“Chuyên gia” giải cứu động vật hoang dã
Xuất phát từ tình yêu động vật hoang dã, Đặng Thái Tuấn (2001, sinh viên Khoa Sinh – Môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng) đã trở thành “chuyên gia” giải cứu động vật hoang dã bị nuôi nhốt, buôn bán trái phép.
Đặng Thái Tuấn (giữa) cứu hộ chú trăn “đi lạc” vào khuôn viên Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH số 5.
Tuấn hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) ENV Đà Nẵng (trực thuộc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam - ENV, tổ chức phi chính phủ hoạt động chuyên sâu về lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã). Tuy nhiên, trước khi đến với EVN Đà Nẵng, ít ai biết rằng Tuấn từng là người có thú chơi bò sát, nuôi các loại động vật hoang dã như trăn gấm, trăn đất, kỳ nhông, cự đà… để bán lại kiếm lời.
Tuấn kể, đó là vào khoảng năm 2014, phong trào chơi các loài bò sát “nở rộ” trên cả nước. Tại Đà Nẵng cũng có các hội nhóm chuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như mua bán các loại bò sát. “Do nhận thức chưa đầy đủ nên tôi đã có “tình yêu mù quáng” với động vật hoang dã. Cứ tưởng rằng khi mình nuôi nhốt, chăm sóc, cho ăn đầy đủ thì chúng sẽ sinh trưởng, phát triển tốt hơn ở ngoài môi trường tự nhiên. Thế là, tôi cứ mải mê nuôi mà không nhận thấy được hậu quả của sự mất cân bằng hệ sinh thái”, Tuấn chia sẻ. Mãi đến sau này, trong một lần dạo chơi ở bán đảo Sơn Trà, tận mắt chứng kiến những đàn khỉ vàng, voọc chà vá vui vẻ sinh sống dưới những tán rừng, Tuấn mới chợt nhận ra, “nhà” của các loại động vật hoang dã là đây. “Lần đó về tôi cứ dằn vặt mãi về hành động không đúng với động vật hoang dã của mình trước đây. Để “sửa sai”, tôi đã đăng ký tham gia vào CLB EVN Đà Nẵng”, Tuấn nói.
Từ đây, Tuấn tích cực tham gia vào các hoạt động hướng đến bảo tồn động vật hoang dã của CLB. Từ các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức đến việc khảo sát, phát hiện ra việc nuôi nhốt, mua bán trái phép động vật hoang dã để trình báo cơ quan chức năng xử lý, Tuấn đều hoàn thành tốt. Năm 2019, Tuấn trở thành chủ nhiệm CLB. “Dù rằng, những năm qua, tôi và các thành viên CLB đã nỗ lực giải cứu hàng trăm trường hợp nhưng đến thời điểm hiện nay, tình trạng nuôi nhốt, mua bán động vật hoang dã trái phép vẫn còn diễn ra phức tạp. Nhiều người vẫn vì lợi ích cá nhân mà gây hại đến các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục hành động để bảo vệ động vật hoang dã. Chúng tôi đang có danh sách cụ thể những nơi nghi vấn nuôi nhốt, mua bán trái phép động vật hoang dã do người dân cung cấp và sẽ sớm tiến hành khảo sát, thu thập chứng cứ để giải cứu chúng”, Tuấn cho hay.
Nói vệ biệt danh “chuyên gia” giải cứu động vật hoang dã, Tuấn cho rằng, nó xuất phát từ những việc mà anh đã làm. Theo lời Tuấn, nhiều lần anh đã len lỏi trên mạng xã hội, “thâm nhập” vào các hội nhóm mua bán động vật hoang dã để thu thập thông tin, chứng cứ trình báo cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Thậm chí, có lần anh đã cắt trọc đầu, vào vai “dân chơi” để khảo sát các cơ sở nghi vấn có bán thịt rừng, mật gấu, vuốt hổ hay vảy tê tê… Ngoài ra, Tuấn cũng đã từng đóng giả là nhân viên các công ty du lịch đến các nhà hàng, quán nhậu khảo sát thực đơn, hỏi thăm về những món ăn “độc, lạ” là các loại động vật hoang dã, từ đó tìm cách giải cứu.
Tính đến nay, Tuấn cùng các thành viên ENV Đà Nẵng đã có 500 đợt phát hiện, giải cứu, trình báo cơ quan chức năng xử lý vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Mới đây, nhận được tin báo của một chiến sĩ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH số 5 (Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) về một chú trăn “đi lạc” vào khuôn viên đơn vị, Tuấn tức tốc có mặt để hỗ trợ. Chỉ mất một thời gian ngắn, cùng sự hỗ trợ của mọi người, Tuấn đã bắt được chú trăn và nhốt tạm vào bao tải. Ngay sáng hôm sau, chú trăn đất dài 1,3m, nặng khoảng 4kg được bàn giao cho lực lượng kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn để thả về tự nhiên.
“Tôi rất vui khi tình yêu động vật hoang dã của mình đã đi đúng hướng. Thông qua những việc tôi và ENV Đà Nẵng đang làm, chỉ mong tất cả mọi người sẽ nâng cáo ý thức, chung tay bảo vệ động vật hoang dã. Mỗi loài vật là một sinh mạng, một cuộc đời, không ai có quyền cướp đi mạng sống của chúng. Và, chỉ khi sống ở “nhà” là môi trường tự nhiên an toàn thì các loài động vật mới sinh sôi, phát triển tốt để giúp cân bằng hệ sinh thái, tạo ra một môi trường sống tốt đẹp hơn cho chính chúng ta”, Tuấn bộc bạch.
T.D