Chuyện ít người biết về người "sợ làm vua"
(Cadn.com.vn) - Được làm vua ai mà chả thích, dù chỉ là “nhất dạ đế vương”. Thế mà có người được mời “làm vua” mà sợ hết hồn không dám làm, mới lạ! Vâng, người đó là NSƯT Ngọc Bình, diễn viên, đạo diễn ca kịch và Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế đã “làm vua” trong suốt nửa ngày trời.
![]() |
Ngọc Bình đời thường |
Lễ tế Nam Giao Festival Huế 2006 diễn ra với quy mô 500 diễn viên, 5 voi, 6 ngựa với đầy đủ cờ quạt, nghi trượng, long đình, ngự liễn... Không gian diễn từ sân Điện Thái Hòa, đoàn Ngự Đạo hành trình lên Đàn Nam Giao, Lễ tế tại đây rồi đoàn hồi cung về lại Đại Nội, đi hơn chục cây số trên các đường phố lớn của Huế như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Điện Biên Phủ, qua cầu Trường Tiền, Phú Xuân... Tế Nam Giao xưa là cúng tế trời đất, là Đại lễ của trăm họ, do Vua (thiên tử) đứng chủ lễ. Lễ tế Nam Giao được tổ chức vào tháng 2 ÂL hằng năm.
Trong đó phần Tế lễ Giao đàn là quan trọng nhất. Người xem cả nước (qua truyền hình) đã chứng kiến cảnh rước Vua lên Đàn Nam Giao, Lễ dâng ngọc và lụa, Lễ dâng rượu. Lễ tuyên đọc Chúc văn của Hoàng đế gửi trời đất, thần linh cầu mong phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Hàng vạn người dân Huế cùng du khách bốn phương đứng chật hai bên đường đoàn Ngự Đạo đi qua. Người dân im lặng trang nghiêm thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên khi “Hoàng đế” làm Lễ tế trời. Đây thực sự là một chương trình quảng diễn tâm linh hoành tráng, nghiêm trang và xúc động.
Nhưng để có người vào “vai vua” là một điều nan giải. Câu chuyện ít người biết xảy ra cả 6 tháng trước khi tổ chức Festival Huế 2006. BTC Festival Huế được Chính phủ cho phép đã tổ chức Lễ tế “với nghi thức, trình tự y như xưa” nên phải thật nghiêm túc trong diễn xuất; phải soạn văn tế để Vua tỏ lòng thành của mình đối với trời đất, thần linh. Vì vậy vấn đề chọn ai đóng Vua khi tế Lễ là điều vô cùng quan trọng. Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho Lễ tế Nam Giao, ngoài việc tổ chức nhân sự, đạo cụ, phục trang..., việc tìm kiếm một người vào vai vua thật khó! Mặc dù chỉ là sự tái hiện nhưng phải thể hiện tấm lòng thành kính đối với cha ông, trời đất. Mặt khác, theo chuyện kể dân gian, trong các triều vua Nguyễn trước đây, có hai lần vua “long sàng bất an” nên triều đình đã cử hai vị đại thần đứng tế Nam Giao thay vua. Và hai vị thay vua tế lễ sau đó đều bị chết một cách khó hiểu. Người đời cho rằng, họ bị Trời phạt!? Vì những câu chuyện như vậy nên nhiều diễn viên rất sợ, không ai dám đảm nhận vai vua. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND TT- Huế đã họp bàn và quyết định giao nhiệm vụ nặng nề này cho đạo diễn, NSƯT Ngọc Bình. Quyết định do Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT- Huế Ngô Hòa ký tên đóng dấu hẳn hoi. Lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt
Cầm quyết định của tỉnh, Ngọc Bình vừa lo vừa sợ! Ngọc Bình là diễn viên, đạo diễn sân khấu ca kịch tài năng, có uy tín hàng đầu cả nước hiện nay. Anh đã được tặng 6 HCV về diễn viên và đạo diễn. Anh đã hàng chục lần vào vai Bác Hồ trên sân khấu, quảng trường mít-tinh ở Vinh, Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Cà Mau,v.v... rất giống, rất xúc động; anh đã được nhận Giải thưởng VHNT Cố Đô 2003 với vai Bác Hồ. Anh không lo kỹ thuật vào vai vì anh đã hàng chục lần đóng vai vua trong các vở ca kịch. Nhưng đó là vua trên sân khấu. Còn đây là “vua” ở Đàn Nam Giao. Vợ anh, nghệ sĩ Tiểu Hoa khóc như chồng sắp bị họa. Nước mắt sợ hãi của người thân và vợ anh ám ảnh Ngọc Bình. Nhưng rồi, Ngọc Bình đã nhận vai diễn này.
![]() |
Ngọc Bình trong vai Hoàng Đế lên Nam Giao |
Muốn tế Nam Giao, theo quy định vua phải “trai giới”, tức chay tịnh 3 tháng 10 ngày ròng ở Trai Cung (một khu nhà ở sau Đàn Nam Giao) để “dọn” sạch mình trước khi tiếp xúc với Trời Đất. Vì thế, sau khi hoàn tất thủ tục tâm linh ở nơi thờ phụng tổ tiên của triều Nguyễn, Ngọc Bình bắt đầu chay tịnh cho đến ngày Tế Đàn. Dù chỉ là diễn để tái hiện lại nghi lễ văn hóa xưa nhưng quan niệm tâm linh của người Huế khi đứng ở chốn linh thiêng cũng không thể coi thường được! Nửa tháng trôi qua với những ngày tập luyện cật lực dưới ánh nắng chói chang mùa hè miền Trung, “Hoàng đế” Ngọc Bình gầy rạc đi. Nhưng anh đã cùng đoàn quân tế lễ Giao đàn đã hoàn tất công việc chuẩn bị.
Chiều 10-6-2006, hàng vạn người dân Huế và du khách đổ ra các ngả đường đón chờ đoàn Ngự Đạo xuất cung. Và người xem đã chứng kiến cảnh rước vua lên Đàn Nam Giao với những tràng vỗ tay không ngớt. Tại Trai Cung, Vua thay long bào rồi ngồi thiền chờ đến giờ tế lễ. Kể từ giờ phút ấy, rất ít người nhận ra gương mặt của NSƯT Ngọc Bình mà thay vào đó là thần thái của một vị vua thật sự trước khi hành lễ!
Với vẻ mặt nghiêm trang, thành kính lúc tấu sớ... “Hoàng đế” Ngọc Bình đã làm cho tất cả những ai tham gia lễ hội và người xem truyền hình trực tiếp phải nín thở bởi sự uy nghiêm trước trời đất linh thiêng! Một giờ đồng hồ trôi qua với nhiều nghi lễ, cuối cùng cũng đến Lễ Hồi cung. Nhà vua “Ngọc Bình” ngồi kiệu ung dung trên đường quay về Đại Nội.
Ngay sáng sớm hôm sau, “Hoàng đế” Ngọc Bình lại một lần nữa vào Thế Miếu cùng người thân trong gia đình và lễ vật bái tạ. Trước khói hương nghi ngút, gương mặt nghệ sĩ thường ngày ở anh dường như đã trở lại: Hồn nhiên, tự tin và vui vẻ... anh đã vượt qua một chặng đường đầy gian khó!
Ngô Minh