotland vẫn là một phần của Vương quốc Anh - cùng với Anh, xứ Wales và Bắc Ireland.

Theo kết quả kiểm phiếu cuối cùng công bố ngày 19-9, 55,3% cử tri Scotland bác bỏ việc tách khỏi Vương quốc Anh trong khi chỉ có 44,7% cử tri muốn ra đi, chính thức mở đường cho việc chuyển giao nhiều quyền lực hơn từ chính quyền London. Trong cuộc trưng cầu dân ý lần này, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt mức kỷ lục 84,6%, vượt qua kỷ lục 84% được ghi nhận trong cuộc tổng tuyển cử Anh năm 1950.

Niềm vui...

CNN cho rằng, kết quả này cũng  giúp giảm nguy cơ Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU). Bởi lẽ, người dân Scotland đa số vẫn muốn ở lại với EU, so với phần còn lại của Vương quốc Anh, vốn phần lớn muốn ra khỏi EU.

Thủ tướng Anh David Cameron hoan nghênh quyết định của Scotland trong tuyên bố trên truyền hình bên ngoài Tòa nhà số 10 Phố Downing, khẳng định, “Đó là kết quả rõ ràng. Cũng giống như hàng triệu người khác, tôi rất vui mừng”, ông nói. Thủ tướng Cameron bày tỏ, trái tim ông chắc chắn sẽ tan vỡ nếu Vương quốc Anh bị tan đàn xẻ nghé.

Tuy nhiên, ông cũng không quên ve vãn những cử tri muốn độc lập. “Chúng tôi hiểu các bạn”, ông nói, đồng thời cho rằng, đây là cơ hội để thay đổi cách Vương quốc Anh nắm quyền điều hành và “thay đổi để tốt hơn”. Để làm an lòng “những người thất bại”, ông Cameron cho biết.

London sẽ cùng đàm phán với đảng Dân tộc Scotland (SNP) về việc chuyển giao thêm quyền lực cho Scotland. “Tôi vừa nói chuyện với Thủ hiến Scotland Alex Salmond và rất vui khi SNP sẽ cùng đàm phán về việc trao thêm quyền lực cho Scotland”, Thủ tướng Anh viết trên Twitter.  Bên cạnh đó, ông Cameron cũng kêu gọi sự đoàn kết và tiến lên phía trước”.

Thủ hiến Scotland Alex Salmond cũng ra tuyên bố thừa nhận thất bại trong chiến dịch đòi độc lập trên đài truyền hình và kêu gọi phần còn lại của Scotland làm đúng như kết quả. Ông cảm ơn “hơn 1,6 triệu phiếu bầu cho độc lập của Scotland” trong cuộc bầu cử có tỷ lệ cử tri đi bầu cao nhất trong thế giới dân chủ.

 ... và nỗi buồn sau câu chuyện đi và ở lại Vương quốc Anh của người Scotland. ẢNH: AFP/GETTY IMAGE

Thị trường phản ứng tích cực với kết quả này. Đồng bảng Anh lần đầu tiên trong 2 năm qua “đánh bại” đồng EUR. Chỉ số FTSE 100 cũng tăng điểm lên 0,7% đạt mức 6.860. Tại thị trường thương mại Châu Á, đồng bảng Anh tăng 0,43% và đổi được 1.2743 EUR, trước khi giảm nhẹ trở lại. Ngân hàng Anh bây giờ có thể đẩy mạnh tăng lãi suất vào đầu năm tới trong “sự vắng mặt của bất ổn chính trị”.

Nhưng con đường tương lai không chỉ trải toàn hoa hồng. Khi Scotland đồng ý ở lại, trách nhiệm đè nặng lên vai Thủ tướng Cameron. Bởi lẽ, dù không độc lập nhưng chắc chắn bất kỳ người dân Scotland nào cũng muốn được trao thêm nhiều quyền lực hơn nữa. Những người chỉ trích cáo buộc ông tự mãn trong những tháng dài khi vận động tranh cử “Vâng  Scotland” của Thủ hiến Salmond. Các nhà phê bình cũng cáo buộc Thủ tướng Cameron và lãnh đạo khác “cho đi quá nhiều” trong một nỗ lực cuối cùng nhằm lấy lòng cử tri Scotland.

Ông chủ Nhà số 10 cũng có khả năng phải đối mặt với những câu hỏi khó hơn về vai trò lãnh đạo trong thời điểm chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 5-2015.

Khả Anh