Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện nhỏ khi ra phố

Thứ năm, 29/04/2021 15:29

Lưu lượng các loại xe cơ giới trên tuyến đường ở các đô thị hiện nay, trong đó có Đà Nẵng ngày càng lớn, điều đó có thể thấy rất rõ mỗi khi ra đường, nhất là vào những giờ cao điểm. Chỉ riêng về xe máy, tuy chưa qua thống kê nhưng chắc chắn phải có đến trên 90% số hộ dân có xe máy, một nhà có thể có đến 3-4 chiếc.

Các phương tiên tham gia lưu thông tại phía đông Cầu Rồng (Đà Nẵng).

Còn về ô-tô, không khó nhận ra lượng ô-tô tăng lên năm này nhiều hơn năm trước... Với lượng xe nhiều như vậy, tai nạn giao thông trong đô thị liên quan đến xe máy cũng chiềm một tỷ lệ khá lớn. Một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn là do người điều khiển chưa có ý thức khi tham gia giao thông và cả việc chưa tận dụng hoặc trang bị đầy đủ những thiết bị cần phải có trên mỗi chiếc xe của mình. Điển hình nhất là việc sử dụng đèn xi nhan mỗi khi rẽ phải hay rẽ trái và gương chiếu hậu khi quan sát. 

Trước hết nói về cái đèn xe. Ở các nước văn minh, khi ô-tô phổ biến như xe máy ở ta thì đèn xi nhan được phát huy tối đa tính năng cảnh báo của nó, nếu ai quên bật xi nhan khi rẽ trái, phải  mỗi khi qua các giao lộ thì khả năng bị cảnh sát xử phạt là rất cao. Còn ở ta, việc dùng đen xi nhan khá tùy tiện, nhiều người hầu như không để ý đến tình năng của loại đèn này, rẽ phải hay trái dùng tay hoặc không có bất kỳ động tác nào cả, thích là rẽ, nguy hiểm nhất là rẽ đột ngột không báo trước đây là một nguyên nhân gây tai nạn không nhỏ. Cũng có người quên tắt đèn xi nhan khi lưu thông, sau khi đã rẽ trái hay phải, điều đó cũng rất dễ đến tại nạn, chẳng hạn đèn chớp bên phải nhưng lại rẽ trái vì không để ý đến tình trạng đèn...

Một loại đèn quan trọng nữa của xe máy và cả ô- tô, cũng dễ gây ra tai nạn nếu không quan tâm đến việc sử dụng nó là đèn chiếu sáng của xe. Đáng sợ nhất là những chiếc máy không đèn, còn gọi là “xe mù”, thường bắt gặp lúc chập chọang tối hoặc vào buổi sáng tinh mơ khi đèn đường chưa sáng hoặc đã tắt. Nguy hiểm nhất là những chiếc “xe mù” phóng bạt mạng, ra vào các khu chợ đầu mối, thường hoạt động từ nửa đêm đến lúc mờ sáng. Bên cạnh đó là tình trạng khá phổ biến các loại xe, thay vì bật chế độ đèn cos (đèn chiếu gần) lại bật chế độ đèn pha (đèn chiếu xa) khi lưu thông trong đô thị. Đối với người đi ngược chiều, đèn chiếu mạnh và thẳng sẽ gây chói mắt cho người đi ngược chiều (nhất là khi đi vào hẻm nhỏ), điều này cực kì nguy hiểm vì làm giảm khả năng quan sát và xử lý tình huống. Đặc biệt đối với người đi cùng chiều, khi đèn pha chiếu vào kính chiếu hậu của xe máy hoặc ô tô đi trước sẽ gây chói và mất tập trung vào những chướng ngại vật phía trước đầu xe họ...

Một loại thiết bị cũng rất quan trọng khi sử dụng xe máy là kính chiếu hậu. Rất nhiều người đi xe máy mặc dù xe có kính chiếu hậu lại không quan sát qua kính mà ngoái đầu lại phía sau trước khi chuyển làn hay rẽ trái, phải, đặc biệt là chị em phụ nữ, thường trang bị áo mũ kín mít như “Ninza”, khi lưu thông sẽ rất nguy hiểm nếu cứ phải ngoái đầu lại mỗi khi muốn rẽ, trong khi chỉ cần quan sát nhanh bằng cách liếc mắt vào kính chiếu hậu là có thể quan sát được phía sau của mình để quyết định rẽ ngang hay chuyển làn. Nhưng không ít người lại hoàn toàn không để mắt đến 2 kính chiếu hậu trên xe. Nói vui, cái gương chiếu hậu chỉ là “vật trang trí” gắn vào cho đẹp xe, thậm chí là chỉ để  đối phó với cảnh sát giao thông vì nó chẳng được người ta để tâm tới mỗi khi ngồi lên xe ra đường! 

Xung quanh chiếc xe máy có những chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng lại liên quan đến văn hóa giao thông, đến an toàn tính mạng của công dân khi lưu thông trên đường, nhất là là ở đô thị lớn như Đà Nẵng.

Đối với ô-tô, việc sử dụng kính chiếu hậu được triệt để, phổ biến hơn xe máy rất nhiều nhưng có một câu chuyện cũng nên quan tâm, đó là tình trạng “co cụp” của kính mỗi khi đậu xe bên đường. Mặt cắt đường đã không lớn mà khi đậu xe, người lái xe lại quên hoặc không để ý đến một thao tác tuy nhỏ thôi nhưng không kém phần quan trọng là gập kính chiếu hậu lại để hạn chế bớt sự cản trở giao thông. Việc làm này vừa bảo vệ được kính chiếu hậu vừa an toàn cho các phương tiện giao thông khác khi lưu thông trên đường cũng như gián tiếp hạn chế tai nạn giao thông.

Câu chuyện cuối cùng là việc thắt dây an toàn cho người ngồi trên xe ô-tô khi lưu thông. Mặc dù theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP ban hành ngày 31-12-2019 về việc xử phạt tài xế, người ngồi trên ô-tô không thắt dây an toàn, mức phạt từ 800.000 - 1 triệu đồng với tài xế không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; Chở người trên xe ô-tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy. Quy định là vậy, nhưng hiện nay rất ít trường hợp bị xử phạt liên quan đến cái dây an toàn này. Và cũng không khó bắt gặp hình ảnh người lái xe không thắt dây an toàn khi lái xe, người ngồi bên hoặc người ngồi sau thắt dây lại càng hiếm gặp. 

Nên chăng, bên cạnh việc tuyên truyền, nhắc nhở những người điều khiển các phương tiện cơ giới lưu thông trên đường phát huy tính năng các loại đèn, kính, dây an toàn..., trên chiếc xe của mình thì lực lượng chức năng cũng cần đẩy mạnh hơn việc xử phạt nặng chủ nhân vi phạm các quy định về an toàn giao thông liên quan đến các thiết bị nêu trên. 

Sử dụng hết tính năng của các loại trang bị trên phương tiện cơ giới từ mô-tô, xe máy đến ô-tô mỗi khi lưu thông trên đường, thiết nghĩ cũng là một cách giảm thiểu tai nạn giao thông một cách thiết thực, đồng thời cũng là cách thể hiện ý thức của người dân thành phố khi tham gia giao thông và trên hết là thể hiện cụ thể của Văn hóa giao thông trong một thành phố văn minh, hiện đại và hội nhập sâu với khu vực và thế giới.

Dân Hùng