Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện lão nông từng tố cáo nhà thầu cao tốc thi công gian dối

Thứ sáu, 19/10/2018 15:32

Vụ cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sau thời gian ngắn đưa vào khai thác đã hư hỏng, gợi lại câu chuyện tưởng chừng đã chìm vào quên lãng: Lão nông Phạm Tấn Lực (60 tuổi, trú xã Bình Trung, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi) cùng với hàng chục người dân trong xã viết đơn tố cáo nhà thầu Giang Tô (Trung Quốc) cùng hàng loạt nhà thầu phụ thi công gian dối, đưa vật liệu bẩn thi công nền đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thuộc gói thầu A3).

Ông Phạm Tấn Lực với những đơn từ cho rằng nhà thầu Giang Tô thi công gian dối.
* Gói thầu A3 do nhà thầu Giang Tô phụ trách thi công trên địa phận H. Bình Sơn (Quảng Ngãi) với chiều dài 10,6 km, quy mô 4 làn xe với các hạng mục khác nhau. Tổng giá trị gói thầu này khoảng 1.360 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo ông Phạm Tấn Lực, do ông  được nhà thầu Giang Tô thuê làm bảo vệ đội xe cơ giới trong thời gian dài nên đã phát hiện nhiều thủ đoạn thi công dối của nhà thầu khi làm đường cao tốc. “Theo đúng quy định phải bốc lớp đất phong hóa trên bề mặt đi, trước khi đổ đất san lấp, nhưng tôi thấy ở nhiều đoạn nhà thầu Giang Tô không làm như vậy mà chỉ cho xe ủi sơ qua rồi lấp đất, cát lên. Ngoài ra, do thiếu đất đắp nền nên họ đã lấy đất xấu, bẩn, lẫn lộn rễ cây để đắp nền. Tại Km106+800 và khu vực Bàu Sen, nhà thầu Giang Tô cho xe ủi qua loa trên mặt rồi đổ cát lấp lên trên; sử dụng đất ở một số mỏ đất mà trước đó BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi kiểm tra, kết luận là không đạt chất lượng để san lấp”- ông Lực bức xúc nói.

Đặc biệt, những đoạn đất yếu có lớp đất bùn dày đến 8m không được bóc tầng phủ. Sau khi bị tố cáo gian dối, nhà thầu này đã sửa sai bằng cách lấp toàn bộ và dùng đất đẹp đè lên, gạt nền, gạt ta-luy… Theo các chuyên gia về xây dựng, nếu không bóc vật liệu này vĩnh viễn, đưa vật liệu sạch, đúng quy chuẩn vào thay thì đoạn cao tốc này chỉ một thời gian ngắn sẽ sụt lún và hư hỏng.

Thấy ông Lực quyết tâm tố cáo sai phạm, nhiều cán bộ kỹ thuật trên công trường đã tìm cách tuồn bản vẽ pho-to cho ông để đối chiếu với các hạng mục ngoài thực địa. Bên cạnh đó, cũng có nhiều tin nhắn điện thoại gửi đến ông. Cụ thể: “Mong anh và người dân địa phương cố gắng giám sát công trường, kiểm tra và báo cáo với các cơ quan cấp thẩm quyền về việc làm ăn gian dối của nhà thầu Trung Quốc để đảm bảo chất lượng cho công trình của Việt Nam”. Bên cạnh đó, có tin nhắn tố các giám sát thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã “đi đêm” với nhà thầu để bán đứng chất lượng…

Sau khi ông Lực cùng nhóm người địa phương tố cáo hành vi trên của nhà thầu Giang Tô, một số kẻ lạ mặt đã kéo đến nhà ông Lực doạ sẽ “xử ngọt”. Tuy nhiên ông Lực vẫn không chùn bước mà tiếp tục gửi đơn tố cáo lên các ngành chức năng với suy nghĩ: “Nếu họ thi công gian dối thì nợ công đất nước mình sẽ tăng cao, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”.

