Chuyện dọc đường cứu trợ
(Cadn.com.vn) - Bao nhiêu lần người dân miền Trung chịu thiệt hại do thiên tai là cũng chừng ấy lần tôi cùng đoàn cứu trợ Báo Công an TP Đà Nẵng và những nhà hảo tâm kịp thời có mặt tại các địa phương sẻ chia những khó khăn với người dân. Trong hành trình vì người nghèo ấy, tôi mới thấu hiểu hết nỗi khổ của những người dân vùng rốn lũ đang phải gánh chịu và cũng hiểu được nỗi lòng của những cán bộ ở các địa phương...
Tác giả cùng đoàn cứu trợ trao quà tận tay người dân xã Phương Mỹ bị thiệt hại |
Nhớ lại, những câu chuyện buồn về công tác tiếp nhận, cấp phát hàng cứu trợ, như năm 1999, khi bão lũ đang diễn ra bời bời, người dân vùng rốn lũ Quảng Nam, Đà Nẵng bị thiếu lương thực, nước sạch trầm trọng thì một số cán bộ ở xã nọ yêu cầu đoàn cứu trợ làm thủ tục nhập bánh chưng vào kho để phát cho dân sau vì đang bận... nhậu; cán bộ xã phân chia hàng cứu trợ không công bằng hoặc trường hợp gần đây nhất là chuyện cán bộ thôn thu lại hàng cứu trợ để chia đều cho các hộ... Tuy những câu chuyện không vui này cũng chỉ là vài "hạt sạn" nhưng đã ít nhiều làm lu mờ đi hình ảnh những cán bộ tại các địa phương đang hết lòng vì công việc giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Trong đợt cứu trợ đồng bào thiệt hại trong cơn đại hồng thủy năm 2009, ông Nguyễn Tấn Nại-nguyên Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh (H. Đại Lộc), vùng rốn lũ của tỉnh Quảng Nam, tâm sự: "Nhà báo vận động nhà tài trợ giúp đồng bào chúng tôi đã khổ nhưng để đưa hàng cứu trợ đến tận tay người dân thật sự đúng đối tượng... thì cán bộ ở cơ sở chúng tôi khổ gấp bội. Chỉ một thoáng suy nghĩ, một hành động nhỏ mang tính riêng tư sẽ tạo ra dư luận xấu trong nhân dân". Còn anh Nguyễn Đình Tứ-Trưởng ban TB-XH xã Duy Nghĩa (H.Duy Xuyên), tâm sự: "Khi nhận tin đoàn cứu trợ của Báo Công an TP Đà Nẵng về Duy Nghĩa trao 200 suất quà cho đồng bào bị thiệt hại trong bão Xangsane năm 2006, UBND xã phải tổ chức nhiều cuộc họp để bình chọn từng đối tượng được nhận quà nhằm tránh việc so bì trong từng hộ dân". Còn theo anh Nguyễn Hưng-Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam H.Bố Trạch, Quảng Bình, trao đổi: Thật không công bằng khi mọi người không đánh giá toàn cảnh công tác cứu hộ, cứu trợ tại các địa phương bị thiệt hại nặng trong cơn lũ giữa tháng 10-2016. Cụ thể, giữa mênh mang trời nước, những cán bộ xã đã dầm mình trong nước, băng qua cơn lũ dữ đưa từng gói mì tôm, chai nước cho người dân. Khi lũ rút, gia đình của họ cũng bị thiệt hại song những cán bộ này vẫn phải gác lại chuyện riêng tư để lo việc khắc phục hậu quả, tổ chức cấp phát hàng, tiền cứu trợ cho đồng bào bị thiệt hại. Vất vả là thế nhưng điều khó khăn nhất là làm thế nào cho việc cấp phát thật sự công bằng. Vì, chính bản thân họ cũng không biết sẽ có bao nhiêu nhà hảo tâm đến với địa phương mình và lượng hàng, tiền mặt ít hay nhiều... Vì vậy, ưu tiên trước mắt của địa phương là đảm bảo làm sao cho người dân vùng lũ không bị đói, rét. Để làm được việc đó, chính quyền xã phải ưu tiên cho những gia đình thuộc hộ nghèo, người già neo đơn được nhận trước. Cá biệt, nhiều hộ đặc biệt khó khăn được giải quyết nhận nhiều suất quà từ nhiều đoàn cứu trợ nhằm tránh trường hợp người nghèo, thiệt hại nặng được nhận hàng trước nhưng có giá trị thấp hơn so với những gia đình bị thiệt hại ít hơn... Tuy nhiên, vẫn có "sự cố bất ngờ", chưa thật sự công bằng xảy ra do lãnh đạo một số địa phương chủ quan trong khi phân bổ hàng cứu trợ. Theo ghi nhận của chúng tôi trong chuyến cứu trợ đồng bào 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh bị thiệt hại trong cơn lũ vừa qua, chính gia đình những cán bộ xã cũng bị thiệt hại vì lũ nhưng không vì thế mà họ không hết mình vì công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả lũ lụt. Nhiều cán bộ quên cả giờ giấc, phối hợp cùng các đoàn tổ chức phát hàng tận tay từng hộ dân. Tình trạng mất công bằng gần như ít xảy ra. Tất cả người dân bị thiệt hại đều đảm bảo được nhận quà, tiền cứu trợ. Tình trạng người dân khiếu nại vì chuyện nhận trước, nhận sau... không còn xảy ra. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Điền, cán bộ TB-XH xã Phương Mỹ (H.Hương Khê, Hà Tĩnh), cho biết: "Để việc cấp phát hàng cứu trợ diễn ra một cách trật tự, công bằng, chúng tôi tổ chức họp, đánh giá thiệt hại cụ thể của từng hộ dân, lên kế hoạch nhận hàng cứu trợ theo phương châm ưu tiên gia đình thiệt hại nặng nhận trước. Phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn, tổ chức in phát phiếu nhận quà đến tay từng hộ dân. Sau mỗi ngày, Ban tiếp nhận tổ chức hội ý, rút kinh nghiệm đề ra phương án khắc phục những hạn chế. Trong trường hợp có thắc mắc sẽ được giải quyết ngay, không để xảy ra khiếu nại vì so bì...".
Tôi viết những ghi nhận này không có ý định bao biện cho những hành vi sai trái của cán bộ làm công tác tiếp nhận, cấp phát hàng cứu trợ tại các địa phương. Chỉ mong mọi người có một cái nhìn toàn cảnh hơn để đánh giá đúng, đầy đủ về công việc mang đầy tính nhân văn này.
M.T