Chuyện một người Quảng Nam...
Không đợi đến khi nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển gửi cho tôi cả bản thu âm và lời bài hát Chuyện một người Quảng Nam-ca khúc sáng tác mới nhất của ông, tôi mới hiểu về tấm lòng nhung nhớ cố hương của một con người cất bước ra đi như lời trong bài hát: “Người Quảng Nam nói đi là đi/Đi là đi miết từ khi chưa về...”, mà đã từ lâu lắm rồi trong trái tim người nhạc sĩ của Thu hát cho người nổi tiếng, quê hương như là một viên ngọc luôn sáng lấp lánh trong trái tim ông, dẫu cho: “Chập chùng trường sơn giăng mắc, ngàn thước khe sâu, ngàn thước non cao/Đường về Quảng Nam xa lắm, rừng núi mênh mông, ghềnh thác lênh đênh...” trong ca khúc “Đường về” đầy chất liêu trai của ông. Với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, quê nhà Quảng Nam vừa là mảnh đất nơi ông đã cất tiếng khóc chào đời rồi trải qua những tháng ngày hoa niên tươi đẹp nhưng cũng lắm chua cay, khốn khó của cái thuở bom cày đạn xới khốc liệt, nơi có hai miền đất ông xem như hai khúc ruột của mình là Duy Vinh-Duy Xuyên và Tam Thăng-thành phố Tam Kỳ...
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển về ngồi hát trên đồi sim quê nhà. |
Quê nhà ấy còn là chất “men nồng say đắm như rượu hồng đào” để ông sáng tác nên ca khúc Thu hát cho người để đời, định danh tên mình trong làng âm nhạc Việt Nam vào năm 1968 rồi sau này là hàng chục ca khúc khác như: Đường về, Bài thơ hoa cúc, Hoài niệm trường Giang, Bài thơ quê lụa, Phố Giáng hương, Vinh danh bà mẹ Thu Bồn... Và gần đây là những ca khúc như Tình ca cầu Giao Thủy, Trăng miền hạ, Trên đồi xưa, mới nhất là Chuyện một người Quảng Nam. Riêng về lĩnh vực âm nhạc, tôi tin rằng, ít có nhạc sĩ nào tuy sống xa quê gần trọn một đời như Vũ Đức Sao Biển lại luôn để con tim và tài năng của mình thổn thức những nhịp đập cùng quê như thế. Điều này cũng có nhiều cách lý giải, nhưng theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thì “Trong đời mình, ai cũng có những hình bóng nhất định để mình nhớ, mình yêu thương, trân trọng. Với tôi, quê nhà Quảng Nam là hình bóng đất đai tiên tổ, là cha mẹ tôi, là con sông Trường Giang thơ ấu tôi đã từng lội sông bắt ốc, xúc tôm cùng với chị, tắm ở trên dòng sông này... biết bao là hoài niệm để mà quay quắt nhớ thương”.
Điều khá đặc biệt là, không chỉ sáng tác nhiều và chú trọng việc vận dụng các làn điệu dân ca xứ Quảng vào ca khúc của mình, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển còn lựa chọn ca sĩ là những người con của chính mảnh đất quê hương xứ Quảng để thể hiện bài hát. Tôi nhớ cách đây mấy năm, khi viết xong “Rượu hồng đào” đậm đà men say quê xứ... ông đã liên lạc nhiều lần với tôi để tìm cho ra một giọng ca nữ người Quảng Nam. Bởi theo ông, chỉ có người con gái Quảng Nam với tính cách, với tấm chân tình cũng như tài năng ứng tác của mình mới đủ sức để chuyển tải hết tình ý mà “Rượu hồng đào” ông đã viết. Và y như rằng, khi lựa chọn được ca sĩ Quỳnh Anh, một cô gái xứ Quảng đang hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp ở thành phố Đà Nẵng, Vũ Đức Sao Biển như bắt được vàng. Bởi Quỳnh Anh với các tiêu chí nêu ở trên, đã thể hiện “Rượu hồng đào” rất đẹp, vừa sang trọng lại phảng phất cái chân tình, thuần hậu, cái duyên đằm thắm của một cô gái mời rượu... Chính vì thế mà khi ai đó nghe “Rượu hồng đào” một lần sẽ nhớ mãi cái phiêu diêu, vừa lả lướt rót vào lòng người nghe chất men cay nồng vừa như khẳng định thêm một lần nữa niềm tự hào của người Quảng về vùng đất đã từng được định danh “ngũ phụng tề phi” mà lại chân chất như “Hồn quê em Quảng Nam nằm trong sắc rượu đậm đà”.
