Chuyển đổi cây trồng, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi
Cuộc sống của gia đình ông Cha Brang Ban (trú thôn A Liêng, xã Tà Bhing, H. Nam Giang) phụ thuộc vào mấy sào lúa rẫy và gần 1ha trồng keo. Những năm được mùa, lúa thu hoạch cũng chỉ đủ ăn, khi mất mùa lại sống trong tình cảnh thiếu thốn. Còn rừng cây keo 5 năm mới thu hoạch được vài chục triệu đồng, nếu cây còn nhỏ bị bão làm ngã gãy coi như mất trắng. Hằng ngày, ông Ban đi làm thuê khắp nơi để trang trải cuộc sống gia đình, nhưng thu nhập cũng bấp bênh. Năm 2022, khi huyện Nam Giang có chính sách hỗ trợ giống cây mít Thái, phân bón cho những hộ có nhu cầu, ông Ban liền đăng ký thực hiện. Sau khi nhận được 100 cây mít giống, ông Ban đã cải tạo 4 sào đất trong vườn nhà để trồng. Ông Ban được cán bộ nông nghiệp huyện Nam Giang trực tiếp hướng dẫn các kỹ thuật trồng, bón phân, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Hơn 1 năm chăm sóc, vườn mít của ông Ban phát triển rất tốt, đã cho những quả đầu tiên.
"Vài năm nữa, 100 cây mít sai quả thì gia đình sẽ có 1 khoản thu nhập tương đối khá. Với giá mít hiện nay thì 1 năm tôi có thể thu nhập gần 20 triệu đồng. Tôi dự tính sẽ vay vốn, tiếp tục chuyển đổi dần diện tích cây keo sang các loại cây ăn quả đang có giá trị kinh tế để tăng thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo. Tôi rất biết ơn Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho gia đình tôi làm ăn, phát triển kinh tế từng bước thoát nghèo", ông Ban tâm sự.
Tương tự, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, gia đình ông Bh'Nướch Bia (trú thôn A Liêng, xã Tà Bhing) được nhận hỗ trợ 100 cây bưởi da xanh giống. Ngoài ra, ông Bia cũng được hỗ trợ đường ống nước tưới cho vườn cây. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, vườn bưởi da xanh của ông Bia phát triển xanh tốt, chỉ vài năm nữa là ra quả.
Ông Bia phấn khởi chia sẻ: "xưa nay, tôi trồng bất cứ loại cây gì cũng theo hình thức truyền thống, phó mặc cho tự nhiên không bón phân chăm sóc cây nên hiệu quả không cao. Tôi được cán bộ kỹ thuật về tận nhà hướng dẫn cách đào hố trồng, phòng trừ sâu bệnh. Nắm được kỹ thuật, vườn cây đều xanh tốt, sinh trưởng khỏe và hầu như chưa thấy bất kỳ một loại sâu bệnh hại nào. Hy vọng rằng, trong những năm tới đây, loại cây này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Tôi dự kiến sẽ mở rộng thêm diện tích trồng các loại cây ăn quả thay thế cây keo để tăng thu nhập cho gia đình".
Theo ông Hồ Viết Căn - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nam Giang, khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương thuận lợi để trồng các loại cây ăn quả đang có giá trị kinh tế cao như: mít Thái, bưởi da xanh, cam… Để giúp người dân phát triển kinh tế, những năm qua, từ các nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện, địa phương đã hỗ trợ cho các hộ dân các loại cây trồng, trong đó chủ yếu là các cây ăn quả để thay thế cho cây keo với kinh phí hàng tỷ đồng. Riêng trong năm 2023, từ nguồn vốn của 2 chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi, địa phương đã hỗ trợ cho hàng trăm hộ dân với kinh phí trên 30 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Trong đó, huyện Nam Giang tập trung phát triển các loại cây ăn quả phù hợp, nhu cầu thị trường lớn.
"Đối với các mô hình hỗ trợ trồng cây ăn quả sẽ có sự tham gia của 3 bên gồm: các hộ dân, cơ quan quản lý vốn và các doanh nghiệp liên kết thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát. Khi thu hoạch quả, doanh nghiệp sẽ tiến hành thu mua lại cho các hộ dân. Hiện nay, các loại cây ăn quả được trồng ở địa phương đang phát triển tốt với tổng diện tích hơn 300ha. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi cây trồng, nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho bà con địa phương", ông Căn chia sẻ.
LÊ VƯƠNG