Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện nhặt trên “lãnh địa” voi rừng xứ Quảng (Kỳ 2: 40 năm bị voi rừng “hành”!)

Thứ ba, 28/04/2020 17:01

Khi nói về đàn voi ở Nông Sơn, không ai hiểu tường tận và nắm rõ đặc tính loài cũng như “lãnh địa” của những “ông Tượng” ở đây bằng ông Nguyễn Văn Bình (1953, trú thôn Phước Hội, xã Quế Lâm, H. Nông Sơn). Ông Bình đã có 40 năm gắn bó, tường tận từng đặc điểm của mỗi cá thể voi trong quần thể và cũng bao phen thân sơ thất sở vì đàn voi...

Những đoạn ống nước của ông Bình bị voi về quật gẫy.

Khi chúng tôi đến nhà để tìm hiểu về đàn voi rừng, ông Bình tếu táo: “Không biết tôi có gây nên thù oán gì với đàn voi hay không, nhưng suốt 40 năm qua, tôi ở đâu cũng bị đàn voi về quậy. Từ Sầm Nưa, Nà Lau, Cán Dù rồi ra tận Cấm La này cũng bị nó tìm đến quậy. Cuối năm 2018, đàn voi về khu vực rẫy gần nhà giẫm đạp, quật ngã hơn 100 gốc chuối, một đám bắp, hơn 1.000m ống nước. Điều đáng nói, hai loại ống nước được đặt song song dẫn nước từ thượng nguồn về, thế nhưng đường ống nước của tôi thì bị voi giẫm đạp, quật gẫy hết; trong khi đường ống nước của người dân trong thôn nằm sát bên không hề hấn gì…”.

Nhà ông Bình nằm trên ngọn đồi cao ở làng Cấm La, bốn bề rừng núi, cuộc sống gia đình ông làm nương rẫy chủ yếu. Cuối năm 2018, khi đang cặm cụi làm ở sau nhà, ông Bình bất ngờ nghe tiếng voi rống ở bìa rừng. Lách mình qua rẫy keo, nhìn xuống rẫy bắp bên kia khe suối, ông Bình thấy đàn voi 7 cá thể, con voi đực đầu đàn với hai chiếc ngà to dài đang giẫm đạp, quật bể ống nước; những con còn lại dùng vòi quật ngã những bụi chuối được ông trồng ven bờ suối.

Khi chúng tôi hỏi về “cái duyên” giữa ông và đàn voi rừng, ông Bình cho hay, đầu năm 1980, vợ chồng ông vào khu vực Sầm Nưa để sinh sống nhưng đến mùa nương rẫy là đàn voi kéo về quậy phá, giẫm đạp hết cây trồng, uy hiếp đến tính mạng. Không thể chung sống với đàn voi, năm 1984, vợ chồng ông quay trở ra khu vực Hồn Nứa. Thế nhưng ở đây chỉ được vài tháng, đàn voi rừng hàng chục con tiếp tục kéo đến quật ngã căn nhà nhỏ của họ, buộc vợ chồng ông phải ôm con bỏ chạy. Sau đó, vợ chồng ông Bình dọn về khu vực bìa rừng Cán Dù ở, nhưng được vài năm, voi rừng tiếp tục kéo về uy hiếp khiến vợ chồng ông một lần nữa phải dọn nhà đi.

BQL KBT voi trang bị 1 chiếc kẻng để ông Bình kịp thời báo động khi đàn voi rừng “xuống núi”. 

“Lúc ở Cán Dù, voi về nhiều lần lắm. Có lần đang rút rơm cho bò ăn thì tôi nghe bên cây rơm có tiếng sột soạt. Vừa trườn người qua coi thì thấy con voi to đùng đang dùng vòi quấn rơm ăn. Sau đêm đó, vợ chồng tôi tiếp tục cuốn gói dời nhà ra khu vực Cấm La này ở”, bà Trần Thị Mẫn (vợ ông Bình) kể thêm.

Cứ tưởng về khu vực Cấm La này dân cư đông hơn, voi sẽ không tìm đến quậy phá nữa, thế nhưng cứ đều đặn mỗi tháng một lần, đàn voi kéo về uy hiếp. Lật từng trang trong cuốn sổ ghi chép, ông Bình chỉ cho chúng tôi xem từng ngày ông ghi chú khi đàn voi về làng. Hôm thì voi về phá rẫy ông Hai Ước, hôm thì phá rừng keo của mấy người dân khu tái định cư… Vì voi liên tục về làng quấy phá, đập bể ống dẫn nước nên nhiều sào ruộng của gia đình ông Bình bỏ hoang, không có nước để sản xuất.

“Thấy tôi “có duyên” với đàn voi rừng, sau khi được thành lập, Ban quản lý khu bảo tồn voi giao cho tôi một kẻng lớn kèm theo một chiếc máy ảnh kỹ thuật số để tôi “tác nghiệp” mỗi khi gặp voi. Vừa rồi đàn voi rừng 8 con, trong đó có một con nhỏ mà các nhà khoa học chụp được cũng do tôi dẫn họ vào đó. Ngoài đàn voi trên, ở địa phương còn có một đàn voi 5 con, trong đó có một con voi già ngà rất dài…”, vừa nói, ông Bình vừa đưa chiếc máy ảnh nhỏ cho chúng tôi xem, trong đó có một số hình ảnh voi do chính ông Bình chụp được.

Ông Nguyễn Văn Bình cùng chiếc máy ảnh để chụp voi được BQL KBT voi cấp.

Cũng theo ông Bình cho biết, trước đây voi sinh sống chủ yếu ở khu vực Nà Lau. Nhưng 2 năm nay tôi không thấy đàn voi về trong đó nữa. Khi những hầm hố vàng tặc bỏ lại lau cỏ mọc lên, voi vô tình đi tìm thức ăn bị rơi xuống không thể lên được. Có lẽ vì sợ điều đó mà chúng không dám đến khu vực đó nữa”, ông Bình tiết lộ thêm.

Nhận xét về người “có duyên” với đàn voi rừng, ông Mai Văn Dưỡng - Phó Giám đốc BQL khu bảo tồn voi, cho hay: “Chú Bình là người gắn bó lâu năm với núi rừng, am hiểu tường tận từng khu vực có đàn voi sinh sống, là người rất tâm huyết với loài voi. Mỗi khi có các đoàn khoa học về khảo sát, Ban đều nhờ chú Bình dẫn đường vào khu vực có voi ở. Từ khi Khu bảo tồn voi được thành lập đến nay, ông đã có nhiều đóng góp cho công tác bảo tồn, phát triển đàn voi ở địa phương”. 

(còn nữa)

TRẦN TÂN