Chuyện Già Blao mở đường lên biên giới
(Cadn.com.vn) - Hiện nay, mặc dù con đường từ xã Lăng lên Trhy (Tây Giang, Quảng Nam), đã được mở rộng bằng cơ giới và thảm nhựa phẳng lì, song mỗi khi nhắc lại chuyện già Clâu Blao (ở xã Trhy) mở đường, người dân bản địa ai cũng ghi nhớ ơn ông. Trước khi chúng tôi đến gặp già Blao, ông Bríu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang nhắc lại chuyện già Blao mở đường đầy thán phục: “Nếu không có tuyến đường già Blao mở, sẽ không có tuyến giao thông liên xã biên giới. Từ đó không thể thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của 4 xã vùng biên”…
Già Cơlâu Blao kể chuyện mở đường. |
Đã ngoài tuổi 67, nhưng già Blao trông vẫn còn khỏe mạnh, rắn chắc như cây gỗ lim trên rừng. Năm 1967, ông xung phong ra mặt trận vận chuyển lương thực, vũ khí cho bộ đội, một thời gian sau thì làm cán bộ quân y. Hòa bình lập lại năm 1975, ông về quê hương Trhy và được giao phụ trách y tế 4 xã vùng biên huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam (năm 2003, huyện Hiên tách thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang). Đến năm 1978, lãnh đạo huyện giao cho ông việc nghiên cứu mở đường nối trung tâm huyện về 4 xã biên giới, vì ông là người địa phương, thường đi lại nhiều trên cung đường này nên có nhiều kinh nghiệm. “Khi được cấp trên giao cho việc mở đường, tôi hăng hái lắm. Lúc đó, từ 4 xã vùng biên đi họp dưới huyện chỉ men theo lối mòn qua triền núi, qua khe sâu, rừng thẳm, nhiều khi mất cả tuần lễ mới tới. Mỗi lần có người đau ốm không thể vận chuyển xuống y tế huyện để cứu chữa, nên có nhiều trường hợp tử vong…”, già Blao chia sẻ.
Già Blao nhớ lại, khi bắt tay vào nhiệm vụ, ông đã thực hiện hàng trăm chuyến đi khảo sát tìm con đường ngắn nhất và thuận lợi nhất để dẫn lên 4 xã vùng biên. Có những chuyến khảo sát, ông lặn lội cả tuần trong rừng sâu. Ông đến xã Lăng rồi leo lên đỉnh núi cao Cơrơdăm. Tại đây, ông tìm cây thông to nhất, cao nhất trèo lên để quan sát và định hướng con đường, rồi theo đó mà đi. Từng đoạn, từng đoạn, ông dùng rựa gọt vỏ cây và bẻ những cây nhỏ để làm dấu. Trời nắng ráo, ông đi tìm đường, đến mùa mưa thì nghỉ. Những mùa Tết cứ thế trôi qua và sau 3 năm trời, ông không nhớ nổi đã qua bao nhiêu con suối, vượt bao nhiêu dốc cao, cuối cùng đến đầu năm 1981, ông cũng hoàn thành được việc khảo sát con đường... Sau khi nghe ông báo cáo kết quả khảo sát con đường, lãnh đạo huyện rất phấn khởi. Qua mùa mưa, sang năm 1982, được sự nhất trí của cấp trên, ông đứng ra vận động cán bộ và người dân làng Voòng, xã Trhy, sau lan rộng ra các xã A Xan, Chơm và Gari… với hơn 500 người cắt rừng, lần theo dấu trên các thân cây rừng mà ông dùng rựa khắc khi đi khảo sát, để mở đường nối 4 xã vùng biên với xã Lăng về trung tâm huyện. Các xã thi đua nhau trong việc mở đường, dù khi ấy vật dụng làm việc còn rất thô sơ như rìu, cuốc... Điều kỳ lạ, sau 3 tháng, ông cùng người dân đã hoàn thành con đường mòn như ý muốn. Và, từ con đường độc đạo đã mở từ xã Lăng lên Trhy, như tiếp thêm sức mạnh cho người dân biên giới mở các tuyến đường liên xã của 4 xã vùng biên. Tết năm đầu tiên có con đường được xem là vui nhất, nhộn nhịp nhất với người dân của các xã biên giới Việt – Lào, khi đường sá được thông thương. Người dân phấn khởi tổ chức lễ đâm trâu truyền thống và ca tụng già Blao như một vị anh hùng, dành tặng ông những vật phẩm ngon nhất...
Không chỉ vậy, người lính già từng đi qua chiến tranh này còn là một nghệ nhân lưu giữ và chạm khắc những tượng gỗ truyền thống, tiên phong trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa điêu khắc tượng của người Cơ Tu ở địa phương. Mấy năm gần đây, già Blao đã chế tác hàng trăm bức tượng lớn nhỏ, đủ các loại. Ngoài ra, ông còn làm đàn Rươl, loại đàn 2 dây truyền thống của người Cơ Tu được dùng để hát lý trong các dịp lễ hội… Trước khi chúng tôi chia tay, già Blao với tay lấy chiếc đàn Rươl trên kệ tủ xuống và đàn, hát cho chúng tôi nghe một bài lý của người Cơ Tu. Dù không hiểu lắm về nhạc lý của loại đàn này, nhưng chúng tôi cảm nhận được, với bàn tay tài hoa của ông, cây đàn 2 dây đã vang lên những cung bậc trầm, bổng nghe như tiếng gió thổi qua rừng, tiếng suối cuồn cuộn chảy ở đầu thôn bản…
N.Thi