Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện người "thích nhận việc khó về mình"

Thứ hai, 25/11/2019 15:07

Khoác trên mình bộ quân phục CAND nhưng lại công tác ở một lĩnh vực khá đặc thù, Thượng tá Trần Thị Thanh Thủy - Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ CATP Đà Nẵng (hiện đang nghỉ chờ hưu - PV) vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ niệm với nghề. Với chị, 13 năm phụ trách lĩnh vực chính sách và bảo hiểm xã hội (BHXH), đồng nghĩa với việc phải trực tiếp giải quyết chế độ cho hàng ngàn lượt CBCS CATP, trong đó không ít lần chị phải "lao tâm khổ tứ" vì những hồ sơ thiếu hoặc sai giấy tờ, thủ tục. Tuy nhiên, dù là nguyên nhân gì thì chị cũng luôn hết lòng vì nhiệm vụ, vì quyền lợi chính đáng của đồng đội, anh em. Bởi mỗi lần tháo gỡ được những vướng mắc, giải quyết đúng, đủ chế độ cho CBCS là thêm một lần chị cảm thấy ấm lòng. Với chị, họ là những người xứng đáng được thụ hưởng chính sách an sinh khi đã dành trọn cả cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân...

Thượng tá Trần Thị Thanh Thủy (thứ 2, phải qua) trong một lần về thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Cọng (H. Duy Xuyên, Quảng Nam) - Mẹ được CATP Đà Nẵng nhận phụng dưỡng.

Mất ăn mất ngủ vì một câu nói!

Trong vô số kỷ niệm với nghề, Thượng tá Thủy nhớ nhất là câu nói của một người, cũng là đồng đội mình khi vừa cầm trên tay cuốn sổ hưu trí. Đó là trường hợp của ông Trần Lịnh (cán bộ Phòng Hậu cần CATP). Ngày đó, Phòng Tổ chức cán bộ mời ông Lịnh lên làm thủ tục nhận hồ sơ hưu, khi kiểm tra lại các giấy tờ có liên quan, ông Lịnh thốt ra câu nói khiến chị giật mình: "Chị Thủy ơi, nhận sổ hưu nhưng tôi thấy không thỏa mãn"! Hỏi nguyên nhân, ông Lịnh trả lời, rằng ông có 3 năm làm hợp đồng mà không được cộng để tính chế độ hưu trí. "Cũng vì trong quá trình làm các thủ tục, ông Lịnh không kê khai, cũng không có giấy tờ gì để chứng minh nên Phòng Tổ chức không đề cập. Đến khi nhận được sổ thì mọi việc đã an bài", Thượng tá Thủy kể.

Những tưởng mọi việc cứ thế trôi qua, nhưng khi về lại nhà, câu nói của ông Lịnh cứ ám ảnh, khiến chị "ăn không ngon, ngủ không yên". Ngay sáng hôm sau, Thượng tá Thủy gọi điện bảo ông Lịnh đưa toàn bộ hồ sơ đến để kiểm tra lại. Rà soát, tỉ mẩn đọc từng chi tiết nhưng không hề có "chứng cứ" gì chứng minh ông Lịnh có 3 năm làm hợp đồng tại Phòng Hậu cần. Theo nguyên tắc, khi cấp sổ hưu và giải quyết chế độ buộc phải có hợp đồng làm việc và có đóng BHXH thì mới được tính. Vì thế, việc ông Lịnh không được tính thêm 3 năm hợp đồng là có cơ sở. Mặc dù vậy nhưng với trách nhiệm tự thân, Thượng tá Thủy vẫn liên hệ với Cục Chính sách và BHXH (Bộ Công an) để nhờ tư vấn, tìm giải pháp khả dĩ. Được sự hướng dẫn của Cục Chính sách, Thượng tá Thủy đề nghị ông Lịnh làm đơn trình bày, sau đó tìm đến những người biết việc (là lãnh đạo, đồng nghiệp tại đơn vị trước đây) xác nhận ông có 3 năm làm hợp đồng. Sau khi có xác nhận, Thượng tá Thủy tham mưu Phòng Tổ chức cán bộ tiến hành hủy hồ sơ cũ, gửi tất cả các giấy tờ, thủ tục có liên quan đến Cục Chính sách của Bộ để làm lại hồ sơ mới. "Vấn đề phát sinh, là nếu truy thu số tiền đóng bảo hiểm 3 năm (những năm thập niên 80 thế kỷ trước- PV) cộng với lãi suất tính đến thời điểm hiện tại thì sẽ nhiều hơn số tiền được hưởng, làm như thế thì thiệt lại chồng thiệt", Thượng tá Thủy nói. Vì vậy, chị đề xuất Cục Chính sách nghiên cứu, tìm giải pháp tối ưu (tất nhiên không trái với quy định) để cho ông Lịnh được nhận mức lương mới mà không phải đóng bù bảo hiểm. Sự việc sau đó được giải quyết một cách trọn vẹn, vừa thấu tình, vừa đạt lý.

Trao đổi với chúng tôi về sự việc, ông Lịnh cho biết, khi cầm trên tay cuốn sổ hưu mới, ông không còn gì để áy náy nữa. "Thực sự, nếu không có sự vào cuộc đầy trách nhiệm, nhiệt tình của CBCS Phòng Tổ chức cán bộ nói chung, cá nhân chị Thủy nói riêng thì tôi cũng không có được như ngày hôm nay. Bây giờ tôi thực sự thấy rất vui và mãn nguyện lắm", ông Lịnh bày tỏ.

Thượng tá Trần Thị Thanh Thủy là người luôn trăn trở với quyền lợi chính đáng của CBCS CATP. 