Lại ngược dòng thời gian trở về gần 15 năm trước, trong một lần về Quảng Nam, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã trình làng công chúng yêu âm nhạc xứ Quảng album nhạc với tên gọi “Hoài niệm Trường Giang” trong một đêm nhạc cùng tên ở thành phố Tam Kỳ. Lần ấy, trong khả năng của mình và Hãng phim Va-pha-co đồng sản xuất album, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có đủ điều kiện để mời những ca sĩ tên tuổi trong làn âm nhạc TP Hồ Chí Minh về biểu diễn, nhưng ông quyết định chọn cách để những ca sĩ không chuyên ở quê nhà thể hiện những bài hát của mình trong đêm nhạc. Sở dĩ nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển làm như thế là vì ông muốn nhiều ca khúc trong album mang âm hưởng dân ca xứ Quảng cần phải được hát lên bởi người Quảng. Và, đúng như vậy, những giọng hát trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng đất Quảng như Thu Mây, Thu Hiền, Khắc Vận, Thùy Dương... và cả những giọng hát lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu trong một chương trình ca nhạc được dàn dựng công phu... đã khiến người xem xúc động.
Và, bây giờ, sau những ngày nhọc nhằn chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, gây tắt tiếng hơn một tháng trời, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển lại ung dung vượt qua “Chập chùng Trường Sơn giăng mắc / Ngàn thước khe sâu, ngàn thước non cao...” để trở về quê nhà, đi qua những phố phường, những làng quê một thời đầy ắp kỷ niệm hoa niên để rồi bất chợt những giai điệu được cất lên giữa khoảng trời yêu dấu của ông. Tôi nghe đi nghe lại “Chuyện một người Quảng Nam” qua giọng hát của Khánh Trâm-một giọng ca trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng H. Duy Xuyên và hiện đang công tác tại Phòng văn nghệ văn hóa dân gian Khu đền tháp Mỹ Sơn để “cảm” tình ý mà “Chuyện một người Quảng Nam” muốn nói. Khánh Trâm từng được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển chọn để thể hiện nhiều ca khúc viết về Quảng Nam của ông như “Phố Giáng Hương”, “Trăng miền hạ” hay “Vinh danh Mẹ Thu Bồn”.
Chất giọng đẹp, nhẹ nhàng thanh thoát, dù chưa qua trường lớp nào nhưng cô gái quê xứ Duy Tân này đã ghi dấu ấn của mình trong lòng người yêu âm nhạc xứ lụa nói riêng và Quảng Nam nói chung suốt nhiều năm qua. Chính vì thế, khi chọn ca sĩ thể hiện “Chuyện một người Quảng Nam”, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển lại quyết định Khánh Trâm. Hình như, “Chuyện một người Quảng Nam” là nói về chuyện của chính người con Duy Vinh đã biền biệt ra đi từ những ngày mùa thu rắc nắng vàng trên những đồi sim mấy chục năm về trước. Tôi nghe trong giai điệu vọng về xa xăm những tiếc nuối tháng năm hoa niên đẹp đẽ với mối tình trong sáng để “lỡ yêu em mà tôi tím một đời”. Giọng hát Khánh Trâm như kể cùng người nghe câu chuyện dâu bể đời người “đã đi qua nhiều bão tố, qua nhiều phong ba nên đời tôi không có tiếng cười...”. Nhưng cũng giọng hát ấy lại ngân vang những âm hưởng tự hào với quê hương khi người ra đi dù biền biệt trời Nam, nhưng vẫn giữ cốt cách “Người Quảng Nam thương ai cứ bảo rằng thương, ghét ai cứ bảo rằng ghét / Không say tiền bạc hay say mùi hư danh / Không ham lợi lộc hay ham đời hoa gấm/Người Quảng Nam nói đi là / Đi là đi miết từ khi chưa về...”. Có điều gì như là gởi gắm chăng?
Vâng, tôi hiểu nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển bởi mấy chục năm từ thuở biết ông, ông luôn dang rộng lòng, trải dạ, nhất là khi nói về quê xứ. Chính vì thế, nghe “Chuyện một người Quảng Nam”, tôi biết mình đang nghe những điều ông muốn kể. Nhưng lần này, ông kể thật rốt ráo...
Ngọc Kết