Chuyện ở "cánh đồng vàng" (2)
* Kỳ 2: Ám ảnh môi trường
(Cadn.com.vn) - Môi trường ở khu vực mỏ vàng Bồng Miêu và toàn xã Tam Lãnh đã bị tàn phá nghiêm trọng. Chỉ nhìn dòng sông Bồng Miêu tù đọng vì đất đá, phế thải, nước vàng ệch lờ đờ chảy... ai cũng phải ớn lạnh. Những con sông, dòng suối từ "cách đồng vàng" đang cảnh báo sẽ làm cho công trình đại thủy nông Phú Ninh trở thành "hồ chết", nguồn nước ở vùng hạ lưu Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành... ô nhiễm trong thời gian không xa.
Mặc dù UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu tạm dừng, nhưng Cty 6666 vẫn hoạt động |
Câu chuyện về Cty vàng Phước Sơn và Cty vàng Bồng Miêu làm ăn thua lỗ, nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thuế, phí, và nhiều doanh nghiệp đã được chính quyền, ngành chức năng, báo chí đề cập rất nhiều trong những năm qua. Thực ra, cả hai Cty vàng này đều có chung một "cha đẻ" là Tập đoàn Besra Việt Nam. Những ngày qua, Cty vàng Phước Sơn đã làm thủ tục phá sản tại cơ quan Tòa án, còn Cty vàng Bồng Miêu tuy hết thời hạn giấy phép từ tháng 3-2016, song trên thực tế cũng ngưng hoạt động từ tháng 7-2014 trong bối cảnh còn "treo" trên cổ khoản nợ thuế gần 300 tỷ đồng. Dư luận vẫn thắc mắc, chỉ từ năm 2008 đến 2012, Tập đoàn Besra với hai Cty Phước Sơn và Bồng Miêu đã đào từ lòng đất ở những thánh địa vàng Quảng Nam hơn 4,430 tấn vàng, nhưng tại sao vẫn có những khoản thuế, phí không thể nộp nổi? Vàng được "tuồn" đi đâu, để đến nỗi Nhà nước đành thất thu thuế?
Chuyện đấy xin dành cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý. Hãy quay trở lại với câu chuyện ở "cánh đồng vàng" Bồng Miêu: Từ cuối năm 2013 đến nay, Cty vàng Bồng Miêu có dấu hiệu làm ăn thua lỗ, tạm ngưng sản xuất do kém hiệu quả. Ông Nguyễn Thế Vinh cho biết, diện tích Cty này được cấp 365 ha, nhưng Cty không đủ năng lực quản lý, không bảo vệ được diện tích đã cấp, để cho hàng trăm đối tượng vào khai thác vàng trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng, dùng hóa chất để khai thác vàng và thải ra sông suối gây ô nhiễm trên toàn địa bàn xã Tam Lãnh. Xã có 11 thôn, 7.718 nhân khẩu, hầu hết nguồn nước sinh hoạt đã bị ô nhiễm do nước ngấm từ sông suối vào. Trong thời gian qua, UBND xã đã phải huy động vốn đầu tư một công trình nước sạch gần 800 triệu đồng để cung cấp cho nhân dân. Tại Đồn CA Tam Lãnh, Trung tá Văn Công Đoàn- Trưởng đồn cũng cho chúng tôi biết, mười mấy anh em đơn vị làm nhiệm vụ ở đây, khó khăn nhất hiện nay là không có nước sinh hoạt. Nguồn nước tự chảy phải kéo từ khe núi về đều bị ô nhiễm nặng, chỉ dùng để rửa ráy, tưới rau, còn nước dùng tắm giặt, ăn uống hàng ngày phải đi vận chuyển rất xa. Ông Nguyễn Thế Vinh với "tầm nhìn xa" hơn thì khẳng định, tất cả các khe suối ở Tam Lãnh, sông Bồng Miêu đều đổ về hồ Phú Ninh và các con sông chảy về Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành... Và với tình trạng ô nhiễm nguồn nước thế này, chỉ không lâu nữa, hồ Phú Ninh sẽ là "hồ chết", cùng hạ lưu Quảng Nam sẽ bị ô nhiễm nặng từ hóa chất đào đãi vàng ở Bồng Miêu.
Nhưng dòng suối bùn do khai thác vàng ở Bồng Miêu, Tam Lãnh. |
Theo Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam ngày 6-3-2017, trên cơ sở đề nghị của Cty vàng Bồng Miêu và Cty CP Khoáng sản công nghiệp 6666, ngày 11-10-2013, UBND tỉnh có công văn cho phép Cty vàng Bồng Miêu bàn giao toàn bộ quặng đuôi thải của đập thải 1, 3A, 3B, một số đuôi quặng đang chôn tại khu vực Hố Gần cho Cty 6666 vận chuyển về làm nguyên liệu cho Xưởng chế biến tận thu kim loại và xử lý môi trường tại H. Phú Ninh... Tuy nhiên, trong quá trình tận thu quặng, Cty 6666 đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực sông suối như ở Suối Trang, Hố Lò Năm... Vụ việc này người dân đã phản ánh, kiến nghị lên các cấp chính quyền và ngành chức năng. Ngày 20-10-2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn yêu cầu Cty 6666 tạm dừng hoạt động vận chuyển, thu hồi quặng đuôi từ bãi thải vàng Bồng Miêu, Xưởng chế biến tận thu vàng chì ở khu vực Suối Trang, Hố Lò Năm... cho đến khi khắc phục các vấn đề về ô nhiễm môi trường. Theo báo cáo của Cty này: "Tổng số vốn Cty đã đầu tư cho 2 dự án chế biến tận thu kim loại và xử lý môi trường là gần 62 tỷ đồng. Khối lượng quặng thải từ quá trình ngâm triết của Cty vàng Bồng Miêu là 100.000 tấn, Cty đã vận chuyển 60.000 tấn... Khối lượng quặng thải từ quá trình tuyển trọng lực của Cty Bồng Miêu là 1.500.000 tấn, Cty 6666 đã vận chuyển 20.000 tấn... Dự kiến thời gian khai thác, tận thu vàng, chì trong khối lượng quặng đuôi trong đập thải Cty vàng Bồng Miêu là 10 năm...".
Trung tá Văn Công Đoàn cho biết, trong khi Cty 6666 chưa thực hiện xong các yêu cầu khắc phục về ô nhiễm môi trường của UBND tỉnh, thì thời gian qua, Cty này vẫn sửa đường, tiến hành khai thác tận thu quặng vàng, chì. Đồn CA Tam Lãnh đã có báo cáo gửi Ban Giám đốc CA tỉnh, chính quyền và ngành chức năng để có hướng xem xét, xử lý.
Một ngày lội khắp "cánh đồng vàng" cùng các CBCS Đồn CA Tam Lãnh, chúng tôi chứng kiến cả một vùng rộng lớn, hàng trăm héc-ta sông suối, đồi núi bị đào bới nham nhở... Nhiều máy xúc, xe tải lớn, nhiều giàn máy hút, đào, lọc đãi lấy vàng vẫn ầm ầm hoạt động, hàng trăm lán trại của những người đào đãi vàng tự do ẩn khuất sau những cánh rừng keo của người dân bản địa. Môi trường vùng vàng Bồng Miêu đang bị tàn phá nghiêm trọng mà chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu nào...
Hồng Thanh