Chuyện người “vào hang hùm bắt cọp”
Anh hùng LLVTND Trần Ngọc Ảnh, hiện ở Đà Nẵng, quê xã Bình Triều, huyện Thăng Bình (Quảng Nam) trong gia đình có cha là đảng viên hoạt động bí mật. Nhập ngũ từ thuở xuân xanh, trải qua nhiều trận đánh lớn, người con xứ Quảng được biết đến với những giai thoại “dũng sĩ diệt Mỹ”, “vào hang hùm bắt cọp”...
Anh hùng LLVTND Trần Ngọc Ảnh (phải) được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tặng hoa sau khi báo cáo chiến lệ tại Núi Thành (2012). Ảnh: H.V |
Ở tuổi 17, Trần Ngọc Ảnh vóc dáng bé tẹo như thiếu niên, tối đến là “sợ ma” không dám đi đâu. Tháng 9-1964, cùng với khí thế thanh niên trong làng, Ảnh hăng hái xin cha mẹ nhập ngũ. Bà mẹ không yên tâm nhưng người cha lại muốn con đi để trưởng thành. Vào Tiểu đoàn 70, nhìn Ảnh nhỏ con mà lanh lẹ, đơn vị cho làm trinh sát. Cấp trên quả không lầm người. Đầu năm 1965 khi cùng đồng đội tham gia giải phóng các xã: Sơn Phúc, Sơn Khánh, Sơn Long, Sơn Thạch (huyện Quế Sơn), anh đươc khen là chiến sĩ dũng cảm, mưu trí.
Lúc này, bọn địch chốt đóng đỉnh núi Hòn Tàu nhằm khống chế khu vực từ thị trấn Đông Phú đến xã Quế Hiệp và ngăn chặn quân ta tấn công giải phóng xã Sơn Trung. Đại đội bảo an dưới sự chỉ huy của tên Đại úy Súy ác ôn khét tiếng suốt ngày lùng sục, tìm kiếm, tàn sát dân lành vô tội. Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 nhận lệnh mai phục tấn công tiêu diệt chúng. Sau khi truy quét, tổ trinh sát phát hiện có một tốp lính địch đang lẫn trốn trong khe suối khô. Chỉ huy Đại đội quyết định bao vây và bắt sống chúng. Biết mình nhỏ con, có thể đi lọt vào khe đá này, Trần Ngọc Ảnh xung phong nhận nhiệm vụ. Anh lách người qua khe nhỏ đi vào sâu bên trong, cách 10 mét, phát hiện tên địch sử dụng máy vô tuyến PCIO ở bên ngoài. Ảnh bình tĩnh tìm cách tiếp cận và bắt trói tên địch này, buộc phải khai ra nơi ẩn nấp của các tên còn lại. Từ đó với sự hỗ trợ của đồng đội, Trần Ngọc Ảnh vào sâu trong hang núi, lách vào các kẽ đá và bắt thêm được 4 tên còn lại, thu 5 súng.
Khi đại đội Mỹ đầu tiên đổ quân vào Núi Thành (Quảng Nam), làm chốt điểm tiền tiêu bảo vệ mặt tây căn cứ Chu Lai. Quyết tâm của Quân khu 5 và của tỉnh là phải đánh chúng ngay từ khi mới đặt chân đến. Ảnh được cử đi trinh sát 3 đêm liền. 0 giờ 30 ngày 26-5-1965, anh ném quả thủ pháo nặng cỡ một cân vào công sự phát hỏa trận đánh. Địch đang say ngủ nên hoàn toàn bất ngờ. Đang băng ào ạt phía trước, bỗng anh nghe một tiếng động mạnh phía sau. Quay lại thì thấy một tên Mỹ cao to đang vật lộn với Đại đội trưởng Đại đội 2 Võ Thành Năm. Hai bên đang giành khẩu súng ngắn.
