Báo Công An Đà Nẵng

Chuyện những người thủ tiết thờ chồng

Thứ năm, 18/10/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - “Đứt gánh giữa đường”, nhiều phụ nữ đi thêm bước nữa để tìm chỗ dựa cho mình. Đó là điều xã hội chấp nhận. Nhưng ngày nay, không ít thiếu phụ vẫn “thủ tiết thờ chồng”, ở vậy nuôi con và phải vượt qua biết bao đắng cay để “tòng tử” vẹn toàn…

ĐỂ NGOÀI TAI CHUYỆN ONG BƯỚM...

Chị Trần Thị Lan, xã Tam Xuân 1, H. Núi Thành (Quảng Nam) đang ăn nên làm ra nhờ chiếc thuyền buôn ngang dọc trên biển. Bỗng một buổi chiều tin sét đánh ngang tai: Chồng chị, anh Mai Nhâm, một thanh niên vạm vỡ, dạn dày sóng gió bị tai nạn giao thông, mất trên đường đi tới bênh viện. Anh đột ngột ra đi khi chị mới ngoài 30 tuổi để lại 2 đứa con trai, đứa lớn mới 8 tuổi, đứa nhỏ mới 5 tuổi đầu. Thiếu vắng người đàn ông trong nhà, cuộc sống gia đình chị bỗng nhiên bị đảo lộn. Không còn người ra biển làm ăn, chị đành phải bán chiếc thuyền máy và sắm cái xe đẩy đơn sơ, hằng ngày làm sữa đậu nành đem bán vào những buổi sáng. Bà con hàng xóm thương tình cùng mua giúp cho chị... Cứ thế ngày tháng trôi qua, chị nuôi 2 con ăn học đàng hoàng. Toàn, con trai lớn của chị đã trưởng thành trong tình thương yêu và sự chắt chiu của mẹ. Toàn lớn lên với thân hình vạm vỡ, từng là cầu thủ của đội bóng đá Quảng Nam và hiện đang công tác ở Ngân hàng NN & PTNT tỉnh Quảng Nam.

Giờ đây, khi các con đã lớn, chị Lan đã thong thả phần nào nhưng nhìn lại chuỗi ngày quá khứ chị không thể nào quên được nỗi đắng cay mà mình đã từng trải qua. Chị vốn là một người con gái đẹp, duyên dáng vùng sông nước, khi chồng mất, mới hơn 30 tuổi đời, sắc đẹp của chị vẫn mặn mà, thân hình lồ lộ nét quyến rũ. Vì thế mà chị trở thành mục tiêu của nhiều trung niên làng. Không ít lần chị bị những “ma làng” nhòm ngó. Chị Lan không kể ra nhưng có người biết rằng, một lần vào đêm khuya đang lơ mơ ngủ, một “ma làng” mò vào tận buồng chị sàm sỡ. Chị đã hô hoán và phản đối kịch liệt nên “ma làng” phải bỏ chạy. Mà “ma làng” có phải ai xa lạ đâu, quẩn quanh cũng là hàng xóm. Ngoài nạn “ma làng” cũng có một người đàn ông góa vợ muốn nên duyên chồng vợ nhưng chị đã kiên quyết khước từ. Chị Lan tâm sự: “Tui nghĩ số mình nó đã rứa, phải ở như ri để nuôi con mới vẹn toàn, chứ có đi bước nữa rồi tình cảm chia sẻ, có khi con tau, con mầy lại thêm phiền phức. Còn dan díu theo trai, chòm xóm, con cái biết được thì xấu hổ lắm, mà có khi còn phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác. Ở vậy nuôi con, dù mình có phải chịu thiệt thòi!”.

Chị Lan vẫn bán sữa đậu nành hằng ngày. Ảnh: V.P 

ĐẾN NHỮNG ĐỨA CON KHÔNG PHỤ LÒNG MẸ

Khi chồng mất, bà Huỳnh Thị Thu, thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành) chưa đầy 30 tuổi. Vốn là người mau miệng, có duyên nên quanh bà nhiều người đàn ông tìm đến ong bướm, có người muốn chắp duyên, trong đó có một ông trung tá quân đội hẳn hoi nhưng bà kiên quyết khước từ, ở vậy nuôi 3 người con gái. Chồng vốn là công chức, khi ông còn sống, gia đình bà ở TT Núi Thành. Ông mất đi, gánh nặng nuôi con oằn trên lưng, bà lại không có nghề nghiệp nên phải chuyển gia đình về quê Tam Mỹ làm ăn. Cuộc sống nơi vùng quê núi vất vả, thiếu thốn mọi bề, nhưng bà vừa làm ruộng, vừa kiếm củi nuôi con ăn học. “Đầu tắt, mặt tối” rồi cũng vượt qua, bà Thu đã nuôi 3 người con gái học hành đến nơi đến chốn. Kết quả không phụ lòng bà, cả ba người đều trở thành giáo viên và là những người con chí hiếu. Tâm sự với chúng tôi, chị Bùi Thị Hiếu, người con thứ 2 của bà nói: “Ba mất sớm, mẹ tôi ở vậy nuôi con. Đây quả là ít có. Công ơn này của mẹ không có gì sánh bằng nên chúng tôi cố gắng báo đáp công ơn trời biển đó của mẹ !”.

Khi các con trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, bà Thu vẫn lo cho các con. Còn các con bà, hàng ngày, thay nhau về trông nom, đem những miếng chín về cho mẹ và lo thuốc thang chu đáo khi mẹ “trái gió, trở trời”. Sống mãn nguyện trong cảnh hạnh phúc với cháu con, 72 tuổi, bà quy tiên. Trước đó, trong những ngày bị trọng bệnh, các con gái của bà luôn túc trực bên cạnh săn sóc, thuốc thang cho mẹ đến hơi thở cuối cùng... Đám tang bà có rất nhiều người đến đưa tiễn. Họ thầm khâm phục bà, một người phụ nữ đã thủ tiết thờ chồng, nuôi con và thanh thản đi về cõi vĩnh hằng trong sự tiếc thương và trân trọng của nhiều người.

Trong nhịp sống hiện đại, gấp gáp thời nay có lẽ nhiều nguời cho rằng họ - những phụ nữ thủ tiết thờ chồng nuôi con còn mang nặng tư tưởng phong kiến để bản thân cam chịu thiệt thòi. Nhưng không hẳn vậy. Chính những người phụ nữ ấy là những người mẹ biết hy sinh vì những đứa con dứt ruột đẻ ra. Dĩ nhiên họ hơn hẳn những thiếu phụ “mồ chàng ngọn cỏ còn xanh” đã vội gởi con cho nội ngoại rồi lao vào những cuộc tình mới không nghĩ gì đến con thơ để rồi tạo ra những khúc bi ai mới trong những cuộc tình chắp vá, vụng trộm...

Văn Phin