Báo Công An Đà Nẵng

Chuyển nhượng giữa mùa V-League: Đãi cát tìm vàng

Thứ hai, 17/05/2021 12:53

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) quyết định tạm dừng đăng ký cầu thủ giữa mùa ở V-League 2021. Sự thay đổi bất khả kháng này vô tình lại giúp nhiều CLB có thêm thời gian chuẩn bị, bổ sung và kiện toàn lực lượng cho giai đoạn 2.

Đinh Xuân Tiến có thể thay đổi cách nhìn của các CLB với lứa cầu thủ trẻ.            

Kéo dài thời gian chuyển nhượng

Hôm 10-5 vừa qua, VPF chính thức tạm dừng đăng ký cầu thủ giữa mùa giải 2021. Trong đó, VPF nói rõ quyết định này nhằm đảm bảo quyền lợi cho các CLB trong việc thay thế bổ sung cầu thủ giữa mùa giải trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các giải đấu đang phải tạm dừng. Theo lịch trình ban đầu, thời hạn chuyển nhượng giữa mùa giải 2021 với 2 giải đấu V-League và Cúp Quốc gia kéo dài từ ngày 26-4 đến 23-5, thời hạn chuyển nhượng đối với giải hạng Nhất Quốc gia từ ngày 6-5 đến 2-6.

Việc tạm dừng đăng ký đồng nghĩa thị trường chuyển nhượng giữa mùa ở V-League sẽ “đóng băng”? Không hề. Các CLB vẫn có thể thoải mái tự do đàm phán, tìm kiếm các mục tiêu phù hợp, ưng ý nhất. VPF đã có một quyết định chính xác, hợp tình hợp lý. Trong bối cảnh dịch bệnh, các CLB lo phòng chống dịch và đương nhiên không thể tập trung vào việc chiêu mộ cầu thủ như trong hoàn cảnh bình thường. Việc siết thời gian đăng ký như bình thường vì thế sẽ khiến đa số CLB gặp khó khăn.

Thực tế, một số CLB đã có động thái mua sắm tân binh rất nhanh và dường như đã sớm “chốt sổ” chuyển nhượng. Ví dụ SHB Đà Nẵng đã chia tay Ibou Kebe, đón Claudecir, CLB TP.HCM thải loại Dario Federico và Junior Barros, Nguyễn Xuân Nam và Trương Ngọc Mười để đưa về Patrick Da Silva. CLB Sài Gòn cũng cắt hợp đồng sớm với Daisuke Matsui, Hiroyuki Takasaki và Woo Sang Ho để dọn đường đón Pape Diakite và Dario Junior.

Trong khi đó, Bình Định đã đăng ký Đăng Văn Trâm và Đinh Hoàng Max, những người vốn tập luyện với họ từ nhiều tháng qua, Hải Phòng lấy lại người cũ Joseph Mpande thay cho Diego Silva. Tuy nhiên, ngay cả với các CLB này, việc kéo dài thời gian chuyển nhượng cũng chỉ có lợi chứ không có hại. Họ sẽ có thêm thời gian đánh giá lại đội hình, đánh giá tân binh và thay đổi phút chót nếu muốn.

Chờ thay đổi ở nhóm B

Kết thúc giai đoạn 1, V-League sẽ chia làm 2 nhóm A và B. Nhóm A bao gồm 6 đội đầu bảng tranh chức vô địch, nhóm B bao gồm 8 đội còn lại ở nửa dưới bảng xếp hạng cạnh tranh các suất trụ hạng ở giai đoạn 2. Về lý thuyết, các đội mạnh đang có sự ổn định cao và gần như không có thay đổi nào vào giữa mùa. HAGL đang có bộ khung hoàn hảo nhất trong nhiều năm, khi các ngoại binh của họ đều chơi tốt. Rõ ràng, HLV Kiatisuk không có gì cần thay đổi ở thời điểm này. Điều ông lo ngại duy nhất là thể lực của các cầu thủ sau đợt tập trung cùng ĐTQG và nghỉ thi đấu sau đó.

Tương tự như vậy, Viettel cũng không có nhiều biến động. Đội đương kim vô địch V-League vốn có thêm suất ngoại binh do tham dự AFC Champions League và họ đã sớm bổ sung từ giai đoạn một. Các đội còn lại đang nằm trong top 6 là Than Quảng Ninh, Nam Định, Đông Á Thanh Hóa và Becamex Bình Dương đều có nhiều mối lo hơn chuyển nhượng. Với Than Quảng Ninh, đó là câu chuyện lương thưởng và các bản hợp đồng sắp hết hạn trong đội. Với Nam Định, tiềm lực tài chính hạn chế giúp họ hài lòng với vị trí hiện tại. Cho dù rơi xuống nhóm B vào phút chót, Nam Định cũng không cần quá lo lắng sau những gì họ đã thể hiện. Tương tự như vậy, Bình Dương không có tham vọng đủ lớn để tạo ra bất ngờ. Các CLB này đều là những đội bóng an phận thủ thường. Với họ, việc vào nhóm A giống như giành được tấm vé trụ hạng sớm.

Vì vậy, chuyển nhượng giữa mùa thực tế là chuyện của nhóm B. Các CLB hoạt động mạnh nhất lúc này vốn nằm ở nhóm cuối bảng, từ Sài Gòn cho đến TP.HCM, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, SHB Đà Nẵng, Hải Phòng. Riêng Hà Nội vốn có nền tảng vững chắc và tham vọng lớn, đã đi theo hướng khác. Đội chủ sân Hàng Đẫy có lực lượng không tệ và họ muốn tìm người phát huy sức mạnh sẵn có thay vì bổ sung thêm ngôi sao. Đó là lý do HLV Park Choong Kyun cùng chuyên gia phân tích Kim Tae Ho (đều là người Hàn Quốc) xuất hiện trong thời gian qua.

Trong số các đội nằm ở nhóm cuối bảng, duy nhất SLNA chưa thay đổi hoặc bổ sung ngoại binh nào đáng kể. CLB xứ Nghệ đang trải qua thời gian cực kỳ khó khăn và có những biến động ở thượng tầng. Trước khi giai đoạn 1 kết thúc, cả Chủ tịch Nguyễn Hồng Thanh và HLV Ngô Quang Trường đều xin từ chức vì chuỗi trận tệ hại của đội bóng. Việc ký hợp đồng lần thứ... 3 với Felipe Martins cho thấy sự bế tắc của SLNA lúc này. Sự im ắng của SLNA khiến người hâm mộ họ rất lo ngại. Trong lịch sử V-League, đội bóng thành Vinh chưa từng phải xuống hạng. Cũng chính vì thế, khoảng lặng hiện tại là thời gian cực kỳ quý báu cho những người làm bóng đá ở SLNA đánh giá và đưa ra quyết định cứu vớt CLB.

Ngay sau khi V-League 2021 tạm hoãn, SLNA đã quyết định đưa tài năng trẻ Đinh Xuân Tiến lên đội một. Ở vòng chung kết U19 Quốc gia, Xuân Tiến thi đấu cực hay giúp SLNA vào đến bán kết. Cho dù sinh năm 2003, nhưng Xuân Tiến hứa hẹn sẽ tạo ra luồng gió mới cho đội bóng xứ Nghệ. Bên cạnh đó, SLNA cũng xúc tiến mượn cầu thủ từ CLB khác. Những năm trước, họ từng mượn Hoàng Văn Bình từ Thanh Hóa (2018), Joel Vinicius từ CLB TP.HCM (2019) và thoát hiểm thành công.

P.V