Báo Công An Đà Nẵng

Chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động

Thứ hai, 27/02/2023 12:01

Điểm đáng chú ý trong kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 của ngành là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số một cách toàn diện các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành. Thúc đẩy chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu với nhau và kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống", đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, giải pháp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra là tiếp tục thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; ban hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính của Bộ năm 2023, trọng tâm là cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và phát triển Chính phủ số, thực hiện chuyển đổi số toàn diện nhằm góp phần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các Nghị quyết của Chính phủ.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025; rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2; bổ sung danh mục mặt hàng miễn, giảm kiểm tra chuyên ngành; nâng cao năng lực cho việc áp dụng phương thức kiểm tra tại nguồn và kiểm tra tại khâu lưu thông trên thị trường nội địa.

Chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý của Bộ, phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng là giải pháp quan trọng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt ra. Theo đó, bên cạnh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, duy trì cập nhật thông tin kịp thời và kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, Bộ này cũng xây dựng các hệ thống thông tin báo cáo về các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ.

Trong mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phấn đấu nâng xếp hạng chỉ số "Việc làm trong các ngành thâm dụng tri thức" (C2) lên ít nhất 02 bậc, chỉ số "Chất lượng đào tạo nghề" (B6) lên ít nhất 05 bậc.

Tính từ tháng 5-2020 đến cuối năm 2022, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cắt giảm, đơn giản hóa 52 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Chu Thanh Vân