Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện người con Hồng Phước

Thứ bảy, 12/05/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Trong các cuộc gặp mặt cựu chiến binh, hoặc hội thảo về công trình lịch sử của địa phương, đơn vị đặc công trên địa bàn TP Đà Nẵng, nhiều người quá quen thuộc với cựu chiến binh Hồ Phúc Ngôn-thuộc Tiểu đoàn Đặc công 89. Điều bất ngờ và đặc biệt, sau hơn 40 năm tham gia hoạt động cách mạng, nếm đủ đắng cay cơ cực của thời nô lệ, cùng đồng đội vào sinh ra tử trong hai cuộc chiến tranh..., tất cả được ông dồn nén trong gần 170 trang hồi ký  với cái tên dung dị "Chuyện người con Hồng Phước" (Nhà xuất bản QĐND-2/2012).

Trong cuốn hồi ký, ông kể về làng Đa Phước, một ngôi làng nhỏ giống như cái rẻ quạt nằm về phía tây bắc Đà Nẵng, sau này một bộ phận của làng được tách ra gọi là thôn Hồng Phước, hiện nay địa danh này thuộc P. Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng). Nơi đây được truyền tụng những gương anh hùng: Đốc Thường, Đốc Ấm, Thống Hai... là những người đã lãnh đạo nhân dân vùng tây bắc Hòa Vang chống thực dân Pháp trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam.

Cũng như nhiều người từng viết về nạn đói trước cách mạng năm 1945, cái đói được Hồ Phúc Ngôn diễn tả thật xót xa:  "Mặc dù nhà tôi cách biển không xa, nhưng do địch bao vây cấm vận, ngăn sông cấm chợ nên cảnh ít cơm, nhạt muối xảy ra thường xuyên... Có không ít lần tôi phải mò mẫm trong đêm đen, đi bộ qua xóm làng khoảng 6 đến 7 cây số ra bờ biển để múc nước về nấu ăn cho có vị mặn, vì nhà không có muối". Và chính cuộc sống của "dân biển thiếu muối" đó đã trở thành đòn bẩy để những người con nơi đây như: Trần Văn Lượng, Võ Bá Cừ, Lê Phúc Ánh, Mai Tấn Cơ... tham gia cách mạng giành lại độc lập tự do cho quê hương. Họ ra đi thành lập Đại đội dân quân Hòa Liên, đơn vị giải tán, các anh lại lên đường nhập ngũ... Cứ như vậy, cuộc sống của Hồ Phúc Ngôn cuốn theo bước quân hành của dân tộc cho đến ngày toàn thắng.

 Bìa cuốn sách "Chuyện người con Hồng Phước".

Kỷ niệm chiến tranh của Trung tá Hồ Phúc Ngôn khi cùng đồng đội đánh chiếm cứ điểm Bồ Bồ, xóa sổ trận địa pháo binh Thanh Vinh, đèo Ông Gấm... bạn đọc có thể đã bắt gặp đâu đó trong các trang viết, hoặc câu chuyện của những người lính một thời trận mạc. Song hồi ký là nét riêng tư được tác giả kể lại qua sự trải nghiệm, cảm nhận của bản thân, do đó tự thân nó đã làm nên sức hấp dẫn. Bởi vậy, cuốn hồi ký của người cán bộ Tiểu đoàn Đặc công 89 Hồ Phúc Ngôn luôn ẩn chứa nhiều điều lý  thú. Nói như nhà văn Quốc Thiều: "Tôi đã trực tiếp biên tập nhiều cuốn hồi ký, nhưng "Chuyện người con Hồng Phước" thực sự làm tôi ám ảnh bởi sự hy sinh to lớn của người chiến sĩ cách mạng". Sự hy sinh được nhà văn nhắc đến không chỉ dừng lại ở đói cơm, nhạt muối, sẵn sàng xông vào nơi mũi tên hòn đạn... mà đó còn là sự đấu trí căng thẳng khi gặp mãnh thú trên đường đi công tác, vợ hy sinh khi con chưa kịp chào đời... Khó khăn, gian khổ dồn dập đổ xuống đầu người chiến sĩ nơi sa trường. Chỉ có nghị lực mạnh mẽ, ý chí thép, lòng yêu nước... mới có thể giúp con người đứng lên chiến đấu giành độc lập tự do cho quê hương.

Trong chiến tranh, sự hy sinh tồn tại như một điều hiển nhiên. Nhưng mất mát của Trung tá Hồ Phúc Ngôn khiến người đọc không cầm được nước mắt khi ông kể chuyện đời mình. Bấy lâu, người ta ngỡ rằng chuyện tình đồi hoa sim của nhà thơ Hữu Loan là hy hữu. Nhưng đối với Hồ Phúc Ngôn "nó lại vận vào thân". Trong những ngày đi kháng chiến, ở nhà mẹ ông âm thầm cưới cô bạn học trường làng  cho ông mà ông không biết. Đến khi vợ chồng gặp nhau cứ ngỡ vẫn là đôi bạn ngày xưa; khi sự thật vỡ òa thì chỉ còn kịp nắm tay nói lời ly biệt;... Nỗi đau riêng hòa cùng nỗi đau chung đã làm cho con người Hồ Phúc Ngôn trở nên cứng rắn, bản lĩnh, không chịu lùi bước trước kẻ thù, giúp ông đi suốt cuộc chiến tranh. Dấu ấn người chiến binh để lại trong lòng đồng đội bao kỷ niệm khó phai. "Chuyện người con Hồng Phước" đã được phát hành trong toàn quân vào quý I-2012 và được trưng bày trong ngày hội những người yêu sách tại Đà Nẵng vừa qua.

Vĩnh Nhân