Ném lựu đạn hay bắn đều rất nguy hiểm cho đồng đội. Ảnh khựng lại trong tích tắc, rồi cũng rất nhanh, dùng quả lựu đạn chày nện vào đầu tên Mỹ, nó choáng váng, ngã lăn ra. Anh Năm ngay lập tức kết liễu tên địch, tiếp tục chỉ huy trận đánh diễn ra đúng kế hoạch, góp phần làm nên trận Núi Thành lừng lẫy. Về phía Ảnh, đến công sự thứ 5 thì một viên đạn phía sở chỉ huy bắn xuống xuyên vùng xương chậu, máu ra rất nhiều. Anh ném quả lựu đạn cuối cùng lên sở chỉ huy, tạo điều kiện cho đồng đội chiếm vị trí này. Bị thương, còn nằm viện, Trần Ngọc Ảnh được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp 1”. Giấy chứng nhận ghi ngày 26-5-1965. Anh là một trong những dũng sĩ diệt Mỹ đầu tiên ở miền Nam lúc bấy giờ.
Giấy chứng nhận Dũng sĩ diệt Mỹ được ông Ảnh cất giữ. |
Khi Tiểu đoàn 70 trực thuộc Sư đoàn 2, Trần Ngọc Ảnh được dự đại hội chiến sĩ thi đua Sư đoàn (7-1967), lên báo cáo điển hình. Cùng với thành tích dũng cảm khi tham gia giải phóng các xã của huyện Quế Sơn đầu năm 1965, anh nhận bằng khen và được tặng danh hiệu “Người nhỏ chí lớn, dám vào hang hùm bắt cọp”.
Trong chiến dịch tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, Đại đội 2 đánh vào tỉnh lỵ Quảng Tín (nay là Tam Kỳ - Quảng Nam). Trần Ngọc Ảnh làm Đại đội trưởng khi mới tròn 21 tuổi. Một số trận của đơn vị dưới sự chỉ huy của anh đạt hiệu quả cao. Anh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Điều thú vị là tất cả những phần thưởng này cùng với trước đó, Ảnh đều đem về đưa cha mình bỏ vào thùng đại liên cất giữ suốt những năm địch càn quét. Sau ngày giải phóng, người cha đã trao lại toàn bộ “tài sản” cho con, đi đâu, ông Ảnh cũng mang theo.
Người anh hùng kể, không giấu niềm tự hào: “Năm 1979, khi làm cán bộ Tổng trại 2 sang tỉnh Ratanakiri giúp bạn tiếp nhận hồ sơ và khai thác tù binh, tôi gặp một anh chàng nguyên đại đội trưởng Pol Pot. Tên này lúc đầu lầm lì, không hợp tác nhưng tôi cứ rủ rỉ kể chuyện, có lúc còn đem cả các phần thưởng của mình được tặng ngày xưa để kể cho anh ta nghe. Dần dần, anh chàng đã giác ngộ, tuyên truyền có lợi cho ta, còn hợp tác để quân tình nguyện giành thắng lợi trong một trận đánh mà không phải đổ máu”.
Năm 1985, khi về lại Đà Nẵng, ông Ảnh được thông báo sẽ tiếp đoàn thượng nghị sĩ Mỹ thăm Hội Cựu chiến binh tỉnh. Lúc này giấy chứng nhận Dũng sĩ diệt Mỹ của ông bạc màu đến mức căng mắt mới nhìn được. Đại tá Lê Hải Lý - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (cũ) đã cho đổi lại kỷ vật ấy thành tấm bằng hiện nay. Ông Ảnh đưa cho viên thượng nghị sĩ xem và ông này cứ săm se mãi. Trước đó, khi sang Campuchia, một số giấy chứng nhận huân chương trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Trần Ngọc Ảnh cũng đã được thủ trưởng Dương Minh Đáng gửi lên trên cho quy đổi để được bảo toàn.
Những kỷ vật từ thời chống Mỹ, cứu nước đã có giá trị quan trọng bổ sung hồ sơ để Trung tá Trần Ngọc Ảnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2012.
HỒNG VÂN