Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện người anh hùng “Huyện ủy Lê Thạnh”

Thứ bảy, 15/08/2020 18:00

Thượng tá Lê Trung Chính, nguyên cán bộ Công an Q. Gò Vấp (thành phố Hồ Chí Minh) kể về cha mình - Anh hùng LLVTND Lê Thạnh trong niềm xúc động sâu xa. Tất cả từ những lời truyền lại của mẹ, anh trai, đồng đội của cha và những cuốn sách, sử mà H. Duy Xuyên (Quảng Nam) còn ghi chép, chứ ngày xảy ra biến cố, cậu con út mới tròn một tuổi.

Phó Bí thư Huyện ủy Lê Thạnh (bìa phải) với các đồng chí của mình năm 1954. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Nụ cười trong lửa

Ông Lê Thạnh, quê xã Duy An nay thuộc thị trấn Nam Phước (H. Duy Xuyên) tham gia hoạt động từ rất sớm. Năm 1941, ông vào Đảng, làm Phó Bí thư chi bộ rồi bị thực dân Pháp bắt giam đến 3 năm. Ra tù, đồng chí Lê Thạnh tham gia cướp chính quyền tháng 8-1945, làm Bí thư chi bộ xã, rồi Huyện đội trưởng, sau đó về tỉnh, chỉ đạo trực tiếp công tác quân sự của Duy Xuyên. Đây là thời gian phong trào đánh Pháp của bộ đội và dân quân trong huyện phát triển mạnh mẽ, lập được nhiều chiến công to lớn, người dân vẫn còn truyền tụng.

 Năm 1954, gửi hai con trai lớn ra miền Bắc, ông Thạnh không đi tập kết mà ở lại bám trụ, lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương trên cương vị Phó Bí thư Huyện ủy. Sau hiệp định Genève, miền Nam dầu sôi lửa bỏng, nhiều cơ sở bị địch khủng bố, bắt bớ, tù đày. Giữa vây ráp của kẻ thù, ông vẫn “tả xung, hữu đột” đến từng chi bộ, bắt nối liên lạc, cài cắm, móc nối người của ta, xây dựng chính quyền hai mặt, không để vùng trắng đảng viên.

Tháng 5- 1956, trên đường đi công tác ở chợ Nồi Rang, xã Duy Nghĩa, đồng chí Phó Bí thư bị địch bắt. Biết đây là lãnh đạo chủ chốt của huyện, địch ra sức dụ dỗ, mua chuộc nhưng không có kết quả. Chúng trói ông  vào cây giông đồng, dùng lửa đốt đến bỏng da khét nghẹt. Ông nghiến răng, không một lời kêu ca hay rên xiết làm bọn địch hốt hoảng, dẫn giải về Hòn Bằng (Kiều Thượng- Duy Xuyên). Tại đây, chúng đưa ông vào phòng giam chung với anh em tù nhằm uy hiếp tinh thần. Thân thể đầy thương tích nhưng trước mặt kẻ thù, người cộng sản ấy vẫn cười ngạo nghễ. Đặc biệt khi đối diện với tên chi trưởng cảnh sát Phan Nhì, Phó Bí thư Lê Thạnh luôn giữ thái độ bình thản, ngồi ngang hàng với tên cảnh sát trưởng, đanh thép, đối chát. 

Tên Phan Nhì hỏi: “Tại sao ông cứ ca tụng Hồ Chí Minh?”, lập tức ông Lê Thạnh nói thật to để mọi  người cùng nghe: “Chúng tao có lý tưởng cách mạng, Hồ Chí Minh là lãnh tụ của dân tộc Việt Nam nên tao ca tụng. Còn chúng mày theo tên tay sai bán nước Ngô Đình Diệm thì làm sao mà biết được”. Địch tức tối ra lệnh ông quỳ xuống, nhưng thất bại, chúng tiếp tục tra tấn ông hết sức dã man. Xương tan, thịt nát vậy mà người anh hùng không hề rên rỉ mà gắng tàn hơi hô lớn: “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Kẻ thù hèn hạ tra tấn ông đến chết rồi phi tang thi thể. Đó là ngày 17-5-1956.

Sự hy sinh của Phó Bí thư Lê Thạnh làm chấn động huyện Duy Xuyên thời đó. Nhiều đồng chí ở trong tù với ông đã kể lại những giây phút lẫm liệt của người cộng sản kiên trung. Một phong trào học tập, chiến đấu theo tấm gương đồng chí Lê Thạnh lan tỏa các đảng viên trong huyện. Ban chấp hành Huyện ủy Duy Xuyên lấy tên mới là “Thường vụ Lê Thạnh”, có giá trị không chỉ trong lời nói mà cả trong văn bản suốt thời gian dài.

Ông Nguyễn Văn Hiến - nguyên Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên cho biết: “Năm 1968, tôi được kết nạp Đảng, chuẩn y quyết định của tôi là dòng chữ “Thường vụ Lê Thạnh”. Chính điều này ấn tượng với tôi đến mức, sau này khi làm Bí thư Huyện ủy, tôi quyết đi tìm nhân chứng, sử sách, trực tiếp làm hồ sơ để chú Lê Thạnh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2007. Đồng chí Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, bạn chiến đấu với chú ấy đã rất ủng hộ, tạo điều kiện để quá trình làm hồ sơ nhanh chóng và thuận lợi”.

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Ngoài ông Lê Thạnh là Anh hùng LLVTND, mẹ và vợ ông đều được truy tặng Bà mẹ VNAH.  Ông Lê Trung Chính, người con trai út kể: “Mẹ tôi mất trước khi chưa ai trong nhà nhận các danh hiệu cao quý. Chỉ có những chuyến đi từ Sài Gòn vào ra Quảng Nam liên tục để tìm hài cốt của chồng làm bà kiệt sức. Bà luôn kể về ngày ba tôi bị bắt, địch giải qua nhà ở chợ Chùa, Duy An nhằm lung lạc vợ con. Khi ấy mẹ tôi và các chị đang chằm nón. Ba khẽ khàng nói với mẹ: “Anh lần này có lẽ hy sinh. Thôi em ở nhà cố gắng nuôi con...”. Hình ảnh ấy cùng cái chết thịt nát, xương tan của ba tôi, rồi những lần địch bắt mẹ lên tra tấn, sám hối vì là vợ cộng sản “nòi” đã ám ảnh mẹ đến mức thần kinh không bình thường suốt nhiều năm, sau này chạy chữa mới hết. Tôi mới 10 tuổi đã bị gửi vô cô nhi viện ở Sài Gòn. Hai chị gái đang tuổi thiếu niên cũng phải tự đi bươn chải kiếm sống. May mà sau này ổn dần. Tôi tham gia cách mạng sau ngày giải phóng. Con trai tôi là Lê Huy Vũ, tiếp nối truyền thống gia đình cũng đang công tác ở ngành Công an với quân hàm đại úy”.

 Cũng theo anh Chính, niềm đau nữa của gia đình là hai anh trai ra Bắc học tập thì anh Lê Truyền, thượng úy không quân, sĩ quan dẫn đường (hoa tiêu) Lữ đoàn 919 đã hy sinh trong tai nạn máy bay cùng đoàn chuyên gia Algérie năm 1974 trên bầu trời Hà Nội. Người anh nữa, công tác tại ngành ngân hàng, bị bệnh mất khi chưa kịp có con cái. Những tấm ảnh của cha chụp khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp đã được người anh ở miền Bắc lưu giữ cẩn thận. Vì thế mà gương mặt thân thương của đấng sinh thành như đang sống mãi cùng cháu con.

HỒNG VÂN