Nhận việc khó về mình       

Theo Thượng tá Trần Thị Thanh Thủy, BHXH và bảo hiểm y tế (BHYT) là hai trụ cột của an sinh xã hội. Trong CAND, BHXH có tính đặc thù, đó là BHXH bắt buộc chứ không có tự nguyện. Theo đó, có 5 chế độ, gồm hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản và tai nạn lao động. "Thực hiện tốt 5 chế độ này đồng nghĩa với việc làm tốt công tác BHXH, và khi ấy những người trực tiếp làm công tác này mới thực sự hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình", Thượng tá Thủy nói. Tuy nhiên, cái khó là không phải CBCS nào cũng biết được 5 chế độ mà mình được thụ hưởng. Vì vậy, công tác tuyên truyền về chính sách BHXH có vai trò cực kỳ quan trọng. "Quan trọng nhất là làm sao tuyên truyền cho CBCS hiểu về chế độ bảo hiểm, các điều kiện để được hưởng chế độ bảo hiểm của mình", Thượng tá Thủy nhìn nhận. Đồng thời cho biết, có những chế độ mà hầu như CBCS ít quan tâm, đơn cử như tai nạn lao động. "Trên đường đi làm chẳng may bị té ngã và bị thương. Người bị thương chẳng bao giờ nghĩ đó là tai nạn lao động, tuy nhiên theo quy định, khi đang trên đường đi làm, trên đường về (đúng tuyến đường) hoặc ngoài giờ, ngày nghỉ nhưng thực tế là đang thực hiện nhiệm vụ được lãnh đạo đơn vị giao thì vẫn được hưởng chế độ tai nạn lao động. Kể cả tai nạn giao thông cũng được coi là tai nạn lao động với điều kiện tương tự nói trên. Những chi tiết này hầu như CBCS đều không nắm rõ. Và với những người thực hiện chính sách, nếu không chịu khó nghiên cứu, trao đổi, hướng dẫn thì rất dễ dẫn đến thiệt thòi quyền lợi cho anh em", Thượng tá Thủy đúc kết.

Cũng theo Thượng tá Thủy, muốn làm tốt công tác tuyên truyền thì cán bộ thực hiện chính sách phải nắm chắc, nắm vững các quy định có liên quan, và muốn nắm vững thì phải chịu khó nghiên cứu các quy định, thông tư, hướng dẫn... "Tuyên truyền cũng có nhiều hình thức, thường thì thông qua các văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó là qua các buổi giao ban, hội họp. Và với CATP Đà Nẵng, thì kênh thứ ba cũng khá hiệu quả là xây dựng chuyên mục trên Trang thông tin điện tử của CATP", Thượng tá Thủy cho biết.

Liên quan đến Chuyên mục "Chính sách và bảo hiểm" trên trang thông tin điện tử "CATP Đà Nẵng", Thượng tá Thủy thông tin, nó được khởi xướng từ năm 2017, thông qua ý tưởng của Thiếu tướng Lê Thanh Hải - Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an (lúc bấy giờ là Đại tá, Phó Giám đốc CATP). Theo đó, trong một lần họp với đội ngũ làm công tác bảo hiểm và chính sách của CATP, Đại tá Hải bày tỏ băn khoăn về công tác tuyên truyền chính sách này đến với CBCS, và Đại tá Hải đã gợi ý nên tận dụng thành tựu của công nghệ để CBCS dễ dàng tiếp cận. Không lâu sau đó, cùng với các hình thức tuyên truyền khác được CATP triển khai, thì chuyên mục "Chính sách và bảo hiểm" ra đời, góp thêm một kênh thông tin giúp cho CBCS CATP tìm hiểu, tham khảo mỗi khi cần đến.

Nói về kinh nghiệm bản thân, Thượng tá Thủy cho rằng, để làm tốt chính sách và BHXH cho CBCS, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền cho cả đối tượng thụ hưởng lẫn người làm công tác chính sách. Thứ hai, làm công tác chính sách là phải chịu khó nghiên cứu văn bản, còn nếu lớt phớt thì không bao giờ làm được, hoặc làm nhưng dễ sai sót, ảnh hưởng đến chế độ của anh em. Ngoài ra, phải chú trọng công tác phối hợp với cơ quan BHXH thành phố để trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm... "Với người cán bộ làm chính sách, BHXH, điều kiện tiên quyết là phải tâm huyết, tỉ mẩn, chịu khó trong công việc; giỏi nghiệp vụ, linh hoạt, nhạy bén để tìm cách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong khâu hồ sơ, thủ tục, trên tinh thần tất cả vì quyền lợi chính đáng của CBCS...", Thượng tá Thủy nhìn nhận.

Còn rất nhiều công việc không tên, không được "cập nhật" vào nhiệm vụ của đội ngũ CBCS làm chế độ, chính sách BHXH nói chung, chính sách và BHXH CATP Đà Nẵng nói riêng mà trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không thể đề cập, chuyển tải hết. Thế nhưng, có một điều dễ nhận thấy, đó là bằng tinh thần "thân ái, giúp đỡ", họ đã giúp nhiều đồng chí đồng đội mình được hưởng đúng, hưởng đủ, thậm chí hưởng tốt hơn các quyền lợi của mình. Đặc biệt, mỗi khi thấy ai đó nâng niu trên tay cuốn sổ hưu với nụ cười mãn nguyện, họ cũng cảm thấy vui lây. Bởi với họ, như thế là mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ không chỉ của Ngành mà còn tự thân mình đặt ra...

D.Hùng