Sau những “động thái” của người dân xã Bình Sơn, đơn vị tư vấn giám sát đã có văn bản gửi VEC và nhà thầu Giang Tô yêu cầu di dời vật liệu đắp nền đường không đạt yêu cầu ra khỏi công trường và từ chối quản lý của đội thi công gói thầu A3. Theo biên bản hiện trường của đơn vị tư vấn, giám sát thì vào ngày 27-8-2015 đã phát hiện những sai phạm của nhà thầu trên công trường như: tại Km102+900 đến Km103+00 nhà thầu đang đổ và san gạt đất đắp nền đường, vật liệu tại đây không đạt tiêu chuẩn do có lẫn nhiều rễ cây và hàm lượng hữu cơ cao. Mặt khác, đất này nhà thầu tự ý đào lấy đất tại Km102+980 bên trái là không được phép vì gây mất ổn định ta-luy nền đường. Tại Km105+650, nhà thầu đang vận chuyển đất đắp từ mỏ số 10 về đắp nền đường, tuy nhiên vật liệu đang được vận chuyển về rất xấu, lẫn nhiều đá quá cỡ. Từ phát hiện này, đơn vị tư vấn giám sát yêu cầu nhà thầu thực hiện di dời toàn bộ vật liệu không đạt yêu cầu tại Km102+900 đến Km103+00 ra khỏi công trường…

Đoạn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa phận H. Bình Sơn (Quảng Ngãi) do nhà thầu Giang Tô thi công. 

Thời điểm đó, theo đơn phản ánh của ông Phạm Tấn Lực và người dân trong xã, việc gian dối của các nhà thầu tại đây diễn ra hằng ngày nên họ đã quay phim, ghi hình rồi gửi cho các cơ quan chức năng. Sau khi nhận được đơn của người dân, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng theo người dân, sự việc không được xử lý tận gốc. “Nhà thầu Giang Tô làm sai cả con đường chứ không phải lượm lặt đá hai bên đường là khắc phục. Cần xem lại nhà thầu quản lý kém, làm sai hay tư vấn giám sát tiếp tay cho nhà thầu làm ăn gian dối”- nội dung đơn tố cáo phản ánh.

Trước sự việc trên, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho biết: “Đối với nhà thầu Giang Tô, chúng tôi đã thay thế một giám đốc phụ trách gói thầu A3 vì làm ăn gian dối, chúng tôi cũng đã thay thế 2 giám đốc dự án của gói thầu A4, A5 cũng thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vì có nhiều sai phạm. Tất cả việc làm trên công trường đều có giám sát, trường hợp nào làm ăn gian dối thì phải chịu trách nhiệm”. Còn về xác định nguồn gốc, chất lượng vật liệu dùng để thi công đường cao tốc, đại diện BQL dự án cao tốc cho rằng, chỉ giám sát về chất lượng, còn nguồn gốc thì nhà thầu phải tự chịu trách nhiệm.

Mới đây, ngày 13-10 vừa qua, trả lời báo chí về việc nhà thầu Giang Tô bị tố cáo thi công gian dối, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GT-VT cho biết, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa ra đấu thầu quốc tế, nhà thầu Giang Tô bỏ thầu rất thấp nên trúng thầu. Khi nhà thầu Giang Tô sang thì họ cũng có một số thầu phụ ở mình tham gia cung cấp vật liệu, các dịch vụ khác để họ thực hiện việc thi công. Quá trình như thế là giữa nhà thầu và nhà thầu, mang tính chất hợp đồng kinh tế. Còn sản phẩm khi đưa ra thì phải theo quy trình để quản lý. Việc người dân tố cáo sai phạm của nhà thầu Giang Tô đã được cơ quan chức năng kiểm tra nhưng chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng công trình. “Không bao giờ có chuyện đem bùn nạo vét lên đắp nền đường cao tốc, nhưng trong các giải pháp kỹ thuật, bùn ở dưới nước vớt lên, khi khô ráo mà thành phần hạt tốt, chỉ tiêu cơ lý đạt… sử dụng được thì người ta vẫn sử dụng. Sau đó sẽ đầm lèn và đạt được độ chặt K95 thì vẫn sử dụng được. Vật liệu sau đầm lèn không đạt K95 phải bóc đổ đi. Quy trình là như vậy, còn lại là do giám sát ở hiện trường” - Thứ trưởng Thọ nói.

TRẦN TÂN