Báo Công An Đà Nẵng

Chuyển nhượng giữa mùa V.League 2022: Chợ chiều tiền nhiều cũng... khóc!

Thứ sáu, 19/08/2022 14:37
SHB Đà Nẵng chọn cách sử dụng nguồn lực từ tuyến trẻ.

Giai đoạn chuyển nhượng giữa mùa được rất nhiều đội bóng kỳ vọng tìm và bổ sung nhân sự cho những khiếm khuyết lực lượng vì chấn thương hoặc những điểm yếu bộc lộ ở lượt đi. Vậy nhưng, không như những năm trước, thị trường mở nhưng “hàng” vô cùng khan hiếm. Chậm chân, Nam Định là CLB nếm trái đắng nhất bởi cảnh chợ chiều này. Được “bơm” kinh phí khá trễ, HLV Nguyễn Văn Sỹ tìm đỏ mắt cũng không tìm ra cái tên nào ưng ý. Cũng có đấy, nhưng toàn là “hàng độc”, được hét giá không tưởng so với khả năng tài chính mà HLV này được cấp. Kết quả này đồng nghĩa với việc đội hình hiện có lại phải tiếp tục cày ải và quá sức, điều mà họ coi như “chuyện hàng ngày ở CLB” và bị cổ động viên la ó, đòi đuổi vì thái độ thi đấu “hời hợt”.

Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng… “rất nhiều tiền”. Điều này ứng với T. Bình Định. Cũng là “Định” cả, nhưng T. Bình Định ở chiều ngược lại với Nam Định. Chưa lâu sau khi CLB TPHCM tậu Lee Nguyễn, HLV Nguyễn Đức Thắng chớp cơ hội để có thủ môn Việt kiều Đặng Văn Lâm 3 năm rưỡi. Có thông tin rằng CLB đất Võ đã chi gần 100 tỷ đồng cho thị trường chuyển nhượng từ đầu mùa giải, nay cũng bỏ ra không ít để có người gác đền số 1 của đội tuyển Việt Nam.

Đã gọi là thị trường, tài chính là yếu tố quyết định. Đội bóng nào trả nhiều tiền hơn, đội bóng ấy có cơ hội giành những cầu thủ tốt nhất. Song chừng đó cũng chưa đủ, cái gì không mua được bằng tiền thì có được bằng… tình, nếu tình và tiền song hành càng tốt. Trường hợp của Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng là ví dụ, trở về phục vụ cho đội bóng quê hương khi chế độ đãi ngộ khác trước. Bên cạnh đó, đôi khi tiền bạc không phải là yếu tố quyết định mà là việc, người ta có thực sự hiểu nhau, ủng hộ nhau trong các mối quan hệ hay không. Câu chuyện Huỳnh Tấn Sinh của CLB hạng Nhất Quảng Nam vừa được Hà Nội FC “mượn” hết mùa giải 2022 cũng là câu chuyện theo cách khác. Ai cũng thừa hiểu, đến HLV cũng được “điều” liên tục thì chuyện một tuyển thủ như Huỳnh Tấn Sinh được chuyển về đội bóng thủ đô nhằm củng cố cho mục tiêu vô địch của Hà Nội FC là… chuyện nhỏ.

Không mua được thì… mượn! Đó là cách làm rất hiệu quả của Hải Phòng, nhưng không phải CLB nào cũng vậy. Hà Nội FC có thể cho một đội bóng hạng Nhất mượn phần lớn số tài năng trẻ đang có nhưng khi Thành Chung vừa bị CLB khác chèo kéo, lập tức một hợp đồng “khủng” được Hà Nội FC tung ra, “trói” trung vệ này đến hết năm 2025. SHB Đà Nẵng để A Mít đến Đ. Thanh Hóa, HAGL cho Hải Phòng mượn cả nhóm cầu thủ đang lên chân… đều không thuộc những CLB đối địch.

Nhắc đến những điều trên để thấy sự khác biệt đến khắc nghiệt ở thị trường chuyển nhượng ở V.League, đặt biệt là giai đoạn giữa mùa, thời điểm mà một cầu thủ muốn đến đội bóng khác là điều không hề dễ dàng khi đang bị ràng buộc bởi rất nhiều rào cản. Đi cùng với đó, rất nhiều người “đi chợ” sẵn sàng trả nhiều tiền nhưng không có được cầu thủ mình mong muốn khi mà người bán có những tiêu chuẩn khác chứ không chỉ về mặt tài chính, đó là tham vọng, là mục tiêu phát triển ở tương lai, là quan hệ chằng chịt… Từng có cầu thủ xa gần rằng, họ rất thích không khí của Thiên Trường, nhưng cứ nhìn cách hành xử của trọng tài với Nam Định, họ sợ đến đấy không có tương lai(?).

Nam Định, Đ. Thanh Hóa, H. Hà Tĩnh, thậm chí cả 2 đại gia TPHCM và Sài Gòn FC đang gánh chịu sự khắc nghiệt và tính bất thường ở “chợ chiều” mùa giải này. SHB Đà Nẵng, cũng chẳng phải thờ ơ với việc mua sắm giữa mùa, nhất là khi kết quả thi đấu gần đây không như ý. Có thể đội bóng sông Hàn không còn được đầu tư như “thời bầu Hiển”, nhưng có thể có cách nhìn khác. Từng trải qua nhiều CLB và dưới trướng nhiều ông bầu nổi đình nổi đám, có lẽ HLV Phan Thanh Hùng có thừa cảm giác bấp bênh của sự tùy hứng. SHB Đà Nẵng không chỉ cần hiện tại mà cần cả tương lai, phải chăng đó là lý do HLV họ Phan đang xây dựng đội hình với lứa trẻ Duy Cương, Phi Hoàng, Đình Duy…?

Trong vòng xoáy của thị trường chuyển nhượng, không riêng gì mùa giải 2022, ngoài chi tiêu cho lực lượng ngoại binh và vài cái tên như Tuấn Linh, Hữu Tuấn, có lẽ HAGL bàng quan nhất. Họ còn có thừa cầu thủ tốt để cho mượn, trong khi đó tiếp tục tuyển chọn, đào tạo đều đều cho ra lò những lứa cầu thủ tiềm năng. Phải chăng đây là hình mẫu để các CLB tham khảo nếu như không muốn cảnh đến hẹn lại lên xách giỏ, mang tiền lục tung chợ sớm chợ chiều…

T.S