Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện "giảm nghèo" ở Tú Nghĩa

Thứ hai, 24/02/2014 12:43

(Cadn.com.vn) - Một số người dân ở tổ  9, tổ 10 thôn Tú Nghĩa, xã Bình  Tú, H. Thăng Bình (Quảng Nam) phản ánh, dịp Tết Giáp Ngọ- 2014 vừa qua, dù thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhưng họ không được nhận gạo trợ cấp hoặc một món quà Tết nào... trong khi nhiều hộ nghèo khác cùng thôn lại có.

Có hay không sự việc trên? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, người dân Tú Nghĩa nhiệt tình chỉ đường đến gặp những trường hợp rất "đặc biệt" mà chỉ cần nhắc tên, cả thôn, thậm chí cả xã đều biết. Điển hình nhất phải kể đến ông Đỗ Thắng, 71 tuổi, bị cụt một chân. Ông Thắng kể chuyện đời mình: "Tui không nhà không cửa, không vợ không con. Tài sản chỉ có chiếc xe đạp, chiếc rựa  chẻ tre, hằng ngày ai thuê chi làm nấy: đan rổ rá, thúng mủng, làm quang gánh... Hôm nào ai thuê đến làm thì ăn ngủ luôn ở đó, rồi lại đi nhà khác, cứ thế quanh năm suốt tháng...".

Ngoài ông Thắng, còn có ông Nguyễn Vệnh, đã hơn 70 tuổi, bị thần kinh từ nhỏ, cũng không vợ không con, không nhà cửa, mới đây lại bị tai biến; bà Nguyễn Thị Lài, hơn 70 tuổi, đang ở nhờ một góc bếp của gia đình người em trai...; trường hợp chị Võ Thị Bé, bà Hồ Thị Cảnh... cũng rất nghèo khó.

Khi được hỏi về gạo, quà Tết, tất cả những trường hợp trên đều xác nhận rằng, những năm trước Tết đến họ vẫn được nhận trợ cấp 15kg gạo và quà, vậy nhưng Tết Giáp Ngọ lại không hề được nhận bất cứ một thứ gì.

Ông Đỗ Thắng tàn tật, không nhà không cửa, ngày ngày đi làm thuê kiếm sống.

Mang những ý kiến thắc mắc, những băn khoăn của bà con, chúng tôi liên hệ với bà Phan Thị Thùy Trang, Chủ tịch UBND xã Bình Tú. Bà Trang từ chối: "Bây giờ có quy định, bất kể việc gì phải có ý kiến từ Văn phòng UBND huyện, xã mới được phép trả lời...!?". Chúng tôi đành tìm gặp ông Trưởng thôn Tú Nghĩa Phan Tấn Anh. Vốn trực tính, mới nghe chúng tôi trình bày sự việc, ông đã oang oang: "Những trường hợp bà con phản ánh ấy, tôi nắm rõ hết rồi, rõ như lòng bàn tay mình vậy, nhưng ngặt cái, năm vừa qua xã Bình Tú đã đăng ký là xã "Nông thôn mới" nên chỉ tiêu hộ nghèo đã giảm xuống rất nhiều, vì vậy gạo cứu trợ, quà Tết cho người nghèo cũng giảm xuống...!?".

Ông Anh mở sổ sách, giải thích: "Tú Nghĩa là thôn thuộc diện khó khăn nhất của xã Bình Tú. Cả thôn có 523 hộ dân, 1.982 nhân khẩu, hơn 80% sản xuất nông nghiệp. Có 17 gia đình chính sách, 45 hộ nghèo, 73 hộ cận nghèo. Điều đặc biệt là cả thôn có tới hơn 40 người sống đơn thân, không gia đình, không chồng hoặc không vợ đều là người đã cao tuổi. Lại có  mười mấy trường hợp phụ nữ không chồng mà vẫn có con, mà lại từ 2 con đến 4 con... thôn đang đề nghị được xét vào diện hộ nghèo.  Nhưng không được. Như thế thì lại làm tăng tỷ lệ hộ nghèo, trái với tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã".

Quay trở lại với câu chuyện, Trưởng thôn Phan Tấn Anh cho biết, chính vì Bình Tú đã được công nhận là xã "Nông thôn mới", nên Tết năm nay, thôn Tú Nghĩa chỉ nhận được 400kg gạo trợ cấp, 14 suất quà Tết từ Hội chữ thập đỏ, 8 suất từ UBMTTQ huyện. Theo quy định, mỗi hộ nghèo được nhận 15 kg gạo trợ cấp, đem chia đều 400kg, mới chỉ có 26 hộ nghèo được nhận. Còn 19 hộ nữa, hết gạo rồi thì làm sao cấp?.  Còn dư 10kg gạo, đành ưu tiên cấp cho gia đình anh Nguyễn Thành Nhung bị bệnh hiểm nghèo...

Ông Nguyễn Vệnh bị bệnh thần kinh, tai biến, không nhà cửa, gia đình phải sống nhờ
người em ruột cũng rất khó khăn. Ảnh: H.T

Ông Anh giải thích thêm: "Trước khi phát gạo, chính quyền và các ban ngành đã phải đưa ra bình xét, phân loại từng hộ trong số 45 hộ nghèo rồi. Số 19 hộ còn lại không được nhận gạo là do, dù họ nghèo nhưng có người thân khá giả, là cán bộ, là kỹ sư, bác sĩ đang làm việc ở tỉnh, ở huyện hoặc trong miền Nam... Một số đối tượng như ông Vệnh, ông Thắng, bà Lài... thì hằng tháng được nhận tiền trợ cấp theo chế độ 13, tức là diện người tàn tật, đơn thân, bị nhiễm chất độc da cam... Cả thôn có tới 56 trường hợp như vậy".

Chúng tôi thắc mắc: "Thực tế cho thấy thôn Tú Nghĩa còn nhiều hộ nghèo, nhiều hộ còn khó khăn, nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt như vậy, sao đã vội đăng ký đạt  danh hiệu nông thôn mới?". Ông Trưởng thôn trầm ngâm, gật đầu: "Đúng vậy, đáng lẽ xã cũng chưa vội đăng ký đã đạt nông thôn mới, thôn cũng vậy. Nhưng "lỡ" đăng ký rồi, trong 19 chỉ tiêu phải đạt để được công nhận nông thôn mới, chỉ tiêu thứ 11 là phải giảm hộ nghèo. Cũng chính vì vậy mà xã Bình Tú đang từ  hơn 12% hộ nghèo, giảm xuống còn hơn 6 % hộ nghèo, thôn Tú Nghĩa đang từ hơn 12% giảm xuống còn 4,6% hộ nghèo... tuy trên thực tế thì cái nghèo, cái khó vẫn bày ra khắp làng khắp xóm...".

Chúng tôi rời Tú Nghĩa mang theo niềm băn khoăn của ông Trưởng thôn và không thể không đặt câu hỏi: đây đó ở các xã đã và đang đăng ký xã "nông thôn mới", liệu có cách "giảm nghèo" như ở Tú Nghĩa?

Hồng Thanh